Cập nhật lúc 10:34:09 20-11-2020 (GMT+7)

Đồng Nai: Hòa thượng Giác Toàn thăm và thuyết giảng tại Khóa tu “Sống Chung Tu Học” lần 2 của chư Ni Giáo đoàn IV

Sáng ngày 18/11/2020 (mùng 4/10 năm Canh Tý), Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam đã quang lâm đến Tịnh xá Ngọc Tâm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để thăm viếng, thuyết giảng Chơn lý và sách tấn chư Ni Giáo đoàn IV trong Khóa tu “Sống Chung Tu Học” lần thứ 2.

Đến với Khóa tu lần này, Hòa thượng không thuyết giảng chủ đề cụ thể trong bộ Chơn lý mà Ngài chia sẻ về những điều  cốt lõi xuyên suốt trong toàn bộ Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trước khi đi vào bài giảng, Hòa thượng chia sẻ với đại chúng về những kinh nghiệm trong quá trình tu học của chính Ngài. Hòa thượng chỉ dạy người tu hành giỏi là người phải giảm được cái sân trong chính cái tâm của mình, tu đơn giản là phải hiền phải thiện. Đừng đem những tật xấu của thế gian vào trong tâm thức của mình. Ở ngoài thế gian thì sao cũng được, nhưng một khi đã quyết chọn con đường Đạo thì phải tu tập liền, không hẹn, không chờ đợi.

Đối với mỗi vị Tu sĩ, tuổi đời xuất gia càng lớn, thì sức định trong tâm càng mạnh mẽ, không còn phải chịu những chi phối của buồn, vui, mừng, giận, thương, ghét, muốn nữa. Ai trong chúng ta khi chọn con đường tu học đều mong tìm được sự an lạc trong tâm cũng như ngoài thân. Nếu những ai tu đã lâu mà chưa giảm được sân hận, chưa giảm được sự buồn, vui, phiền não, chưa được an lạc trong tâm thì cần phải xem lại sự tu tập của chính mình, phải giật mình và thật sự tỉnh thức để tìm những lỗi sai và cố gắng khắc phục.

Hòa thượng chia sẻ với đại chúng “tu hành không khó nhưng cũng không dễ, quan trọng là chúng ta phải biết cách gạn lọc, đừng làm tổn thương người khác và giữ bình thản trước những nghịch cảnh trong quá trình tu tập. Tu thì giữ cho cái miệng đừng nói ra những lời không đúng, ý đừng suy nghĩ sái trật và thân không hành động sái trật, chỉ cần hiểu và thực hành bao nhiêu đó thôi là cũng đủ lắm rồi”.

Hòa thượng chia sẻ với đại chúng những năm tháng Ngài ở gần với Đức thầy Từ Huệ (1962-1965). Trong thời gian đó, Hòa thượng cảm thấy mình thật hạnh phúc và hoan hỷ khi được xuất gia, được sống đời sống không tiền và đi khất thực mỗi ngày, Hòa thượng hành y theo 10 giới của một vị Sa Di tập sự. Ngài cảm thấy thân tâm an lạc vì không bị ràng buộc bởi vật chất, sống đời sống nhẹ nhàng, thanh tịnh và điều đặc biệt là được học và gần gũi với Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nên những tinh hoa trong Chơn lý đã được ươm mầm trong tâm thức Hòa thượng. Vì vậy, Ngài đã tìm ra được những điều cốt lõi xuyên suốt trong toàn bộ chơn lý của Đức Tổ sư, sự tu tập Thiền định và phát triển Hệ phái được cô đọng qua 3 yếu tố:

  1. Nền tảng tư tưởng lập đạo: Đức Tổ sư lấy tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam” để nhận định rằng Khất sĩ đi theo con đường của Phật, Tăng đoàn Khất sĩ sẽ giống như Tăng đoàn của Đức Phật còn tại thế, đời sống đơn giản, lấy hạnh nguyện tự độ, độ ta làm hành trang tu tập.
  2. Định hướng và phát triển tổ chức: Để một Giáo hội được phát triển tốt thì điều đầu tiền cần phải gìn giữ lại những điều cốt lõi mà Tổ Thầy đã thực hành, làm sao có thể tái hiện lại hình ảnh trì y bát giống như thời Phật còn tại thế.

Điều thứ hai, là không “mê tín dị đoan”. Thời Đức Tổ sư mới lập đạo, Ngài chủ trương không quá nhiều nghi thức rườm rà. Sự tu tập là đi vào bên trong chứ không phải phô trương bên ngoài. Tu hành thì cần phải có chánh kiến, tức là sự thấy chơn chánh.

Chủ trương cuối cùng và quan trọng nhất là nên “phải tập sống chung tu học”. Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung.  Để sống chung tu học cho thật tốt thì mỗi vị Khất sĩ phải tự mình nổ lực tu tập, không vì ý tư riêng của mình mà làm cho mọi người phải bận tâm, tu không phải đợi đến Giáo hội, Giáo đoàn thiết lập khóa tu mình mới tham dự, mà sự tu tập phải trong mỗi lúc mỗi giờ, tu ngay khi mới bước chân vào Tịnh xá, đừng bận tâm đến chuyện thế gian, xã hội. Dầu ở một hội chúng đông người hay ít người, ở nơi đầy đủ hay ở những nơi thiếu thốn về vật chất thì sự tu tập vẫn không thay đổi.

  1. Phương pháp tu tập căn bản:

Giữ thân trong sạch ấy là xứ Phật: Người tu hành cần phải giữ Giới và ứng dụng Giới từ những bộ phận trên đầu đến dưới chân. Mắt, tai, mũi, lưỡi phải cho trong sạch, chơn như. Hòa thượng Thích Minh Châu đã dịch trong kinh điển “Cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái cảm giác chỉ là cái cảm giác,…” (Bài kinh Udana dạy cho Bahiya).

Thân trong sạch là thân có giới, nhờ giới phòng hộ ngăn che không vi phạm lỗi lầm. Chính nhờ sự tu tập về thiền định thì thân ta mới trong sạch. Khi thiền định nghĩa là chúng ta đang điều thân, điều tức, điều tâm. Điều thân chính là giữ cho cái thân không xao động và tập yên lặng. Điều tức chính là sự kiểm soát hơi thở một cách nhẹ nhàng, lưu thông. Điều tâm, chính là phải tự kiểm soát sự sinh hoạt một ngày trong các giờ tu tập. Nếu một ngày nhẹ nhàng thì tâm an, còn hôm nào phiền não thì phải biết điều chỉnh tâm thức cho thuần tịnh. Vậy nên, nếu muốn cho ngày mai được yên thì ngày hôm nay phải hoàn chỉnh mọi công việc, không còn phải bận tâm bất cứ một việc gì, vì người tu chỉ có phận sự là phải diệt tham, diệt sân và diệt si mà thôi. Nên thân cận với những bậc thiện trí, hiền lành và phải tránh xa những người tà kiến, hay sân giận, vì chỉ có cái hiền mới thắng được cái dữ, nếu người tu mà hay thân cận với những người còn sân, còn si thì cũng giống như mình đang chạy xe với một tốc độ cao mà đối đầu với người có tốc độ cao thì có ngày sẽ gây ra tai họa. Vì vậy cần phải nên tránh xa.

Giữ miệng trong sạch ấy là pháp Phật: Thường xuyên nói pháp và học pháp. Miệng trong sạch là miệng có định, nhờ định mới có khả năng chế ngự lời thô, tiếng quấy.

Giữ ý trong sạch ấy là Đức Phật: Tâm đừng để cho xao động, đừng để cho những ý nghĩ xấu chi phối. Ý trong sạch, tâm sáng suốt.

Mỗi một vị khất sĩ tu tập luôn phải soi tường tận và chính bản tâm của mình. Mỗi ngày, trong những giờ thiền tọa buổi chiều hay tối, chúng ta phải thường soi xét lại những hành động mà mình tạo ra trong ngày hôm đó rồi tự đánh giá bản thân, xem mình hiền nhiều hay dữ nhiều, mình có sân si với ai hay không, lời nói mình nói ra có nặng nhẹ hay khó chịu với ai hay không. Nếu có thì phải tự hổ thẹn và hứa với lòng là sẽ nỗ lực cố gắng đừng để những hành động xấu đó tái diễn với mình nữa, có như vậy thì sự tu tập mới càng tiến triển. Cũng giống như một cây mai nằm trong chậu, khi mới ươm thì cây mai không có giá trị nhiều về vật chất nhưng qua năm tháng, mười năm, hai mươi năm thì giá trị của cây mai càng ngày càng tăng trưởng và được nhiều nguời ưa chuộng. Sự tu tập cũng vậy, người mới xuất gia vào đạo thì vẫn còn trong người một vài khuyết điểm nhưng tu hành càng lâu, tuổi đạo càng lớn thì đạo hạnh càng tăng trưởng, nếu sự tu tập không tiến thì cũng giống như hột giống bị sâu ăn không bao giờ được tiến triển trong đạo pháp.

Hòa thượng nhắc đi nhắc lại cho đại chúng hiểu và thâm nhập các ý pháp quan trọng trong Chơn lý. Được đọc và học Chơn lý là hữu duyên của mỗi vị Khất sĩ, vì chính chúng ta đang được uống những dòng sữa pháp của chính cha mẹ mình để lại, nhiệm vụ của mỗi vị Khất sĩ là phải đem Chơn lý đi khắp mọi nơi để thuyết giảng và truyền bá cho mọi người.

Buổi thuyết giảng của Hòa thượng đã khép lại nhưng pháp âm còn đọng mãi trong tâm thức mỗi hành giả với niềm tịnh tín bất động. Nguyện cầu tông phong vĩnh chấn, Phật pháp trường lưu.

  

Tâm Tuyền - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu