Cập nhật lúc 08:14:36 19-05-2019 (GMT+7)

Tháp gốm men chùa Trò được công nhận là bảo vật quốc gia

Sáng 16.5, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tháp gốm men chùa Trò là bảo vật quốc gia và khai mạc trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa thời Lý – Trần trên đất Vĩnh Phúc".


Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bình trao Quyết định công nhận Tháp gốm men chùa Trò là Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo Sở VHTTDL

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bình trao Quyết định công nhận Tháp gốm men chùa Trò là Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo Sở VHTTDL

Cùng với 21 bảo vật khác của cả nước, Tháp gốm men chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12.2018. Bảo vật Quốc gia tháp gốm men chùa Trò vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Vì là cây tháp thờ nên được đặt trang nghiêm, nơi trước cửa chùa. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời Lý - Trần.

Toàn bộ tháp được trang trí hoa văn với các đề tài vô cùng phong phú như: Hoa sen, hoa cúc, lá đề, hoa lá dây, rồng, mây, sừng tê, ngọc báu, Kinari, tượng phật, bảo tháp… mang đậm yếu tố của nghệ thuật Phật giáo. Kỹ thuật trang trí hoa văn có sự phối kết giữa đắp nổi và khắc chìm, được bố cục chặt chẽ, tôn lên từ chính các họa tiết và màu men. Tất cả đã tạo nên sự khác biệt của tháp chùa Trò và trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị trong phả hệ gốm Việt Nam thời Đại Việt.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu về giá trị của tháp gốm men chùa Trò. Ảnh: Kim Ly

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu về giá trị của tháp gốm men chùa Trò. Ảnh: Kim Ly

Tháp gốm men chùa Trò gồm 3 màu: Xanh ngọc, trắng và nâu, có kích thước lớn và nguyên vẹn nhất trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Bởi hiện nay, tháp gốm men trắng đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ còn lại 4 tầng và bệ đã bị bong men hầu như toàn bộ; cây tháp men ngọc Việt Nam, lưu giữ tại Bảo tàng Adam Malik, Jakata (Indonexia) cũng chỉ còn lại phần chân đế. Những phát hiện khảo cổ học tại các phế tích chùa - tháp thời Lý - Trần, cũng chỉ là những mảnh vỡ, có số lượng rất ít. Điều đó cho thấy sự quý hiếm của loại hình di vật này.

Ngay sau lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã khai mạc trưng bày hơn 200 hiện vật được phát hiện tại Tây Thiên, Tam Đảo; Kim Tôn, Sông Lô; Vũ Di, Vĩnh Tường và các di vật, cổ vật thời Lý - Trần của các nhà sưu tầm cổ vật trên địa bàn tỉnh.


Thanh Tâm - Nguồn: Phatgiao.org

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu