Cập nhật lúc 01:50:35 30-08-2022 (GMT+7)

Đồng Nai: Lễ cúng Tiên thường và cung tiến Giác linh Đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Phước - Tổ sư Khai sáng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng



Trong lễ cúng tiên thường, vị đệ tử lớn sẽ đội sớ cúng tiên thường, sau khi dâng sớ sẽ có ban cúng trò lễ, 6 vị mặc lễ phục trang nghiêm thể hiện lòng thành hiếu nghĩa đối với Thầy Tổ. Cung bậc nhạc lễ hòa điệu với cách dâng lễ thể hiện sự cung kính Tổ thầy qua lễ nghi rất trang trọng, dâng lễ ở đây có dâng hương, hoa, trà, bánh và quả, đặc biệt là những lá trầu, cau được tiêm rất đẹp để cúng dường Hòa Thượng, vì khi sinh tiền, Hòa Thượng thường dùng trầu cau, nét văn hóa đặc biệt của người Việt xưa.

Lễ húy kỵ không chỉ nặng về những nghi thức tâm linh tôn giáo mà còn nhấn mạnh những nét đẹp trong lịch sử cần phải lưu truyền, phát huy. Trong lễ diễn ra, Ban nghi lễ sẽ đọc tiểu sử của cố Hòa Thượng, nhắc lại những truyền thống yêu nước thương dân, khi sinh thời trong thời kỳ hành đạo khó khổ về chiến tranh và Tăng Ni tu học đông đúc, mà Hòa thượng vẫn mở Phật học đường, trung tâm từ thiện xã hội, thành lập các cô nhi viện để nuôi dưỡng trẻ em, người già.

Buổi tối vào lúc 22h45, trước khi chính lễ diễn ra, là lễ kinh hành nhiễu tháp , tất cả đại chúng chư Tăng Ni và Phật tử trên 500 vị, vân tập trước bảo tháp bảy tầng, nơi an trí nhục thân của Hòa Thượng Tôn sư để chuẩn bị cho lễ nhiễu tháp. Nhiễu tháp là truyền thống lâu xa của Phật giáo, trong Phật Dạy Vua Ba Tư Nặc Kinh có nói “nếu với động cơ thanh tịnh, một người đi nhiễu quanh bảo tháp hay tượng Phật, đời sau, thậm chí kẻ thù cũng sẽ kính trọng người này, và người này sẽ sở hữu công đức và thiện hạnh và trở thành bình chứa Giáo Pháp Đại thừa”. Nếu người ta đi nhiễu quanh một bảo tháp hay bức tượng Phật, ma quỷ, người theo dị giáo, chướng ngại hay kẻ thù ngăn cản con đường thực hành Giáo Pháp sẽ biến mất và họ sẽ sở hữu tất cả công đức và thiện hạnh, nhờ đó, trở thành bình chứa Giáo Pháp Đại thừa” . Chính vì  những ý nghĩa cao quý đó, mà việc đi kinh hành niệm Phật, nhiễu tháp cũng đã trở thành truyền thống trong Lễ cúng húy kỵ, văn hóa đi nhiễu này bày tỏ lòng tôn kính đối với các nhân vật tôn giáo thiêng liêng, có từ thời Đức Phật, các vị đệ tử thể hiện sự cung kính Đức Phật bằng cách đi nhiễu quanh Phật 3 vòng, theo chiều kim đồng hồ, sau đó quỳ xuống lễ Phật, do đó, nghi thức nhiễu tháp Hòa Thượng càng được nâng cao ý nghĩa tôn kính bậc ân sư.

Ngày chính giỗ, là ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch hằng năm, Ban tổ chức trân trọng đón nhận phần quà, lãng hoa cúng dường của Hòa Thượng Chủ tịch Hội Đồng Trị sự TWGHPGVN, Văn Phòng Trung ương và các Ban Viện trung ương cúng dường, Ban tổ chức cung rước Chư Tôn đức Phó chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai quang lâm trước Giác linh cử hành lễ tưởng niệm công hạnh của Đức Tôn sư.

Vào ngày lễ chính, ban nghi trượng chuẩn bị trang nghiêm đầy đủ nghi thức , toàn thể quý tôn đức niêm hương trước trung tâm hành lễ, nơi an vị xá lợi Hòa thượng Tôn sư những ngày qua để nơi an vị xá lợi Hòa thượng Tôn sư những ngày qua để Phật tử thập phương chiêm bái, cung thỉnh xá lợi của Hòa thượng trở về an vị trên Tổ đường chư Tăng và ban kinh sư cử hành nghi lễ cung tiến Giác linh Cố Hòa Thượng Tôn sư. Trong lễ cúng này, quý Tôn đức cũng niêm hương bạch Tổ, ban kinh sư xướng lễ theo nghi thức, một vị dâng sớ và đội học trò lễ dâng lễ cúng lên Đức Tôn sư, ban trò lễ là chư Ni tại chùa Bửu Quang, Quận 8, Tp. HCM và Bửu Hoa Ni viện, Long Thành, Đồng Nai thực hiện. Sau lễ cúng, Ban từ thiện của môn phong chuẩn bị 200 phần quà để tặng bà con khó khăn trong vùng, một nét đẹp mang đậm tính nhân văn. Vào mỗi lễ húy kỵ, ban tổ chức đều tổ chức như vậy, buổi trưa  tặng quà cho các vị Phật tử từ các nơi, các vùng quê như An Giang, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng,… đã về tham gia công quả, cúng dường báo hiếu ân đức của Hòa thượng Tôn sư. Trong những ngày diễn ra lễ húy kỵ thì không có chương trình Chẩn tế, mà chỉ có khai kinh, cúng ngọ… vì lễ chẩn tế thường diễn ra trước đó vào ngày 19/6 hoặc sau đó là ngày 19/9 âm lịch. Do chương trình lễ húy kỵ trải dài qua 4 ngày, với nhiều Phật sự đông đúc Phật tử các nơi nên lễ Chẩn tế cầu nguyện sẽ tổ chức vào thời gian khác.

Lễ húy kỵ Đức Tôn Sư cũng là một trong những cơ hội để nội viện và tăng ni, phật tử các chùa trong tông phong tập trung về trổ tài nấu ăn chay, nấu những món chuyên nghiệp, học những món mới lạ từ các bạn đồng hành. Món ăn chay vừa ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, vừa phong phú, đa dạng là một trong những nét văn hóa quan trọng mà Phật giáo luôn cố gắng phát huy để đem lại lợi ích cho con người và môi trường sống.

 Trong ba ngày hý kỵ Đức Tôn Sư, khách thập phương và con cháu trong tông phong từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về Quan Âm Tu Viện, từng phái đoàn tiếp nối nhau, người đến người đi, tất cả đều mang trong lòng một niềm tin bất diệt và sự tôn kính đối với Thầy Tổ, với một con người trần thế chứng thành đạo quả, đó chính là: “Sự chứng ngộ của một nhà hành đạo được xem như là một năng suất đạo đức lớn lao và quý báu nhất trong phạm vi đạo đức, tôn giáo và văn hóa nữa”
Lễ húy kỵ thể hiện tính liên kết mạnh mẽ các tự viện trong môn phong với nhau, các tự viện thường xuyên có nhiều Phật sự nhưng luôn phải sắp xếp lại để dành thời gian gần nữa tháng 7 để sắp xếp xe, Phật tử để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm Tổ Thầy, các chùa ở tận Cà Mau hay Phú Thọ đều sắp xếp để về tham dự những ngày diễn ra lễ húy kỵ của Hòa Thượng Tôn sư, tinh thần hiếu đạo là sợi chỉ nối kết, thể hiện tinh thần liên kết nội bộ mạnh mẽ của huynh đệ trong môn phong.
Thông qua lễ húy kỵ thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội Tổ Thầy, đa số Tăng Ni trụ trì các tự viện đều được Hòa thượng Tôn sư hóa độ hay đều xuất thân từ Tổ đình Quan Âm tu viện, do đó ngoài những ngày lễ họp mặt truyền thống thì 4 ngày lễ này, Chư Tăng ni thay nhau gánh vác những trách nhiệm trong ban tổ chức để góp công đức hoàn thiện lễ cúng Tổ thầy, tri ân nhớ ân Thầy Tổ muôn đời còn là bản sắc văn hóa tốt đẹp của người con Việt từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Trầu cau là một lễ vật đi đầu các sự lễ nghĩa. Ngoài việc phục vụ tục ăn trầu của người Việt, trầu cau còn là lễ vật không thể thiếu trong các lễ lạc, giỗ, chạp. Trong tâm thức văn hóa người Việt Bất kỳ giỗ, chạp lớn hay nhỏ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân, trọng ân giáo hóa của Tổ thầy. do đó, việc cúng Trầu cau trong lễ Húy kỵ ngoài tấm lòng dâng lễ, còn thể hiện nét đẹp của văn hóa người Việt xưa.

Ý nghĩa tâm linh: Lễ húy kỵ là thời gian quý báu để người con cháu của môn phong có dịp báo ân, báo hiếu Thầy Tổ, đối trước Giác Linh Hòa Thượng dâng lên những nỗi niềm, những gian nan trong con đường hành đạo, mong muốn rằng luôn được che chở và nâng đỡ tâm linh để vượt qua những khó khăn trong đạo. Lễ húy kỵ không đơn thuần là các giá trị tâm linh mà vượt qua tất cả, thể hiện điều vinh dự lớn lao khi chính mình tham gia cống hiến hoàn thiện, góp phần trang nghiêm những ngày lễ. Có những đoàn Phật tử do các vị lớn tuổi, là đệ tử của Hòa Thượng, có những đạo tràng con cháu vẫn duy trì truyền thống tâm linh của Tổ thầy, theo lệ hằng năm đều tổ chức đoàn từ các nơi về đảnh lễ Tổ. Mỗi năm như vậy trong tâm thức người con cháu môn phong đều trở về thăm lại chốn Tổ thì họ mới an tâm, hoặc quan niệm về lễ Tổ thì công việc Phật sự hanh thông, đạo pháp phát triển, còn với người Phật tử thì công việc làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió, mọi việc đều được an ổn.
Lễ húy kỵ là một hình thức giáo dục, làm cho các thế hệ mai sau biết sự kế thừa và giữ gìn truyền thống của môn phong pháp phái, kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức, giá trị tâm linh truyền thống quý báu của người con Phật nói chung, môn phong nói riêng, đó là trong khi thực hành lễ hội sẽ đem lại những giá trị tâm linh cao quý của tăng ni, ảnh hưởng nhất định đến giá trị tinh thần của người Phật tử. Trong việc tổ chức nghi lễ và hưởng thụ văn hóa, tất cả đều bình đẳng tham gia và thừa hưởng những giá trị văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần, tất cả những người con hiếu đều cảm thấy mình có góp phần trách nhiệm trong những ngày lễ, tạo thêm những động lực nhất lực nhất định giữa các thành viên trong môn phái. Dần dần những ngày lễ cúng húy kỵ trở thành nhân cách văn hóa của môn phong mà các thế hệ kế thừa phải noi theo, tiếp tục phát huy các giá trị ngày càng tốt đẹp, nối kết hơn.

Tính Tâm linh của lễ hội còn thể hiện ở việc các đoàn Phật tử dự lễ tham bái các thánh tượng lớn đang tôn thờ tại tổ đình, Phía sau là tháp Địa Tạng Bồ tát , tượng cao 5,5m do nhà điêu khắc Mai Lân tạc năm 1970, do Hội Phật Tử Liên Hoa, phân hội Từ Hoa, chùa Pháp Không, Quận 10, Tp.Hồ Chí Minh cúng dường. Ngoài ra còn có tháp A Di Đà cao 7,5 mét uy nghi cổ kính. Nổi bật ở nơi thờ tự là thánh tháp Huyền diệu Quan Thế Âm Bồ tát sừng sững uy nghiêm. Đây là biểu tượng chính của Quan Âm tu viện. Tháp được khởi công xây dựng vào ngày 19/06 âl, năm Mậu Thân (1968), khánh lạc ngày 19/09 âl, năm Canh Tuất (1970) do Ni trưởng Huệ Giác phác họa và chỉ đạo thi công. Tháp xây kiểu tứ trụ bằng vật liệu bền vững, cao 12 mét, bốn mái uốn cong nhẹ nhàng thanh thoát. Tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng tinh khiết, cao 7m. Có thể nói đây là pho tượng Phật bằng đá lớn nhất ở Biên Hòa thời bấy giờ.

Như vậy trong lễ cúng húy kỵ Hòa thượng phản ánh được các đặc điểm về tính tổ chức, nghi lễ và thưởng thức các giá trị tinh thần tốt đẹp, thời gian và không gian diễn ra lễ đã hằn sâu vào tâm thức của người con Phật và góp phần giáo dục ý thức tự nguyện hướng về Tổ Thầy như một phần không thể thiếu trong các lễ nghi ở Tổ đình, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách tự nhiên.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:



















Ban TTTT PG Đồng Nai

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu