Cập nhật lúc 09:54:39 19-06-2020 (GMT+7)

Tại sao người trẻ nên đi chùa?

Đi chùa vào những lúc rỗi rãi hay khi khó khăn để nạp thêm năng lượng, tìm cho mình khoảnh khắc bình an là xu hướng của nhiều người trẻ hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên của phóng viên báo Giác Ngộ, khi được hỏi về lý do đi chùa, nhiều bạn trẻ đã trải lòng về câu chuyện của riêng mình.

trangtre.1053.2.jpg
Nếp sống bình an nơi cửa thiền - Ảnh: Trần Thế Phong

Đến chùa tìm chất liệu vun đắp mái ấm

Khi được hỏi về lý do đi chùa, Phật tử Diệu Ngọc, một nhân viên Bưu điện TP.HCM, bộc bạch: “Mình đang mang thai đứa con đầu lòng được gần 4 tháng, bị nghén hơi nhiều. Từ lúc biết có thai, mình chăm chỉ đến chùa tụng kinh với đạo tràng. Ở chùa, mình được các cô bác đi trước góp ý, chỉ dạy cho cách thai giáo. Rồi quý Sư hướng dẫn mình cách đi đứng nhẹ nhàng, trang nghiêm, chánh niệm trong suy nghĩ, lời nói và thực dưỡng để tốt cho đứa trẻ”.

Theo lời hướng dẫn của quý Sư và cô bác Phật tử, mỗi ngày bạn Diệu Ngọc luôn dành thời gian để niệm Phật, hướng tâm đến những việc thiện lành và đọc kinh cho con nghe. Càng ốm nghén nhiều, bạn Diệu Ngọc càng niệm Phật và trò chuyện, đọc kinh cho con nghe nhiều hơn. Sau mỗi lần như vậy, Diệu Ngọc cho biết bản thân “cảm thấy bình an, dễ chịu”.

Từ sự hướng dẫn của quý Sư, bạn cũng đem công thức nấu các món chay của nhà chùa áp dụng vào bếp nhà mình. Diệu Ngọc kể: “Mình hạn chế ăn thịt và toàn bộ các món canh trong ngày, hầu như mình đều nấu chay. Lúc đầu ông xã mình sợ không đủ dưỡng chất, nhưng khi anh đi hỏi bác sĩ, bác sĩ khen, khuyến khích, rồi mình nấu anh dùng ngon miệng, giờ anh rủ ăn chay luôn”.

Thấy vợ tìm được nhiều niềm vui từ lúc đến chùa nên ông xã của Diệu Ngọc cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để đưa vợ đi. Quý Sư hướng dẫn thực hiện điều gì có ích cho vợ và con, chồng của Diệu Ngọc đều cố gắng thực hiện.  

“Chùa là nơi mình nhận được rất nhiều tình thương và chất liệu để xây dựng mái ấm gia đình. Hàng ngày chồng mình luôn tìm hiểu cách nấu món chay bổ dưỡng cho hai mẹ con, anh cũng tránh luôn việc sát sanh. Từng hành động tốt đẹp này là dưỡng chất thiện lành để nuôi dưỡng hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình. Mình vui vì bản thân là một người Phật tử”, Diệu Ngọc đúc kết.

Đến chùa để học cách sống có ích

Khi được hỏi lý do thích đi chùa, Phật tử Chiếu Hoàng, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM hào hứng cho biết: “Có những việc ở ngoài đời mình không học được nhưng đến chùa mình rèn luyện được”.

Chiếu Hoàng dí dỏm kể lại việc bản thân trước đây thường hay ngủ nướng, ở nhà, ba mẹ hay bà nói cũng không “xi-nhê” gì. Nhưng khi đến chùa tham gia khóa tu mùa hè, thấy quý Sư thức dậy từ 4 giờ sáng, có Sư công phu trên chánh điện, có Sư chấp tác ở nhà bếp, kể cả mọi người tham gia khóa tu cũng vậy thì Chiếu Hoàng “vì mắc cỡ” nên cũng phải thức dậy theo.

Bạn trải lòng: “Vào chùa, mình thấy các Sư chú tuổi đời nhỏ hơn mình, nhưng làm việc trang nghiêm lại vừa tu, vừa học rất chuyên cần nữa. Từ hình ảnh đó, mình suy nghĩ lại về bản thân. Nhờ những ngày ở chùa mà mình thay đổi cách sống, rèn luyện được thói quen dậy sớm, không cho phép bản thân lười biếng và kỷ cương với bản thân mình hơn. Việc gì của mình, mình luôn chủ động làm, không để phiền đến người thân”.

Ở chùa, tiếp cận nếp sống thiền môn, Chiếu Hoàng hình thành nên thói quen sống tích cực, ngày càng có trách nhiệm với bản thân, gia đình và người xung quanh. Đó chính là lý do vì sao mỗi lúc có thời gian rảnh hoặc khi hè đến là bạn lại thường xuyên về chùa để tu học.

“Những ngày tháng ở chùa là hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ. Cuộc sống ở chùa thanh đạm, thời khóa công phu nghiêm ngặt nhưng được ở gần người thiện lương, tình thương của quý Sư đã cho mình cảm giác rất bình an. Mình nhớ, lúc gọt rau củ bị đứt tay, vừa la lên, là Sư chú chạy đi lấy ngay cho miếng băng cá nhân, còn các Sư lớn hỏi thăm ‘đau không con’ liền. Mình cũng tự dặn bản thân cố gắng thực hành, nuôi dưỡng tình thương và đối xử với người xung quanh như quý Sư đã làm, để mọi người sống cạnh mình cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc”, Chiếu Hoàng say sưa kể.

Bước qua nỗi đau, nạp thêm hạnh phúc

Chị Phạm Dung, 32 tuổi, nhân viên thu ngân một cửa hàng buôn bán tại TP.HCM kể lại: “Người ta nói, thất tình hay đi chùa, điều đó lại đúng với bản thân tôi. Lúc bạn trai chia tay tôi để đến với cô gái khác, tôi như người ngây dại. Lúc đó tôi đến chùa để tụng kinh vì sợ mình quẫn quá lại phát điên vì tình. May mắn là lúc tụng kinh, tôi thấm thía được sự vô thường của cuộc đời, hiểu về nhân duyên, nhân quả nên nỗi đau trong tôi nguôi ngoai bớt. Rồi từ đó, tôi đi chùa với tâm thế dần khác đi”.

“Tâm thế khác” mà chị Phạm Dung nhắc đến, đó là sự tha thứ cho người bạn trai của mình, siêng năng đến chùa tụng kinh, hồi hướng ngược lại cho người từng đem đau khổ cho bản thân. Chị còn nuôi dưỡng tâm từ bi, gieo trồng phước đức thông qua việc làm điều lành, tham gia công tác phát quà từ thiện. Mỗi tháng, sau khi nhận lương, chị đều trích một phần để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.   

Nói về sự may mắn của bản thân, chị bảo: “Tôi thấy đời tôi may mắn nhất là đã đi đến chùa trong lúc bế tắc nhất. Nhờ đi đúng nơi mà tôi tự vực dậy bản thân, tìm cho mình lối đi đúng. Khi tôi tha thứ cho người làm mình khổ được rồi, tôi thấy như cởi được dây trói, cuộc sống thật an lạc. Không u mê chìm đắm trong khổ đau là hạnh phúc lớn nhất rồi đó”.

Khánh Vi - nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu