Cập nhật lúc 16:19:24 21-09-2019 (GMT+7)

Hà Nội: HT. Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại Trường mầm non Phạm Tu

Chiều ngày 21 tháng 09 năm 2019, nhằm ngày 23 tháng 08 năm Kỷ Hợi, nhận lời mời của Ban giám hiệu nhà trường, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ đã trở về trường mầm non Phạm Tu – huyện Thanh Trì – Hà Nội và có buổi chia sẻ với chủ đề “Yêu thương con người theo lời Phật dạy” cho toàn thể thầy cô giáo nhà trường.

Tại đây, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ khi nhìn thấy những đồ trang trí treo dọc hành lang, trong từng phòng học như đèn lồng, chậu cây cảnh, hàng rào..v.v… từ chính những đồ nhựa (chai, lọ, thìa, ống hút..) và vỏ lon bỏ đi.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi nilon. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường.

Theo một số nghiên cứu, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và nilon phải mất hàng trăm năm. Chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mắc, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.

Vì vậy, việc tái sử dụng đồ nhựa bỏ đi chính là hành động thiết thực, cấp bách góp phần bảo vệ môi trường, chống lại sự ô nhiễm rác thải nhựa từ chính những thầy cô giáo và các em nhỏ trường mầm non Phạm Tu theo đúng slogan “Nếu bạn không tái thì sử dụng thì hãy từ chối sử dụng”.

Hơn nữa, Hòa thượng ấn tượng với 3 điều, thứ nhất là không gian thoáng đãng, yên tĩnh, trong sạch của ngôi trường. Điều này đã khiến các bậc phụ huynh phần nào đó yên tâm khi đưa con em mình đến học. Chính môi trường này sẽ tạo được sức hút, gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn thơ trẻ của các em nhỏ. Điều thứ hai, Hòa thượng rất tâm đắc với những bức tranh, ảnh treo trên tường, dọc hành lang và lối cầu thang lên xuống trong trường. Đó đều là những bức tranh với hình ảnh thân thiện gần gũi, màu sắc rực rỡ mang thông điệp rõ ràng để dạy các em cách ứng xử, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày như: “Tớ muốn tiết kiệm điện”, “Tớ quan tâm đến cảm xúc của người khác“, “Tớ ăn uống khoa học“.v.v… Điều thứ ba là đội ngũ giáo viên ở nơi đây. Chính 3 điều đó sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhà trường. 

Sau đó, Hòa thượng đã chia sẻ về những đức tính cần có của một người giáo viên, nhất là một giáo viên mầm non theo những lời Đức Phật dạy. Đó chính là yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, nhẫn nhịn và bao dung. Hòa thượng nhấn mạnh “Trong suốt cuộc đời của Đức Phật, Ngài đều nhắm tới vấn đề con người. Từ khi Ngài thành Đạo cho tới ngày Ngài nhập Niết Bàn, Ngài chỉ nói lên sự khổ và con đường diệt khổ cho con người. Trong Phật giáo có bản kinh Thương Yêu và bản kinh Tuổi Trẻ, Đức Phật nói tới sự giáo dục con người. Qua bản kinh Tuổi Trẻ, Ngài nói tới 4 ví dụ: hoàng tử nhỏ, vị sư nhỏ, con rắn nhỏ và đốm lửa nhỏ. Nếu vị hoàng tử sinh ra được giáo dục tốt sau sẽ trở thành vị vua anh minh trị nước chăm dân giỏi. Một vị sư nhỏ nếu có giáo dục tốt trong chùa, sau này sẽ trở thành vị cao tăng thạc đức. Ngược lại, một đốm lửa nhỏ nếu không cẩn thận có thể thiêu đốt tất cả. Một con rắn nhỏ cũng có thể giết hại con người. Điều này khẳng định môi trường giáo dục rất quan trọng, bởi sự giáo dục lúc nhỏ sẽ quyết định tương lai sau này. Chúng ta phải tin, học và thực hành theo luật Nhân Quả. Luật Nhân Quả sẽ giúp chúng ta luôn sống đúng mực. Đức Phật dạy rằng điều đầu tiên là hãy yêu thương nhau. Nếu chúng ta học và tin theo Đức Phật bằng cách yêu thương nhưng luôn luôn rộng lòng bao dung thì mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp. Trong bao dung có sự tha thứ. Nếu mình thấy các học sinh nghịch thì hãy nghĩ tới con mình cũng sẽ nghịch như vậy, cần yêu thương các em học sinh như yêu thương chính con của mình. Hơn nữa, hãy biết lắng tai nghe nhau, chia sẻ cảm thông với nhau. Mọi vấn đề cần lắng nghe từ nhiều chiều, nhiều phía, và quan trọng rằng cần đặt mình vào vị trí người khác để chia sẻ và cảm thông với nhau trong mọi hoàn cảnh..”.

Hòa thượng tin rằng nếu làm được những điều như vậy thì “lúc nào chúng ta cũng thấy bình yên và hạnh phúc. Còn nếu mang tâm sân giận thì chỉ khiến bản thân đau khổ. Các vị hãy thực tập đừng bao giờ để những điều buồn đau, phiền não ở lâu trong lòng. Đức Phật thương tất cả chúng ta, vì vậy chúng ta hãy noi gương Đức Phật, hãy học theo những điều Ngài dạy để chúng ta có cuộc sống an lành”.

Cuối cùng, Hòa thượng đã dành thêm thời gian để giải đáp những thắc mắc của các giáo viên nhà trường về những vấn đề trong cuộc sống dưới nhãn quang của Phật giáo, giúp các thầy cô giáo giải tỏa được tâm lý, biết cách để yêu thương và gắn kết hơn với các bậc phụ huynh và các em nhỏ học sinh của trường, cũng như biết chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành sự an lạc, bình yên trong cuộc sống.

Diệu Tường - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu