Cập nhật lúc 14:57:29 28-07-2021 (GMT+7)

NGHĨ VỀ “PHƯỚC ĐỨC” TRONG NẠN ĐẠI DỊCH

Tôi nhớ không nhầm, năm ngoái cũng vào thời điểm này, các nước phương Tây lâm vào cảnh khủng hoảng, tan thương, chết chóc, số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh mỗi ngày đến chóng mặt. Vào lúc đó thì Việt Nam vẫn bình yên, dịch đến đâu được dập đến đó, một cách nhịp nhàng, có hiệu quả với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân.

Năm nay hình ảnh bình yên ấy đã không còn nữa. Trận đại dịch lần này phát tán quá nhanh, quá khủng khiếp với biến chủng Delta lây lan cả trong không khí. Dù đã gồng mình nỗ lực làm việc hết công suất từ các nhà lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ, bộ đội biên phòng, công an... cùng ý thức tham gia chống dịch của toàn thể người dân nhưng vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn. Để đến hôm nay, thời gian giãn cách và số lượng các tỉnh thành phải chấp hành ngày một tăng theo số ca nhiễm và tử vong.

Tin tức sự kiện | Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

Sống giữa đất Sài Thành - nơi xưa nay tạm gọi là chốn phồn hoa đô thị, đầy đủ tiện nghi vật chất, phương tiện sống. Tuy có hơi đắt đỏ một chút, nhưng ở đâu và làm nghề gì đất Sài thành cũng dung nạp cả. Sài gòn bao dung, Sài gòn độ lượng, nâng đỡ, Sài gòn ôm vào lòng, chở che mọi tâm hồn, mọi bước chân của những người con tha phương cầu thực… Nhưng trận đại dịch lần này đã làm cho người dân nơi đây khủng hoảng về tinh thần cũng như vật chất đến mức khủng khiếp. Sài gòn không còn đủ sức nâng đỡ ai nữa, khi chính bản thân mình cũng không còn đứng vững được.

Sài gòn như đã nói, nơi đầy đủ tất cả các tiện nghi, mà theo danh từ nhà Phật gọi là “sanh phùng trung quốc”, nơi gặp được Phật pháp, minh Sư, thuận tiện cho việc học pháp và hành pháp. Đó là dư báo đã gieo bao đời nay gặt được. Phước báu của người dân nơi đây cũng rất lớn nhưng không dừng lại để hưởng thụ. Họ luôn tiếp tục nỗ lực làm phước, dang rộng vòng tay sẻ chia tất cả trên khắp mọi nẻo đường đất nước, cũng như nước ngoài, mỗi khi gặp nguy nan, thiên tai dịch bệnh…

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tặng máy thở hỗ trợ điều trị Covid-19  - Báo Bình Dương Online
Trong muôn vàn thuận duyên và cộng nghiệp với người xung quanh, người hiểu rõ Phật pháp luôn biết rằng mỗi chúng ta đều có biệt nghiệp (nghiệp riêng của mỗi người). Nghiệp riêng này đưa chúng ta đến khổ đau hạnh phúc là do phước đức mà chúng ta đã gieo trồng trong nhiều đời và ngay trong hiện tại. Dù bình thường chúng ta khó nhìn thấy, nhưng đại dịch lần này chắc chắn ai cũng nhận ra. Khi toàn tỉnh (thành phố) hàng ngày ca nhiễm tăng lên theo cấp số nhân, tiếp theo là huyện (quận), rồi đến xã (phường), thế nhưng bản thân và gia đình chúng ta vẫn còn yên ổn ngồi nơi đây để sống và làm việc đều đặn mỗi ngày thì đó chính là phước đức lớn nhất.
Sống trong môi trường tốt
Đã tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là Phước Đức lớn nhất.


Sống ngay thẳng, bố thí 
Giúp quyến thuộc thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Là Phước Đức lớn nhất.

(Kinh Đại Phước Đức - HT Thích Huyền Diệu dịch)
Lâm vào đại dịch, khi chưa nhận được bàn tay chở che, ấp ôm từ nhiều phía. Mọi người tự chở che cho nhau, động viên nhau bằng những khẩu hiệu: “Sài gòn ơi, cố lên!”, “Sài gòn đang ốm, Sài gòn sẽ khỏe lại nhanh mà”... Cứ động viên nhau, khuyến khích nhau, truyền năng lượng cho nhau để thêm sức mạnh để đón nhận con số tăng lên từng ngày.


Thế rồi... hàng hàng lớp lớp, những chuyến xe rau củ quả đầy ấp tình người lần lượt các tỉnh thành chở về ứng cứu thành phố trong giai đoạn cao điểm. Nhìn những hình ảnh bà con các tỉnh miền trung gom từng cọng rau, trái bí, trái bầu đem đến nơi tập kết hàng mà không cầm được nước mắt. Những nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, chan chứa tình người và chạm đến tim người, tiếp thêm cho người Sài thành thêm sức mạnh và niềm tin.

Sự tiếp nhận lương thực từ nhiều nguồn cứu tế cũng thể hiện rất rõ phước duyên của mỗi người. Những người dân bị phong tỏa cách ly gần gũi với những ngôi chùa và các mạnh thường quân, nằm ngoài mặt tiền đường, thì được tiếp tế khá phong phú và đầy đủ. Những ngôi nhà trong những hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, thì rất khó khăn và trở ngại cho người trao cũng như người nhận. Thậm chí những nơi đó có số ca nhiễm và tử vong tăng lên từng ngày thì hoàn toàn không thể tiếp nhận được thực phẩm. Như thế trong cái nghiệp chung (đại dịch), mỗi người cũng có nghiệp riêng (không nhiễm hoặc chỉ ảnh hưởng nhẹ), trong nghiệp phải chịu ảnh hưởng dịch bệnh, mỗi người có phước riêng được no ấm, đủ đầy, thậm chí còn dư để sẻ chia với người khác. Nhưng có nhiều người lại quá khó khăn trong việc chi tiêu hàng ngày nào gạo cơm, thức ăn… Còn nói chi đến chuyện có tiền để trả nhà trọ hàng tháng. Ôi! Khó khăn chồng chất khó khăn.


Liên quan tới tình hình bệnh dịch hiện nay, chúng tôi nhớ trong Kinh Trung Bộ có Kinh Châu Báu (thuộc Tiểu Bộ Kinh). Lúc Đức Phật đang trú tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), thành Vương Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), bấy giờ nhân dân thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu một lúc cả ba tai ương: đó là nạn đói hoành hành, nạn ma quỷ (Phi nhơn, Dạ xoa…) quấy phá, và bị bệnh dịch lây lan khiến cho rất nhiều người chết. Với Tuệ giác,  Đức Phật biết rằng dân chúng thành Vesali bấy giờ bị đến ba tai ách. Nạn đói có nguyên nhân sâu xa từ đường lối sai lầm của những người lãnh đạo thuộc bộ tộc Licchavi. Nạn ma quỷ quấy phá do bấy giờ đạo đức của dân chúng Vesali bị xuống cấp (không giữ giới) nên chư Thiên và các vị thiện thần không ủng hộ, bảo vệ. Vì thế Phi nhơn thừa cơ hội xâm nhập quấy nhiễu, gây bệnh tật. Đức Phật và chư Tăng đã tụng bài kinh Châu Báu để hóa giải tai ương, khiến bệnh dịch chấm dứt.

Qua lời dạy của Đức Phật liên hệ tới bài kinh này, cho chúng ta bài học. Theo thuyết nghiệp của Phật giáo thì mọi tai ương xảy đến (thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh) đe dọa sự sống của cá nhân và cộng đồng có liên hệ mật thiết với đạo đức. Khi đạo đức bị xuống cấp thì phước báo cũng theo đó bị suy giảm, khi phước đã hết thì tai họa sẽ phát sinh. Do vậy, người Phật tử phải nỗ lực tu tập để trau dồi đạo đức (giữ giới) nhằm duy trì và nhân rộng phước báo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực ngay trong đời sống hiện tại mới có thể mong cầu bình an. Dẫu nghiệp lực chúng ta có gây tạo nhiều đời, nhưng đời này chúng ta tu tập, đầy đủ phước báu thì cũng có thể hóa giải nghiệp quả, nặng hóa nhẹ, nhẹ hóa không.
 
Nguyên Ngộ ngày 27 tháng 07 năm 2021
TT. Thích Đạo Nguyên (Nhuận Quang)
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu