Cập nhật lúc 00:54:52 03-11-2022 (GMT+7)

Đồng Nai: Tham Luận Của Ban Tăng Sự Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Đồng Nai

Đại hội Đại biểu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra đúng tiến độ và thời gian quy định, Ban Tăng Sự Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh xin tham gia báo cáo tham luận…




I. ĐẶC ĐIỂM
Ban Tăng sự là một trong các Ban Ngành chủ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban Tăng sự hiện nay có 3 cấp: cấp Trung ương do Hòa Thượng Phó chủ tịch thường trực kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban, cấp Tỉnh thường là Hòa Thượng Trưởng ban Trị Sự kiêm nhiệm Trưởng Ban Tăng sự, riêng tại Đồng Nai do Hòa Thượng Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự. Kể từ khóa V, nhiệm kỳ 2002-2007 theo quy chế Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động có 3 cấp hành chánh cấp Trung ương, cấp Tỉnh tiếp đến cấp huyện/thành phố, do đó ngành Tăng sự cũng được hình thành theo cấp Giáo hội do vị Trưởng Ban Trịsự kiêm nhiệm.
Tăng sự là việc của Tăng, là quản lý tự viện, Tăng Ni, tiếp độ người xuất gia, kết hợp với Thường trực Ban Trị sự triển khai giới đàn truyền giới, tuyển trạch nhân sự, tấn phong giáo phẩm, nhân sự làm Phật sự trong tổ chức Giáo hội các cấp… triển khai những dự án xây dựng Trụ sở Tỉnh hội, xây phòng ốc nuôi Tăng Ni sinh tu học, bổ nhiệm trụ trì, xây dựng trùng tu tự viện.
II. SINH HOẠT BAN TĂNG SỰ PHẬT GIÁO ĐỒNG NAI
1. Nơi hội tụ nhiều hệ phái môn phong:
Đồng Nai là vùng rừng núi, có diện tích tự nhiên là 5.907,2 Km2, dân số 3.169.100 người (tính đến năm 2021), có 13 tôn giáo khác nhau (tính đến năm 2019). Riêng Phật giáo có 16 hệ phái, tông môn, tổ chức tu hành dưới mái nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (theo thống kê 2022). Phật giáo Đồng Nai cũng là nơi hội tụ nhiều Tăng Ni triển khai các pháp môn tu hành đúng chánh pháp, luôn được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp, các cơ cở thờ tự ngày càng được phát triển, chư Tăng Ni trẻ ngày càng được Giáo hội đào tạo để phục vụ cho cộng đồng và xã hội hiện tại, theo phương châm hành động của Hiến chương là  “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”.
2. Quản lý tự viện, tịnh xá:
Theo thống kê ngày 20/12/2013 Phật giáo Đồng Nai có 629 ngôi chùa, Thiền viện, Tu viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, 350 Am cốc nằm trong khuôn viên các tự viện của các vị tu tịnh hạnh, chủ yếu tại thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc…
Từ khóa VI (nhiệm kỳ 2007-2012) đến nay đã bổ nhiệm trên 500 vị trụ trì độ tuổi trung bình từ 30 đến 60, trước khi bổ nhiệm trụ trì có yêu cầu chư Tăng Ni làm tờ cam kết như: sinh hoạt tu học đúng theo Hiến chương Giáo hội và Luật pháp Nhà nước, mỗi năm phải đăng ký tham dự an cư kiết hạ cấp tỉnh hay cấp huyện/thành phố, làm nghĩa vụ với Giáo hội, một số điều kiện bắt buộc khác như không sang nhượng, mua bán, cầm cố chùa và một số sinh hoạt cần thiết khác.
3. Thống kê Tăng Ni:
Có 7.250 Tăng Ni (theo thống kê năm 2022), trên 500 vị là giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng và Ni sư. Về xuất gia mỗi khi có nhu cầu cần triển khai giới đàn, có từ 500- 800 vị tịnh nhơn Tăng Ni xin xuất gia đầu Phật.
4. Hoằng giới:
Là nơi hội tụ chư Tăng Ni giáo phẩm chân tu thạc đức, từ ban tổ chức đến Ban Chức sự, Ban Giám khảo, Ban Thập sư đều là những vị có trình độ tu, thông hiểu giới luật Phật, có cấp độ đạo hạnh là những bậc thiền gia chân chính hội tụ. Đặc biệt giới đàn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai kết hợp Ban Tăng sự tổ chức luôn có đông giới tử đăng ký thọ các giới. Giới đàn cũng là nơi đào tạo Tăng Ni buổi ban đầu học làm Phật. Bàn về giới trong ngành Tăng sự, đức Phật có những lời dạy cuối cùng:
“ …Này chư tỳ-kheo, ngày nào các vị còn giữ đoàn kết và thường xuyên hội họp để học hỏi lẫn nhau, ngày ấy Tăng đoàn còn tiếp tục phát triển và hưng thạnh”. “…Ngày nào các vị còn giữ sự thống nhất và hòa thuận khi tụ hội với nhau hay khi cùng thảo luận những quyết định quan trọng, ngày nào các vị còn triệt để tôn trọng và tuân thủ những giới luật mà Như Lai đã ban hành để giúp đỡ và bảo hộ các vị, không bày thêm những giới luật mới khó khăn và áp đặt, ngày ấy Tăng đoàn không bị suy thoái…” (trích những lời dạy cuối cùng của đức Phật ). Phật giáo Đồng Nai kể từ khi thành lập Ban Tăng sự, tổ chức 17 giới đàn, có gần 14.000 giới tử đăng ký thọ các giới, Riêng khóa VIII, Ban Trị sự tổ chức 3 đàn giới: Giới đàn Pháp Loa (2017), giới đàn Diệu Tâm (2019), giới đàn Thiện Hoa (2022) với hơn 8.000 giới tử. Ngày 19/4/2010, Ban Tăng sự Đồng Nai thành lập Phân ban Ni giới. có 40 thành viên. Kể từ ngày thành lập đến nay Phân ban có những hoạt động tích cực như: tham gia công tác Giáo dục Phật giáo, Thuyết giảng, đứng lớp, Từ thiện Xã hội, công tác Giới đàn Ni, an cư kiết hạ…Phân ban nhiều lần tổ chức thống kê có gần 200 đơn vị cơ sở thờ tự Ni, 3.122 chư Ni. Về công tác từ thiện hằng năm hợp tác với Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh làm công tác bảo vệ môi trường. Tổng kinh phí công tác từ thiện từ năm 2017 đến 2022 gồm 60.000 phần quà lương thực thực phẩm, tặng nhà tình thương, tặng xe đạp dành cho học sinh nghèo hiếu học, tặng xe lăn dành cho người tàn phế…Vật phẩm tặng được quy thành tiền hơn 150 tỷ đồng.
5. Về An cư kiết hạ:
Mỗi năm Tỉnh hội tổ chức 7 tụ điểm An cư, tại mỗi huyện thành có 2 tụ điểm An cư tập trung Tăng Ni, ngoài ra còn có chư Tăng Ni An cư tại chỗ. Trong 5 năm có trên 20.000 lượt Tăng Ni tham dự An cư kiết hạ. Hằng năm, đến ngày 15/6 thì tụng luật Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Bố-tát giới. Mỗi khóa tụng luật có từ 300- 400 vị tham dự. Đây là điểm nổi bật từ 15 năm qua của Phật giáo Đồng Nai.
6. Tình hình tự viện, Tăng Ni:
Phật giáo Đồng Nai có tự viện nhiều, Tăng Ni đông, nhiều tự viện có khả năng đảm bảo đời sống Tăng Ni số lượng từ 200 đến 500 tu sĩ, vì thế nên ít có hiện tượng sinh hoạt phức tạp. Từ 5 năm qua ít xảy ra những vụ việc thưa gởi. Ban Trị sự, Ban Tăng sự thường phổ biến những văn bản của TƯ Giáo hội về việc không xây dựng trái phép, không chấp nhận chư Tăng Ni sống ngoài cơ sở tự viện, không tự ý tạo dựng tự viện khi Giáo hội chưa cho phép, bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn giả sư không còn hoạt động trên các địa bàn dân cư.
Hiện nay nhiều Đạo tràng Phật tử, Đạo tràng niệm Phật được triển khai trong các tự viện địa phương, có hàng ngàn Phật tử tham gia tu học, đó là hiệu quả tích cực, đáng khích lệ đối với chư vị Trụ trì đã được Giáo hội đào tạo và giao phó. Hiện nay còn có một số địa phương xin phép Chính quyền và Giáo hội các cấp sinh hoạt tín ngưỡng ngoài cơ sở tôn giáo và đã được giúp đỡ hỗ trợ, đây là điểm mạnh kết nối tình thầy trò, nâng cao sự sinh hoạt gần gũi giữa Tăng Ni với Phật tử. Sinh hoạt có tính cộng đồng trong tín đồ Phật giáo, giúp họ giữ vững niềm tin, thông suốt giáo lý, giới luật nghiêm túc, có uy tín trong xã hội, không hủy phạm giới pháp mà họ đã thọ, không mất chánh niệm, sống có đạo hạnh giao lưu cùng các Ban, Ngành tại địa phương, làm lợi ích xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhơn thiên. Vấn đề này trước khi nhập niết-bàn đức Phật dạy:“Này chư thiện tín, bất cứ ai không giữ giới mà Như Lai đã ban dạy cho hàng cư sĩ, bất cẩn hay chểnh mảng không tuân hành, người đó sẽ đánh mất thanh danh trong xã hội, sự sung túc và phúc lạc của người đó phát triển chậm dần, rồi cuối cùng hao mòn và tàn hoại. Người sẽ đánh mất đức tin, chánh niệm, bị dày vò trong tâm những nỗi bất hạnh, lúc lìa đời sẽ bị nghiệp dẫn vào cõi đau khổ khốn cùng. Còn những ai biết trung kiên giữ gìn ngũ giới, không bất cẩn, chểnh mảng sẽ được thọ hưởng địa vị cao cả và thanh danh trong xã hội, thọ hưởng sức khỏe, thọ hưởng sự giàu sang và phát đạt, đi đến đâu họ cũng được kính nể. Họ sẽ được tiếp đón trọng thể, ngay cả trước sự góp mặt của những vĩ nhân, của hàng vương giả hay của các bậc hiền nhân, thông thái và trí tuệ. Tâm họ trong sạch không chút nghi ngại bất an, và sau khi chết họ sẽ đi vào những cõi hạnh phúc.” (trích Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật).



Trên đây là báo cáo tham luận của Ban Tăng sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, kính trình chư tôn đức lãnh đạo tri tường. Kính chúc toàn thể Đại biểu dồi dào sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Ban TTTT PG Đồng Nai

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu