Cập nhật lúc 05:34:42 17-06-2021 (GMT+7)

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa góp ý về Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức

Ngày 15/6/2021, HT. Thích Minh Thông – Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản số 95/BTS-VP của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa gửi đến Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

BBT xin giới thiệu nội dung công văn như sau:

Hòa thượng Thích Minh Thông – Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa

– Kính gửi: Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội “Dự thảo Thông tư”. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Thông tư, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa có ý kiến như sau:

1. Thống nhất hoàn toàn nội dung kiến nghị của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh: dựa trên Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính không có chức năng quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện.

2. Tiền công đức là tiền của cá nhân, cơ quan, tổ chức tặng cho nhà tu hành hoặccơ sở tín ngưỡng, cơ sở, tổ chức tôn giáo để nuôi dưỡng các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người thực hành tín ngưỡng, thực hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động khác nhằm phát triển tôn giáo, tín ngưỡng. Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Hơn nữa, tại Khoản 1 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Như vậy, tiền công đức là tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; Hay nói cách khác, tổ chức tôn giáo có quyền nhận tiền công đức và được Nhà nước bảo hộ vì nó là tài sản của Giáo hội (Trú trì là người được Giáo hội ủy quyền điều hành Phật sự tại các tự viện, có toàn quyến sử dụng tài sản công đức này).

3. Với những nội dung đã dẫn tại Mục 2, thì nội dung tại Khoản 4 Điều 2 “Tiền công đức…được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích” trong Dự Thảo Thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính là vi hiến, không hợp pháp.

Xét thấy nhiều nội dung của Dự thảo Thông tư không hợp hiến, không hợp pháp, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, quyền sở hữu riêng của nhà tu hành, và không khả thi trong thực tiễn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Khánh Hòa kính đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ban Trị sự 63 Tỉnh/Thành cũng như Phật tử trên cả nước (vì tiền công đức trong Phật giáo do tín đồ Phật tử tại gia cảm phục đức độ tu hành của các Tăng ni và đức tin đối với đạo Phật hiến cúng một cách hoàn toàn tự nguyện) để kiến nghị với Bộ Tài chính hủy bỏ Dự thảo Thông tư nói trên.

Trân trọng./.


Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu