Cập nhật lúc 09:49:58 24-04-2023 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC: TỌA ĐÀM “NI GIỚI BÌNH PHƯỚC: SỰ DẤN THÂN VÀ TRUYỀN TRÌ CHÁNH PHÁP”

Vào lúc 13 giờ 30, ngày 22/04/2023 (03/03/Quý Mão) tại Chùa Quang Minh (số, 223 QL. 14, P.Tân Đồng, Tp. Đồng Xoài, T. Bình Phước), Chư Ni Phật giáo tỉnh Bình Phước tổ chức buổi Tọa Đàm với chủ đề : “Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì Chánh Pháp” nhân lễ tưởng niệm Đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di và Chư Đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam.


Về chứng minh buổi tọa đàm có: NT.TN Huệ Hương - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung Ương, Chứng minh Thường trực Phân ban Ni giới TƯ, NT. TN Huệ Như - Chứng minh Phân ban Ni giới TƯ, NT.TN Tố Liên - Chứng minh Phân ban Ni giới TƯ, NT. TN Như Cương , NT.TN Diệu Vân, NT.TN Diệu Ngộ, NT. TN Mỹ Thái, NT. TN Hạnh Toàn, NT.TN Phước Giác đồng Cố vấn Phân ban Ni giới TƯ.
NT.Thích Nữ Nhật Khương - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới TƯ, Phó Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước, Trưởng Ban Tổ chức, NT. Thích Nữ Đàm Lan - Phó Thường trực Phân ban Ni giới TƯ đặc trách các tỉnh phía Bắc, NT. Thích Nữ Như Như - Phó Thường trực Phân ban Ni giới TƯ, NT.Thích Nữ Như Minh - Phó Trưởng Phân ban Ni giới TƯ đặc trách các tỉnh miền Trung, NT.TN Từ Nhẫn - Phó Trưởng Phân ban Ni giới TƯ. Ngoài ra, Chư Tôn Đức Ni Phân Ban Thường trực Phân ban Ni giới TƯ và sự hiện diện của Chư Tôn Đức Ni đại biểu Phân Ban Ni giới các tỉnh, thành trên toàn quốc đồng đến tham dự.
 

Các nhà chuyên môn nghiên cứu học thuật, học giả, nhà khoa học đến từ các Trường Đại học và Viện Hàn Lâm phụ trách “Tiểu Ban nội dung” về tham dự như: PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm - KHXH VN, Hà Nội, TS. Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức - Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Thanh Thủy - Viện HL KHXH Việt Nam, Hà Nội, TS. Lê Thị Hằng Nga - Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Tống Thị Quỳnh Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội. 

 


Được biết thời gian qua, Ban Tổ chức đã thu nhận 60 bài viết đến từ chư Ni, các nhà nghiên cứu, học giả nhiều nơi với nhiều chủ đề gắn liền với quá trình hình thành và phát triển Ni giới Bình Phước,  sau đó, Tiểu ban nội dung chọn 42 tham luận có chất lượng xuất bản trong quyển sách cùng tên “Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì Chánh Pháp” do Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương chủ biên. Các tham luận tập trung vào 4 nội dung chính và chia thành 4 phần đề mục như sau: Phần I- Ni giới Việt Nam đồng hành và phát triển; Phần II - Chư Ni và Tự Viện tiêu biểu; Phần III - Dấn thân và truyền trì chánh Pháp; Phần IV- Cơ hội và thách thức thời đại 4.0. Trong buổi chiều 22/4/2022, 15 bài tham luận tiêu biểu được BTC chọn chọn  thể hiện tiếng nói, niềm trăn trở trên đường hoằng pháp lợi sanh: NT. TN Như Dung với chủ đề “Ni giới Bình Phước - Nhìn từ đạo mạch truyền thừa”, TKN. Thích Nữ Huệ Nhiên với chủ đề “Ni giới Bình Phước và hoạt động hoằng”, NS.TN Lệ Khánh với chủ đề “Phương hướng giáo dục cho chư Ni tỉnh Bình Phước”, TS. Lê Thị Hằng Nga với chủ đề “Từ câu chuyện Ni sư Lệ Thành dấn thân vùng sóc bản đến suy nghĩ về Phật giáo tỉnh Bình Phước”, NT.TN  Hoa Liên với chủ đề “Những bước chân Ni giới Khất sĩ đầu tiên trên đất Bình Phước”, NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt với chủ đề “Ni giới Bình Phước và con đường thể nhập Phật giáo”, SC. Thích Nữ Tuệ Trí với chủ đề “Suy nghĩ về vai trò tiên phong của Ni trưởng Nhật Khương trên vùng đất mới”, TKN. Thích Nữ Hạnh Nguyện  với chủ đề “ Hoạt động từ thiện của Ni giới Bình Phước”, NS. Thích Nữ Hương Nhũ với chủ đề “Hoằng pháp không phải là thuyết pháp”, SC. Thích Nữ Trung Hiếu “Giáo dục Ni giới tỉnh Bình Phước định hướng, kiến nghị và giải pháp”, SC. Thích Nữ Trung Hiếu với chủ đề “Giáo dục Ni giới tỉnh Bình Phước định hướng, kiến nghị và giải pháp”, NS.TS. Thích Nữ Lệ Châu với chủ đề “Nhìn về công tác truyền thông của Ni giới tỉnh Bình Phước : Hiện trạng và thách thức”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Ngọc với chủ đề “Suy nghĩ về hướng phát triển của Ni giới Bình Phước”, TKN. Thích Nữ Hạnh Phước với chủ đề “Phật giáo Bình Phước với vấn đề bảo vệ môi trường”, TKN. Thích Nữ Hạnh Viên với chủ đề “Ni giới Bình Phước với việc giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo”, TS. Dương Đình Lộc  với chủ đề “Ni giới Bình Phước: Nhận diện nguồn lực và gợi ý một số giải pháp”.
 

Ở phần I, có11 tham luận tập trung bàn về các vấn đề chung của quá trình “hình thành và phát triển của Phật giáo Bình Phước” cũng như vị trí của Phật giáo Bình Phước trong lòng Phật giáo dân tộc, qua đó nhấn mạnh vai trò của Ni giới Bình Phước trong sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà. Đó là các tham luận của NT. TN Như Như, NT. TN Như Đức, NT. TN Hoa Liên, NS.TN Chơn Như, NS. TN Từ Thảo, NS. TN Huệ Quang, NS. TN Cẩn Liên và các học giả TS. Bùi Thị Thủy, TS. Tống Thị Quỳnh Hương, TS. Ninh Thị Sinh, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc. Tham luận của TS. Bùi Thị Thủy bàn về đóng góp của Ni giới Bình Phước với những vấn đề an sinh xã hội hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc bàn về tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức của Ni giới Bình Phước trong quá trình phát triển, đồng thời khẳng định niềm tin vào tương lai tươi sáng của Phật giáo Bình Phước khi nơi này có những chư Ni nghị lực, kiên cường, nhẫn nại, biết vận dụng trí tuệ và tâm từ bi của Phật giáo để hành trì trên vùng đất mới.Những  tham luận của NT. TN Như Như, NT.TN Như Đức, NS.TN Chơn Như, NS.TN Từ Thảo. Ở một góc nhìn khác, NT.TN Hoa Liên với tham luận “Những bước chân Ni giới Khất sĩ đầu tiên trên đất Bình Phước” đã cung cấp một bức tranh đầy đủ về sự xuất hiện của Ni giới Khất sĩ đầu tiên tại Bình Phước, từ những năm 1957-1960 cho đến khi đất nước hòa bình, Ni giới Khất sĩ luôn có mặt trong mọi giai đoạn của lịch sử đất nước, thể hiện rõ tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, vận mệnh của dân tộc là vận mệnh của Phật giáo và ngược lại…Qua các bài tham luận đều khẳng định vai trò của Ni giới Phật giáo Bình Phước đồng hành cùng với quá trình phát triển của Ni giới Phật giáo Việt Nam.
 


Ở phần II, với chủ đề “Chư Ni và Tự Viện tiêu biểu”, 4 tham luận được lựa chọn. Đó là các tham luận của NS.TN Viên Liên, SC. TN Tuệ Trí, SC.TN Chúc Ngân và TS. Lê Thị Hằng Nga. Bài viết “Suy nghĩ về vai trò tiên phong của Ni trưởng Nhật Khương trên vùng đất mới” của NS.TN Tuệ Trí đã khẳng định vai trò tiên phong và những đóng góp to lớn, nổi bật của NT.TN Nhật Khương trên các khía cạnh: xây dựng, đại trùng tu chùa Quang Minh (Tp. Đồng Xoài, Bình Phước), công tác giáo dục, đào tạo, truyền cảm hứng cho chư Ni trẻ và công tác từ thiện xã hội. Bên cạnh đó, bài viết của TS. Lê Thị Hằng Nga tôn vinh đóng góp quý báu của chư Ni Bình Phước đối với công tác dấn thân hành đạo, hoằng pháp vùng sóc bản, thông qua câu chuyện của NS.TN Lệ Thành (trụ trì chùa Phổ Quang, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Qua câu chuyện của NS.TN Lệ Thành, tác giả khẳng định tính nhập thế, dấn thân phụng sự của Ni giới Bình Phước cũng như khả năng vận dụng những triết lý của Phật giáo về từ bi, trí tuệ, nhẫn nại để vượt qua thử thách, đem ánh sáng Phật Pháp đến vùng sâu.
 

Phần III, chủ đề “Dấn thân và Truyền trì Chánh Pháp” bao gồm 20 tham luận của quý Ni trưởng, Ni sư và quý học giả, trong đó có tham luận của NT.TN Nhật Khương “Đôi điều về giáo dục Ni giới trẻ thời hội nhập”; tham luận của NT.TN Như Dung về “Ni giới Bình Phước - nhìn từ đạo mạch truyền thừa”; tham luận của NS.TS.TN Như Nguyệt về “Ni giới Bình Phước và con đường thể nhập Phật giáo”; NS.TS.TN Hương Nhũ với tham luận “Hoằng Pháp không phải là Thuyết Pháp”; các tham luận của quý NS.TN Hạnh Nguyện, NS.TN Như Vạn, NT.TN Diệu Cảnh, SC.TN Huệ Nhiên, NS.TN Lệ Khánh, SC.TN Hạnh Viên, NS.TS. TN Minh Thuận, SC.TN Huệ Bảo, SC.TN Hạnh Hiếu, SC.TN Huệ Châu, SC.TN Trung Thường, SC.TN Trung Hiếu, SC.TN Hạnh Phước; các học giả TS. Trần Thanh Thủy - Phật tử Quảng Hà, TS. Phạm Thị Thanh Huyền, Phật tử Diệu Như. Nội dung tập trung vào phân tích thực trạng, vai trò của Ni giới Bình Phước trong các hoạt động dấn thân và truyền trì Chánh Pháp…NS. NT Lệ Khánh phân tích thực trạng của giáo dục Ni giới Bình Phước trong bối cảnh toàn tỉnh chưa mở được trường lớp Phật học, qua đó đề xuất việc mở mô hình giáo dục gia giáo (giáo dục tự viện) như một giải pháp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục Ni giới Bình Phước. NS. TS. Như Nguyệt (Huê Lâm - TP. HCM) gợi lại những lời giáo huấn của Đức Pháp Chủ nhằm hướng dẫn, sách tấn Tăng Ni trẻ mạnh dạn dấn thân tại những vùng sinh hoạt đặc biệt như Bình Phước. TKN. Huệ Nhiên nêu bật những thuận lợi, khó khăn cũng như những vấn đề cốt lõi trong công tác hoằng pháp của chư Ni tỉnh Bình Phước, đồng thời đưa ra một số đề xuất hữu ích cho việc hoằng pháp đối với bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. NS. TS. Hương Nhũ (Bình Dương) nhấn mạnh, sứ mệnh hoằng pháp không dừng lại ở pháp tòa, ngôn ngữ và văn từ, mà người giảng sư phải thật sự dấn thân vào mọi phương diện cuộc sống của quần chúng. NS. TS. Hương Nhũ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoằng pháp với tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” và 5 đức cần có của một vị pháp sư, xây dựng ngôi nhà chánh pháp ngày càng hưng thịnh.
 

Phần IV, về chủ đề “Cơ hội và thách thức thời đại 4.0”, có 7 tham luận của quý Ni sư, Sư cô và học giả, bao gồm: SC. TS. Mỹ Thúy về “Đời sống tu học và thực trạng của tu nữ Nam tông Bình Phước”; TKN. Như Hiên về “Ni giới Bình Phước - Sự dấn thân và thách thức”; TKN. Thánh Triết về “Tiềm năng và sự phát triển của Ni giới Bình Phước”; TN. TN Hạnh Từ về “Cơ hội và thách thức của chư Ni trẻ tại Bình Phước”; TKN. Quảng Tiên về “Vượt lên thách thức hoằng pháp tại vùng sâu”. Qua các tham luận đã phân tích thực trạng, những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức của Ni giới Bình Phước trong bối cảnh hội nhập thời kỳ 4.0. NS.TS.TN Lệ Châu khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong các hoạt động Phật sự của Ni giới Bình Phước. TS. Dương Hoàng Lộc nhấn mạnh những giới hạn của Ni giới Bình Phước trong hoạt động thông tin truyền thông, qua đó đưa ra một số giải pháp để chư Ni Bình Phước có thể khắc phục được những khó khăn trong truyền tải thông tin, hình ảnh của chư Ni tỉnh nhà. 
 

Để tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, Chư Ni Bình Phước đã kết nối cùng Chư Ni và nhân sĩ trí thức cả nước tổ chức buổi Tọa Đàm mang tên: “Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì chánh pháp”. Dưới góc độ nghiên cứu, việc làm này không chỉ khắc ghi, tôn vinh công lao Chư Ni tiền bối mà còn tạo nên một di sản cho Ni giới Bình Phước trên suốt chặng đường hành đạo và độ sanh. Trên tinh thần lắng nghe và học hỏi với tâm nguyện là hàng Ni giới sẽ luôn cùng nhau sách tấn tu học, kiện toàn giới hạnh, nhất là nỗ lực đào tạo thế hệ Ni trẻ để kế vãng khai lai tiếp nối xứ mệnh hoằng dương chánh pháp của quý Ngài, góp phần trang nghiêm Giáo hội, đề cao tinh thần kế thừa, phát huy và gìn giữ mạng mạch Phật pháp. Nguyện Ni lưu hậu bối luôn tiếp nối được nguồn năng lượng đạo hạnh, ân đức cao dày, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ trong hành trình chuyển mê khai ngộ như quý Ngài đã chuyển vận.
 
 
 
 
 
Tin và ảnh: Ban TTTT Ni giới tỉnh Bình Phước

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu