Cập nhật lúc 01:44:09 19-05-2020 (GMT+7)

Biến tư gia thành nơi an dưỡng tâm hồn

Đến thăm nhà họ, nhìn nơi tôn trí Phật, góc tĩnh, an của những Phật tử ấy, lòng ta cũng sẽ lắng lại, đầy hoan hỷ. “Nhất thiết duy tâm tạo”, lời Phật dạy, theo đó vì có lòng tôn kính Phật nên không gian sống của những Phật tử ấy cũng phải thật sáng, thật trang nghiêm.

Dưới đây là những chia sẻ của 3 trong số nhiều Phật tử như vậy…

Anh 1 (4).jpg
Mỗi mùa Phật đản, anh Hồ Văn Sĩ đều thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni, thỉnh chư Tăng an vị - Ảnh: H.V.S

* Anh Hồ Văn Sĩpháp danh Tâm Tuệ Minh, công tác tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCMMỗi khi trở về thấy lòng an, nhẹ

- Tôi có cơ duyên biết Phật pháp từ bà tôi. Từ khi tôi 10 tuổi, tôi đã ảnh hưởng rất nhiều từ bà. Tôi là sự tiếp nối của bà theo truyền thống Phật giáo Huế.

Phật pháp đã mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi thấy mình thật may mắn vì đã biết được Phật pháp, nếu không có Phật pháp chắc có lẽ tôi sẽ không có được cuộc sống hạnh phúc như ngày nay.

Nhờ có sự hiểu biết căn bản Phật pháp và sự thực tập pháp môn, với những áp lực trong cuộc sống và công việc, tôi đã đón nhận và giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Bản thân tôi luôn cố gắng sống có trách nhiệm với gia đình, trong xã hội và công việc. Nhờ có Phật pháp mà tôi, vợ và các con tôi đã cùng xây dựng được một gia đình hạnh phúc trên nền tảng đạo đức, hiểu biết, thương yêu và trách nhiệm. Bên cạnh những điều kiện của một gia đình hiện đại, chúng tôi trân giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Nhờ có Phật pháp mà trong cuộc sống xã hội, trong công việc, tôi luôn hướng đến những điều tích cực, cùng hòa nhập, dấn thân, tròn trách nhiệm vì sự phát triển chung của cộng đồng nơi tôi làm việc. Chọn cách sống đơn giản, trân trọng hạnh phúc đích thực như lời Phật dạy, tôi luôn cảm thấy bình an, thong dong, thảnh thơi và an lạc.

Tôi có một niềm vui là mọi người - từ quý thầy, quý sư cô, các vị Phật tử trong nước, ngoài nước, các bạn đồng tu và các bạn từ những tôn giáo khác hay không tôn giáo khi họ đến thăm nhà tôi, họ đều cho tôi biết được cảm giác của họ là nhẹ nhàng, bình an và mang lại cho họ hình ảnh khó quên, một cái gì đó có lẽ đặc biệt, bất ngờ với một gia đình có những thành viên năng động, tích cực trong cuộc sống hiện đại mà lại có nơi chốn trở về như một tư thất, cung kính Tam bảo trang nghiêm trong không gian thiền vị, nhẹ nhàng, đơn giản.

Anh 1 (1).jpg
Nhà anh Sĩ tại Q.1 cũng là nơi quý thầy, các bạn đồng tu về uống trà, pháp đàm

Vì lòng kính ngưỡng Phật pháp nên tôi luôn dành tâm ý mình cho việc tôn trí ngôi Tam bảo với tiêu chí trang nghiêm, thanh tịnh, đơn giản nhưng phải đẹp và sáng. Mục đích thì có nhiều:

- Kiến tạo một không gian riêng để mỗi ngày tôi và gia đình có cơ hội hành trì Phật pháp như: ngồi thiền, tụng kinh.

- Giữ gìn hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam theo đạo Phật.

- Tôn tạo nét đẹp trong không gian thờ và mang giá trị của đạo Phật vào trong đời sống để người thân, bạn bè vì nhân duyên này mà đến với Phật pháp,  thấy được hình tướng mà sanh tâm hoan hỷ, như hạnh nguyện của Đức Quan Âm, bổn tôn mà tôi đang hành trì. Tạo dựng không gian thiền vị để đón kính các vị thiện tri thức pháp đàm chia sẻ Phật pháp.

-  Nhà là nơi để mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy được hạnh phúc bình an và tràn đầy năng lượng mỗi khi trở về. Chúng tôi có được không gian nhẹ nhàng, an lạc và thảnh thơi, đây là nơi chốn mà mọi thời khắc Đức Phật đều có trong mỗi thành viên trong gia đình, nơi mang lại giá trị hạnh phúc đích thực theo lời Phật dạy.

* Bạn Trần Tuấn Việt (TP.HCM)Góc tâm linh, nơi trở về bình an, đôi lúc “kể khổ” với Phật…

- Tôi có duyên quy y Tam bảo năm 2006. Nhà tôi ở huyện Cần Giờ, là một huyện ngoại thành còn khá khó khăn về nhiều mặt, lúc trước khu tôi ở gần như không ai biết đến lễ Phật đản là gì. Từ lúc gia đình có duyên lành với Phật pháp, tôi luôn canh cánh làm sao trong khả năng nhỏ bé của mình có thể giới thiệu hình ảnh Đức Phật đến mọi người, nhất là trẻ em, thông qua dịp lễ Phật đản. Vì vậy mà hàng năm tôi đều tổ chức lễ Phật đản tại tư gia, dành cho những người xung quanh nơi mình ở. Sau khi đăng lên mạng xã hội, mọi người nói rằng rất ấn tượng với việc này.

Từ đó, tôi giới thiệu cho mọi người biết Phật đản là gì, lễ Phật đản vào ngày nào... Những điều đơn giản ban đầu đó cũng chính là động lực mạnh mẽ cho những dịp sau này mình tổ chức quy củ và đông vui hơn.

Anh 2 (1).jpg
Chánh điện tại tư gia Phật tử Trần Tuấn Việt ở H.Cần Giờ (TP.HCM)

Nhớ lại những lần đầu tổ chức từ năm 2010, mọi người đi qua lại rất hiếu kỳ - chỉ tay hỏi nhà treo cờ nước nào vậy, vì cơ bản họ không biết đó là cờ Phật giáo. Đến sau này có lẽ ai cũng biết, tôi đã vận động những đạo hữu Phật tử trong khu mình cùng hưởng ứng ngày Phật đản bằng cách thiết trí lễ đài, treo băng-rôn Phật đản, treo cờ Phật giáo vào Tuần lễ mừng Khánh đản.

Có thể nói, thành công lớn nhất hiện tại là bây giờ các em cứ đến dịp gần Phật đản đều nhớ và kháo nhau là sắp tới sinh nhật Phật rồi. Chính những câu nói ngây thơ ấy trên những chiếc xe đạp của các cô cậu học trò cấp 1-2 khi nhìn thấy cờ Phật giáo, hình ảnh Đức Phật sơ sinh lúc mùa Phật đản bắt đầu - tôi xem đó là thành công ngoài sức mong đợi rồi.

Năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, có lẽ có thay đổi đôi chút về việc tổ chức Phật đản. Tuy nhiên, một điều khá thú vị là năm âm lịch này có hai tháng Tư, vì thế nếu tình hình dịch bệnh có chiều hướng thuyên giảm và chính phủ bãi bỏ yêu cầu cách ly xã hội, có lẽ tôi sẽ chọn tháng Tư nhuận để tổ chức các hoạt động của mùa Phật đản năm nay.

Về không gian thờ tự của tôi, yếu tố quan trọng hơn cả để kiến tạo là lòng tôn kính Phật. Tôi tin ai có lòng tôn kính Phật chắc chắn sẽ làm nên những không gian tâm linh cho riêng mình đẹp nhất, trang nghiêm nhất và không gian ấy chứa đầy năng lượng bình an.

Thiết nghĩ, mỗi người con Phật hãy mạnh dạn thiết lập cho riêng mình một nơi “tâm tình” cùng Phật theo điều kiện riêng. Nguyên tắc của tôi khi trang nghiêm không gian thờ Phật là hãy dâng lên cúng dường Phật những gì tốt nhất, đẹp nhất trong khả năng của mình, dù đó chỉ là một cành hoa hay một loại quả phẩm, hãy đặt hết tâm mình vào đó. Rồi bạn sẽ phát hiện ngay trong lúc làm đẹp cho Phật cũng là làm đẹp cho chính tâm hồn mình.

Anh 2 (4).jpg
Lễ đài Phật đản tại tư gia Trần Tuấn Việt

Thực sự, có một không gian tâm linh lý tưởng giúp ích cho mình nhiều lắm! Đó là nơi chúng ta thực tập những pháp hành theo lời Phật dạy như tọa thiền, bái sám, tụng niệm một cách chu toàn. Tất yếu trong cuộc sống với nhiều buồn vui, nhiều cảm xúc hay cũng có khi nhiều nỗi niềm khó tỏ bày, thì không gian tâm linh lại là lựa chọn cứu cánh cho những lần trở về tâm sự, “kể khổ” cùng Phật. Hoặc có khi ta có thể khóc hết nước mắt bên chân Người chẳng hạn, để rồi khi đứng dậy ta như trút hết mọi muộn phiền như Sư ông Làng Mai từng viết trong bài kệ tán Phật “Vừa thấy dung nhan Điều ngự/ Trăm ngàn phiền não sạch không” vậy.

Hàng ngày tôi vẫn duy trì thời gian “bên Phật”, đơn giản là quỳ xuống dâng lên Ngài một nén hương, đảnh lễ Ngài rồi ngồi đó đọc một vài bài kinh ngắn, hoặc một đoạn hay phẩm trong những bộ kinh lớn. Sau đó là hành thiền, tôi xem việc hành thiền mỗi ngày là quan trọng hơn hết, vì trong những giây phút đó mình thật sự sống với niềm vui - như Sư ông Trúc Lâm từng nói “Hạnh phúc khó thưa trình”. Và tôi luôn giữ cho riêng mình ba tâm niệm bất biến là “lòng tôn kính Phật tuyệt đối, lòng từ bi rộng lớn và lòng khiêm hạ tột cùng” để làm nền tảng cho sự thực tập theo lời dạy Đức Phật.
- Nhà tôi có truyền thống đạo Phật, ngay từ nhỏ tôi đã thấy trong nhà có bàn thờ Phật. Do vậy, sau này, dù có ở bất cứ đâu, nhà ở dù chật hẹp vẫn luôn ưu tiên chỗ trang trọng nhất trong nhà để kiến lập bàn thờ Phật.

Tại góc thờ của mình, mỗi tối từ 7 - 8g tôi đều dành thời gian cho khóa tụng kinh; riêng ngày 14, 30 âm lịch thì tụng  sám hối sáu căn, ngày mùng 1 và rằm tụng 5 giới của người Phật tử tại gia. Buổi sáng ngồi thiền 45 phút.

Góc thờ dù chỉ là hình thức, phương tiện bên ngoài nhưng là nơi giúp mình thực tập mỗi ngày, nhắc nhở mình quay về chăm sóc vườn tâm của mình.

Anh 3.jpg
Không gian thờ Phật, công phu cùng bạn đạo của Phật tử Nguyên Hân

Là người Phật tử, không gian sinh hoạt tâm linh tại nhà là cần thiết, nhưng tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của gia đình, có thể bố trí cho phù hợp, trang nghiêm. Tại gia đình, theo tôi, nếu bàn thờ Phật được tôn trí tại phòng khách sẽ không tiện lắm cho những thời khóa thực tập riêng của mình; sẽ ấm cúng hơn nếu thờ Phật ở phòng thờ riêng biệt.

Chị Lê Cao Tường Vy
(pháp danh Nguyên Hân, sinh năm 1977, công tác tại Sàn giao dịch bất động sản Đà Lạt)

Chánh Quán - Nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu