Cập nhật lúc 13:26:09 25-08-2022 (GMT+7)

Đồng Nai: Lễ cung rước và an vị Xá lợi cố trưởng lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Phước

Sáng ngày 25/08/2202 (nhằm 28/7/Nhâm Dần), môn đồ pháp quyến Môn phong Liên Tông Tịnh độ Non Bồng trang nghiêm và thành kính tổ chức lễ cung rước và an vị Xá lợi cố trưởng lão HT. thượng Thiện hạ Phước tại Tổ đình Quan Âm Tu Viện nhân lễ tượng niệm Hòa thượng Tôn sư. Lễ rước Xá lợi là nghi lễ tâm linh, đậm nét văn hóa Phật giáo, bắt đầu cho những ngày lễ truyền thống - lễ húy kỵ đức Tôn sư khai sáng Liên tông Tịnh độ lần thứ 34, các phái đoàn Phật tử khắp mọi miền không ngại khó nhọc, đã bắt đầu



Buổi lễ dưới sự chứng minh của Trưởng Lão Hoà thượng thượng Thiện hạ Pháp - Phó Chủ Tịch Thường Trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Tăng Sự GHPGVN Trung Ương, Viện chủ Tổ Đình Phước Thành, Hàng giáo phẩm tham dự có: HT. Thích Giác Quang – Ủy viên (UV) HĐTS, Phó trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Tổ chức lễ tưởng niệm; TT. Thích Thiện Minh; TT. Thích Thiện Hỷ - Phó BTS GHPGVN TP Thuận An, Bình Dương; TT. Thích Thiện Quý – UV HĐTS, Phó trưởng BTS kiêm Chánh Thư ký Phật giáo TP. Hồ Chí Minh; TT. Thích Minh Trì - Trưởng BTS GHPGVN huyện Trảng Bom; TT. Thích Minh Nhựt – Trưởng BTS GHPGVN Quận Phú Nhuận; Ni trưởng Thích nữ Diệu Tín , Ni trưởng Thích nữ Diệu Thọ; Ni trưởng Thích nữ Diệu Thường, Ni sư TN. Kim Sơn - Trưởng ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh, NS. TN Diệu Thông; Ns. Tn Lục Huê; NS. TN Vạn Tâm, NS.TN Viên Lành... cùng chư Tôn đức viện chủ trụ trì các tự viện trong môn phong, chư tôn đức ban Nghi lễ ban kinh sư cùng các phái đoàn Phật tử đồng tham dự. Mỗi năm vào dịp lễ húy kỵ, ước lượng có hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử từ các cơ sở tự viện từ các nơi về tham dự lễ cúng Thầy Tổ như một mùa lễ hội truyền thống.


Khi bắt đầu vào lễ, ngày 27 tất cả chư Tôn đức có trách nhiệm trong Ban Tổ chức cung thỉnh Xá lợi của Hòa thượng Tôn sư (xá lợi tóc và xá lợi răng) từ điện thờ đến trung tâm hành lễ, là điện thờ chính của Tổ Đình Quan Âm. Trên điện thờ có tranh thờ chân dung của Hòa Thượng lúc Ngài trú ở Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, phía sau cốc lá đơn sơ là núi đồi trùng điệp, tranh được các đệ tử nghệ nhân vẽ bằng sơn dầu, ngoài ra còn có hai tôn tượng được tạc bằng đá ngọc trắng.

Lễ rước xá lợi được diễn ra trang trọng dưới sự chứng minh tham dự của chư tôn trưởng lão Hòa thượng, Thượng Tọa, Ni Trưởng, Ni sư chư tôn đức Tăng Ni trong môn phong. Lễ rước thường được diễn ra vào chiều ngày đầu tiên của lễ cúng húy kỵ, quý Tôn đức kinh hành từ điện thờ, đến Bảo tháp sau đó đến điện thờ chính để an vị và dâng hương đăng trà quả, trước hàng lễ rước là kiền chùy, khay lễ thỉnh, 5 cặp phướng lộng, cặp bê, cặp tích trượng và cặp lộng che Hòa Thượng.
 
Hôm nay, trong lúc diễn ra lễ rước, không khí an lành, tràn đầy năng lượng, thể hiện công năng tu tập chuyển hóa của chư tôn đức, cung nghinh xá lợi là nét đẹp tâm linh, nét đẹp văn hóa Phật giáo, Phật tử chiêm bái và đãnh lễ, phước sanh vô lượng.

Xá Lợi là những phần thiêng liêng cao quý còn lại sau khi làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) nhục thân của Đức Phật và các vị thánh tăng, cao tăng tu đắc đạo. Là thành quả của công phu tu hành giữ gìn giới luật và công năng tu tập thiền quán cao thâm của Đức Phật cũng như các bậc cao tăng dày công với Phật pháp. Năm 1969, Sư ANando (thuộc Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam; là Bạn thân của Hòa Thượng Thích Giác Quang) về cầu pháp tu hành với Đức Tôn sư Thiện Phước – Nhựt Ý, sau đó Sư đi du học ở Sri Lanka có thỉnh hai viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật, khi học xong Sư đem về cúng dường cho Đức Tôn Sư và Ni Trường Thích nữ Huệ Giác. Ngọc Xá Lợi nầy màu vàng ánh, nhỏ như hạt cải. Hai viên ngọc Xá Lợi nầy khi thả vào nước mưa (hứng giữa trời) thì nổi trên mặt nước và lúc nào cũng lung linh theo sự thuyên động của nước trong bát. Ngọc Xá Lợi đó hiện nay đang được tôn thờ tại tịnh thất Bảo Tạng – Quan Âm tu viện và được cung rước an trí tôn thờ tại điện thờ Hòa thượng tôn sư, để Phật tử gần xa được chiêm bái và đãnh lễ.

Đức Tôn Sư là người ẩn dật tu hành, hay chịu khổ hạnh, giàu lòng nhân ái, thương nước mến dân, nên năm 1966, lúc trụ tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa, thấy nước nhà chưa hòa bình thống nhất hai miền, nên Ngài lập chí khổ hạnh để cầu nguyện “ngày thời ngồi phía trước hiên Chùa, đêm đến tọa thiền sau hiên hậu đường”, thực hành đủ mọi tư thế hành, trụ, tọa, ngọa niệm Phật, mặc cho nắng táp mưa sa, nhưng Tôn Sư vẫn điềm nhiên tọa thị để niệm Phật hồi hướng cho tương lai đất nước, cho Đạo pháp và Dân tộc.

Có những lần Ngài quá khổ hạnh như thế sanh bệnh, Tăng Ni Phật tử thỉnh cầu Ngài vào Tịnh thất nghỉ ngơi, thì Ngài dạy “mọi người còn khổ, còn nghèo đói, còn tha hương (di tản do chiến tranh), đất nước còn gian khó, ta không thể sung sướng an vui được ….” Tôn Sư từng giảng : “với cõi đời nầy, ta là khách của trần. Những lúc khổ đau, phải nên nghĩ, ta đang sống tạm một đêm trên thế gian, rồi ngày mai sẽ ra đi . . .”

Thân tứ đại có lẽ vô thường của nó, với sức khổ hạnh quá lâu dài, nên thân Tôn Sư phải mang nhiều tật bệnh. Cũng như khi hóa đạo tại Chùa Long Phước Thọ năm 1975, Ngài thường theo chân Tăng Ni để đôn đốc việc lao động sản xuất, trồng nhiều khoai sắn để có đủ ăn, cũng vừa để đóng tinh thần xây dựng kinh tế nước nhà sau chiến tranh. Có những lúc ban đêm, Tôn Sư đích thân đến những rẫy sắn để thăm động viên tinh thần Tăng Ni, Phật tử. Trong cuộc đời hóa đạo Tôn Sư thường dạy: “… ta có khổ mới biết thương người khổ, ta có nghèo mới biết thương người nghèo. Nếu là người tu, phải phát nguyện đem tình thương sưởi ấm nhơn loại . . .”

Sau lễ rước xá lợi là lễ an vị và cúng tiên thường. Hai lễ này đều do chư tôn đức ban nghi lễ, ban kinh sư của môn phong chủ trì. Trong lễ cúng tiên thường, vị đệ tử lớn sẽ đội sớ cúng tiên thường, sau khi dâng sớ sẽ có ban cúng trò lễ, 6 vị mặc lễ phục trang nghiêm thể hiện lòng thành hiếu nghĩa đối với Thầy Tổ. Cung bậc nhạc lễ hòa điệu với cách dâng lễ thể hiện sự cung kính Tổ qua lễ nghi rất trang trọng. Dâng lễ ở đây có dâng hương, hoa, trà, bánh và quả, đặc biệt là những lá trầu, cau được tiêm rất đẹp để cúng dường Hòa Thượng, vì khi sinh tiền, Hòa Thượng thường dùng trầu cau, nét văn hóa đặc biệt của người Việt xưa.

Lễ húy kỵ không chỉ nặng về những nghi thức tâm linh tôn giáo mà còn nhấn mạnh những nét đẹp trong lịch sử cần phải lưu truyền, phát huy. Trong lễ diễn ra, ban nghi lễ sẽ đọc tiểu sử của cố Hòa Thượng, nhắc lại những truyền thống yêu nước thương dân. Khi trong thời kỳ hành đạo khó khổ về chiến tranh và Tăng Ni tu học đông đúc, Hòa thượng vẫn mở Phật học đường, trung tâm từ thiện xã hội, thành lập các cô nhi viện để nuôi dưỡng trẻ em, người già.

Một số hình ảnh lễ rước xá lợi Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thiện hạ Phước:






\




Ban TTTT PG Đồng Nai

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu