Cập nhật lúc 06:54:43 06-01-2020 (GMT+7)

Biên Hòa: Khóa tu một ngày Phúc Lạc kỳ 10 tại Chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm với chủ đề “Mình Là Ai”

Ngày 05/01/2020 (nhằm Ngày 11/12/Kỷ Hợi) tại CHÙA TRÚC LÂM VIÊN NGHIÊM, số 259b, tổ 10, kp 4, P. Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức khóa tu “Một ngày phúc lạc kỳ 10”. Một ngày phúc lạc là khóa tu được tổ chức định kỳ hàng tháng để quý Phật tử trong đạo tràng cùng quý thiện nam tín nữ gần xa có cơ hội trở về chùa tu tập, xây dựng đời sống an lạc cả thân và tâm.


Khóa tu dưới sự chứng minh và tham dự của TT giảng sư Thích Phước Nghiêm – Phó trưởng ban Hoằng pháp TW GHPHVN, Phó thường trực BHD Phật Tử TW GHPGVN kiêm trưởng ban Thanh thiếu nhi TW GHPGVN, Viện Chủ Tổ Đình Phước Lâm, TP. Hồ Chí Minh; ĐĐ. Thích Minh Hiếu – Phó phân ban Thanh thiếu nhi GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Phó trụ trì đặc trách chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm; ĐĐ. Thích Nhuận Trí - Ủy viên ban TTTT GHPGVN tỉnh Đồng Nai, cùng Chư Tăng tại bổn tự cùng về tham dự.

Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, ĐĐ. Thích Minh Hiếu đã thực hiện truyền giới theo nghi thức truyền thống và giảng giải ý nghĩa bát quan trai giới cho toàn thể quý Phật tử tham dự hiểu về con đường mình đang thực tập. Đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm lắng nghe và tuyên hứa trước giới sư, phát tâm nguyện thọ trì và giữ gìn bát quan trai giới, tinh tấn trên con đường tu học.

Sau lễ truyền giới đạo tràng Phật tử trang nghiêm thanh tịnh cung thỉnh TT giảng sư Thích Phước Nghiêm – Phó trưởng ban HP TW , Phó thường trực BHD Phật Tử TW GHPGVN, Kiêm trưởng ban Thanh thiếu nhi TW GHPGVN, Viện Chủ Tổ Đình Phước Lâm , TP. Hồ Chí Minh quang lâm thuyết giảng với chủ đề “Mình Là Ai ”.

Trong Phật giáo, khái niệm Lục độ hay Lục ba-la-mật gồm sáu hạnh: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Hạnh bố thí giữ vị trí đứng đầu. Trong tâm thức của người học Phật, bố thí được nhận thức là một pháp hành cần thiết trên đường trở về bến giác với mọi hạnh nguyện cao cả. Đó là sự buông xả, buông xả sự dính mắc về thân thể và buông xả những dính mắc của ý niệm.
Trong thân phận làm người thì bản ngã là chủ thể đại biểu của ngũ uẩn giả hợp. Ngoài ngũ uẩn đó ra thì không còn một “cái tôi” nào khác. Nhưng do mê lầm mà con người bám chấp vào ngũ uẩn giả hợp tạo ra thân tâm là “cái tôi”, là “bản ngã” của mình, xem “bản ngã” như là cái gì có thật tất yếu. Từ đó sinh khởi vô số niệm tưởng phân biệt, ngã chấp, pháp chấp và tạo nên một vành đai ngã sở là những “cái của tôi”, một pháo đài của lòng tự kỷ, của tập khí sâu nặng.
Việc ý thức “cái của tôi” là ngã sở tác dụng tách biệt với thế giới mà chúng ta đang sống. Cảm thức về sự tách biệt này là ảo tưởng, trên thực tế là ảo tưởng nguy hiểm nhất của chúng ta trong khuynh hướng chạy theo chủ nghĩa duy vật mà cốt tủy chính là thường xuyên bị ám ảnh bởi biểu tượng về tiền bạc, địa vị và quyền thế. Phải chăng đây là sự bất lực để nhận ra bản tính “chân không” của bản ngã mà tính duy lý không thể hiểu và không nhận biết được chiều sâu của nó. Vì thế, ta lại quay qua cố gắng khai thác các khả tính mà thế giới trần tục có thể cung ứng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không có gì của trần gian này có thể lấp đầy cái hố thẳm không đáy nằm tận sâu trong nội tâm.
Vấn đề không phải là loại trừ bản ngã vì nó đâu có thực sự đâu, mà chính là hướng tới một ý thức về bản ngã ít mang “tính nhị nguyên” hơn và mở dần đến tính “trống không” của ý thức bản ngã.
Bố thí có công năng như chiếc chìa khóa mở toang được cánh cửa vào lòng tự kỷ, đột nhập vào vòng đai của ngã sở. Bố thí sẽ làm cạn kiệt dần nhựa sống nuôi dưỡng cây đại thụ bản ngã, ích kỷ hẹp hòi. Như thế, bố thí là công hạnh khởi đầu một đời sống của tâm quảng đại, nuôi dưỡng lòng vị tha, là bước chân khởi đầu đến với Phật pháp.
Tuy vậy, việc thực hành bố thí phải trải qua một thời gian kiên trì, thì mới phát triển được hết ý nghĩa thâm sâu của nó theo hướng vô cầu và vô chấp, không còn xem đó là những việc làm xứng đáng tự mãn. Người bố thí không còn nghĩ tưởng đến việc mình đã làm, không khởi tâm niệm về đền ơn đáp nghĩa, không đợi chờ lời khen ngợi tán dương.

Giáo lý của Ngài là một kho tàng vô giá, là tinh túy của nền văn hóa thế tục. Trí huệ của Ngài là một sự hoàn hảo của vũ trụ, có khả năng giải quyết những vấn đề của đời sống.
Đức Phật dạy rằng, mọi vật đều như giấc mộng, như ảo ảnh như cái bóng, như bọt nước (kinh Kim cương). Không có gì trường tồn, không có gì chắc thật để cho người ta thủ đắc hay bám giữ. Khi thấu hiểu ra rằng không có gì để được hay mất, lúc đó chúng ta thoát khỏi vô minh.
Toàn thể đạo tràng vô cùng hoan hỷ đón nhận dòng sữa pháp của Thượng Tọa giảng sư đã từ bi ban bố , đồng thành kính hướng về đảnh lễ tạ ơn Tam Bảo, ơn thầy và phát nguyện tinh tấn tu hành với tâm trường viễn đến ngày đạt đạo giải thoát cho mình và cho muôn loài.

Sau buổi thuyết giảng, Đại Đức Thích Nhuận Trí - Ủy viên ban TTTT GHPGVN tỉnh Đồng Nai hướng dẫn đại chúng thực tập thời khóa tụng kinh, niệm phật, ngồi thiền, cúng ngọ và thọ trai.

Khóa tu chính thức khép lại với lời căn dặn của Đại Đức phó trụ trì, Đại Đức nhắc nhở quý phật tử luôn áp dụng giới luật, tránh dữ làm lành, tích phúc ngay trong đời sống hàng ngày làm hành trang trên lộ trình tu tập.
 
Một số hình ảnh ghi nhận:


















 Tin & ảnh: Nhuận Bình & Bảo Phát.
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu