Cập nhật lúc 22:12:34 15-11-2019 (GMT+7)

Đồng Nai: Nhật Ký Đại Giới Đàn Diệu Tâm Ngày Thứ 3

Đại Giới Đàn Diệu Tâm tổ chức tại chùa Tỉnh Hội thành phố Biên Hòa, vào sáng ngày 14.11.2019 đã chính thức diễn ra là ngày thứ 3. Tất cả giới tử thọ giới Tăng-ni đều bắt đầu nghi thức thọ nhận Đại giới cho gần  1200 giới tử và được chia thành hai đợt truyền giới.
 
Chúng con được biết trong ý nghĩa của người Tu nhân học Phật thì người được thọ giới Tỳ Kheo gồm 250 giới  đối với Tăng và 348 giới  đối với Ni trong giới đàn, thì mới được chính thức là hàng Tăng Bảo.

Trong kinh văn chép lại rằng:  Tỳ kheo là dịch âm của Phạn văn Bhiksu, ý nghĩa chủ yếu là “Khất sĩ”. Trên theo “Như Lai” khất cầu Phật pháp để dưỡng dục huệ mạng của pháp thân, dưới hướng về người tục khất cầu cơm áo để nuôi sống sinh mạng của sắc thân, vì thế gọi là Khất sĩ. Ngoài ra còn có các nghĩa: Bố ma, Phá ác, Tịnh mạng, Tịnh trì giới. Nhân vì xuất gia học Phật làm Tỳ kheo là muốn liễu thoát sinh tử, không còn bị sự khuấy nhiễu và chi phối của ma nghiệp cùng ma cảnh; ma vương bớt đi một ma dân để lợi dụng và chi phối; cho nên ma cảm thấy sợ hãi vì thế gọi là Bố ma. Tỳ kheo trì giới hay phá được phiền não ác nghiệp, vì thế gọi là Phá ác. Tỳ kheo không làm các nghề buôn bán, trồng trọt, thợ thuyền để mưu sinh, mà chỉ thanh tịnh khất thực để tự sống, vì thế gọi là Tịnh mạng. Tỳ kheo đem cả hình tướng, thọ mạng của suốt cuộc đời mình kiên trì giới luật thanh tịnh, vì thế gọi là Tịnh trì giới.
Đồng âm dịch khác của Tỳ kheo còn có Tỳ khưu, Bật sô, Bí sô. Trong chú sớ của Cổ đức  có vị cho rằng Bí sô là tên của một lọai cỏ, căn cứ vào truyền thuyết, loại cỏ này có năm đức tính đăc biệt:
1. Thể tánh mềm mại.
2. Bò ra bên ngoài.
3. Hương thơm bay xa.
4. Trị được đau nhức.
5. Không tránh ánh sáng mặt trời.
 
Với những thông tin và ý nghĩa cao quý hơn, qua Đại Giới Đàn Diệu Tâm thì Phật giáo nói riêng và cộng đồng nói chung thì đây là những nhân duyên thiện lành đến với tất cả mọi người, như ông bà ta có câu:  Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng, Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.
 
Buổi chiều là chương trình nghi thức: Thập Sư Ni đưa giới tử Ni đến Đại Tăng Cầu Chánh Pháp Yết Ma.

Vì sao có nguồn gốc này thì chúng con được biết: Đức Phật từng dạy chúng đệ tử rằng, “làm được thân người đã khó, nhưng gặp được chánh pháp lại còn khó hơn.” Cách đây hơn 2600 về trước, khi đức Phật ra quyết định chấn động, đưa thân phận người phụ nữ ngang hàng với nam giới, Ngài chính thức cho thành lập Ni đoàn, tạo cơ hội để Ni giới tu tập, giải thoát khổ đau. Tuy nhiên, đức Phật cũng đưa ra 8 điều kiện để bảo hộ đời sống thanh tịnh cho Ni đoàn. Vì vậy, tất cả giới tử Tỳ kheo ni muốn nhận lãnh giới pháp một cách trọn vẹn, phải đối trước Đại Tăng cần cầu Chánh giới.
Đúng 14 giờ, chư giới tử thọ Tỳ-kheo ni với tinh thần đầu đội trời, chân đạp đất, y hậu trang nghiêm, mang theo 3 y, bình bát, lọc nước,…thứ tự bộ hành qua giới trường Tăng, một lòng thiết tha cần cầu chánh giới. Nhìn thấy chư Ni thiết tha cầu pháp, vượt mọi gian nan để có được giới thể cho mình, hình ảnh đó thật cảm động, thật thiêng liêng.





Sau khi chư Ni đến giới trường Tăng, tất cả đồng quỳ xuống dâng lời tác bạch xin được vào cửa. Giáo thọ A-xà-lê đã hướng dẫn giới tử vào bái Đại Tăng cầu trao truyền Chánh pháp cho giới tử Ni. Giáo thọ A-xà-lê Ni đã bạch rõ rằng: “Những Thức-xoa-ma ni này đã tác pháp Yết-ma rồi, nay đem đến trong đại Tăng cầu trao truyền Chánh pháp”.


Hội đồng Thập sư Tăng sau đó quang lâm giới trường, đảnh lễ Tam bảo và hướng dẫn giới tử Ni tác bạch cầu thỉnh pháp Yết-ma và thỉnh nguyện xin được tiếp nhận Chánh pháp từ đại Tăng. Hội đồng Thập sư tăng thực hiện nghi lễ hỏi các “già nạn” cho giới tử. Đại Tăng muốn hỏi lại bên ni để xác nhận rằng các cô Thức xoa ma na ni này thật sự thanh tịnh.




Trước khi trao truyền Chánh giới, Giáo thọ A xà lê đã thay thế đại Tăng ban lời giáo huấn, sách tấn giới tử cầu thọ Tỳ kheo ni. Sau đó, cho phép thứ tự 3 giới tử vào cầu bạch pháp Yết ma, hai bộ đại Tăng đã tác pháp tác thành giới thể cho giới tử
Đại Tăng đã như pháp, như luật trao truyền 8 pháp Ba la di cho giới tử, còn dạy giới tử phải theo các vị Hòa thượng Ni và Giới sư Ni để học các pháp trong 348 giới. Sau cùng, Hòa thượng Yết ma A xà lê đã trao Bát kỉnh pháp cho giới tử và dạy, đây là t ám điều phải suốt đời tôn trọng, cung kính và thực hành. Đến đây, giới thể Tỳ-kheo ni đã được tròn đầy, Đại Tăng hướng dẫn giới tử xã man y và lần lượt lãnh thọ y, bát và đãy lọc nước. Chư giới sư Ni hướng dẫn giới tử đảnh lễ tạ ân Đại Tăng.
Hình ảnh giới tử Ni bộ hành đến Đại Tăng cần cầu chánh giới, đã gợi nhớ về chân dung đức Kiều Đàm Di Mẫu dẫn 500 người nữ 3 lần vượt quảng đường rất xa, xin được gặp Phật xuất gia làm Tỳ kheo ni.
 
Tâm nguyện chí thành, lòng thiết tha khát ngưỡng giới pháp của chư Ni đã làm rung động trái tim Tôn giả A nan, qua đó thể hiện rõ ý chí, nghị lực và bản lãnh của Ni giới. Đức Phật cũng căn cứ vào lòng kiên định, sự thử thách và năng lực vốn có của nữ giới để đồng ý cho họ được dự vào hàng ngũ Tăng già.
Thế hệ Ni giới hôm nay và ngàn năm sau luôn tôn trọng, trân kính và tri ân Tôn giả A-nan, Tổ sư Ni Kiều Đàm Di và đặc biệt tri niệm ân tình sâu sắc đối với đức Từ Phụ. Để lãnh thọ được giới pháp của Tỳ kheo ni, các giới tử phải trải qua quá trình tu, học và lòng nhẫn nại, phải biết bỏ đi bản ngã, xem nhẹ cái tôi của mình mới xứng đáng là bậc Chúng trung tôn trong ngôi nhà Chánh pháp.
 
Ban TTTT Phật Giáo Đồng Nai

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu