Cập nhật lúc 10:01:57 11-06-2020 (GMT+7)

Hà Nội: Chùa Đại Từ Ân khai pháp An cư Kiết hạ PL.2564 – DL.2020

Sáng ngày 11/6/2020 (nhằm ngày 20/4 nhuận năm Canh Tý), tại Trường trung cấp Phật học Hà Nội, chùa Đại Từ Ân (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp An cư Kiết hạ PL.2564 – DL.2020.

Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của TT. Thích Tiến Đạt – Trụ trì chùa Đại Từ Ân, cùng quý chư Tôn đức trong Ban giám hiệu trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Ngoài ra buổi lễ còn có sự hiện diện của chư vị Tăng, Ni sinh nhà trường và đông đảo quý cư sĩ Phật tử gần xa.

Đúng 7h30, toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trong hạ trường đã lễ cầu gia bị, niêm hương bạch Phật và bắt đầu nghi thức khai pháp. Tại đây, toàn thể đại chúng đối trước Pháp tòa vọng bái Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp Ngài. Sau đó đại chúng đã lễ Thượng tọa giảng sư để cung thỉnh Thượng tọa thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại chùa Đại Từ Ân. 

Tại buổi lễ, TT. Thích Tiến Đạt đã chia sẻ cho đại chúng hiểu về tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ đối với người đệ tử xuất gia. Theo đó, “an cư kiết hạ là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, xuất phát từ thời Đức Phật và luôn duy trì cho đến ngày nay. Theo truyền thống đó, an cư cấm túc 03 tháng nhằm giúp hành giả nỗ lực tu tập thiền định, trau dồi Giới – Định – Tuệ, cùng nhau chung sống hòa hợp thanh tịnh, thực hành sám hối, Bố-tát theo như ý nguyện tối thượng thì lập tâm một chỗ gọi là Kiết, thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An”.

Thượng tọa chia sẻ “an cư là nhiệm vụ trọng yếu của người xuất gia. Mỗi lần kết thúc một khóa an cư, thì một con dấu pháp ấn được đóng vào trong luật tạng, con số ấy đến nay đã tròn 2564 mùa an cư theo Phật lịch. An cư không chỉ là dừng chân một chỗ để tu tập, tránh dẫm đạp cỏ cây, thể hiện lòng từ bi thương tưởng muôn loài của Đức Thế Tôn mà an cư chính là thời điểm thích hợp để các hàng đệ tử xuất gia của Đức Phật dừng chân ở một địa điểm thích hợp, nghiêm trì giới luật, tiến tu tam vô lậu học, để tăng trưởng đạo tâm, tăng cường đạo lực, thành tựu sự nghiệp tu hành. Nhờ đó mà có năng lực để tiếp tục hóa độ chúng sinh…Việc an cư kết hạ và bố tát thuyết giới là nền tảng căn bản cho chính pháp tồn tại. Nơi nào không an cư kết hạ, nơi nào không bố tát thuyết giới, dù có tăng chúng đến 8 vạn 4 ngàn người cũng không phải là nơi có chính pháp. An cư còn là điều kiện thuận lợi để hàng Phật tử tại gia được thân cận với Tam Bảo, gieo trồng phúc điền, thân cận chư Tăng học hỏi giáo pháp, duy trì chính pháp. Chính vì vậy, an cư mới có sức sống mãnh liệt và trải qua trên 2500 năm vẫn tồn tại và truyền thừa mãi mãi”.

Tiếp đến, Thượng tọa chia sẻ cho đại chúng về những lời huấn thị, sách tấn trong nhà thiền trong kinh “Thiền Lâm Bảo Huấn”. Đây là những lời dạy hết sức ý nghĩa của Đức Phật và được chư vị Tổ sư nhiều đời kết tập lại để giáo huấn cho đàn hậu học đời sau. Thiền Lâm Bảo Huấn là quyển kinh giáo huấn cho trụ trì. Vai trò của vị trụ trì hết sức quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn vong của Phật pháp. Vì trụ trì là người trực tiếp hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học, làm cho mọi người trong trú xứ của mình sống theo đạo đức, đúng với chính pháp, được lợi lạc an vui trong chính pháp. Trách nhiệm của trụ trì là kế thừa sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc chúng sinh. Bản thân vị trụ trì phải là người có đạo đức, phạm hạnh. Vị trụ trì phải có đầy đủ tư cách đạo đức, có oai nghi tế hạnh trong lời nói và việc làm mới xứng đáng là người thừa hành Phật sự, lãnh đạo tinh thần cho Tăng Ni, Phật tử.

Thượng tọa nói: “Trụ trì có ba đức tính cần thiết là: Nhân, Minh, Dũng. Nhân là thực hành đạo đức, phát triển việc giáo hóa, an trên hòa dưới, làm đẹp lòng kẻ đến người đi. Minh là giữ lễ nghĩa, biết an nguy, xét hiểu hiền ngu, phân minh phải trái. Dũng là phải quả cảm với công việc, trừ kẻ gian, bỏ kẻ nịnh… Trụ trì có ba đức tính ấy thì tòng lâm hưng thịnh; thiếu một thì suy, thiếu hai thì nguy, thiếu tất cả thì cái đạo trụ trì tất hỏng”.

Buổi lễ đã khép lại tràn đầy hỷ lạc, mở đầu một mùa an cư kiết hạ thanh tịnh trong lục hòa của Tăng đoàn.

Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại buổi lễ:

Khải Sang - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu