Cập nhật lúc 16:45:46 12-02-2015 (GMT+7)

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÀNH - NGUYÊN PHÓ PHÁP CHỦ GHPGVN

TIỂU SỬ

CỐ HOÀ THƯỢNG THƯỢNG HUỆ HẠ THÀNH

PHÓ PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHỨNG MINH BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH ĐỒNG NAI

VIỆN CHỦ TỔ ĐÌNH LONG THIỀN – TP. BIÊN HOÀ

  1. Thân thế:

Đại lão Hoà thượng thượng Huệ hạ Thành, thế danh Nguyễn Toàn Trung, sinh năm Nhâm Tý (1912) tại xã Phú Hữu, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Tp. Hồ Chí Minh). Thân phụ của Hoà Thượng là cụ Nguyễn Văn Đạo – Pháp danh Huệ Định, một nhà nho yêu nước, từng tham gia phong trào Duy Tân và lãnh đạo phong trào Thiên Địa Hội. Thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Đồng – Pháp danh Diệu Từ. Hoà thượng sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học, yêu nước đồng thời có lòng chánh tín Phật pháp, nên từ thuở ấu thơ đã được quy y Tam Bảo với Tổ Pháp Ấn – viện chủ Tổ đình Phước Tường.

  1. Thời gian xuất gia – Học đạo:

Do thấm nhuần tinh thần Phật pháp của gia đình từ thuở nhỏ, và hạt giống xuất trần từ nhiều kiếp đã sẳn có trong con người của Hoà thượng, nên sau thời thuyết giảng của Tổ Pháp Ấn tại Tổ đình Phước Tường, Ngài đã nhận thức được cõi đời là giả tạm, thế sự phù vân chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh. Vì vậy Ngài đã đảnh lễ song thân xin phép xuất gia học đạo với Tổ Pháp Ấn tại Tổ đình Phước Tường (Thủ Đức- Gia Định). Hoà thượng được Tổ thế phát và ban cho Pháp huý Hồng Tín, tự Bửu Thành, hiệu Huệ Thành, năm ấy Ngài vừa tròn 12 tuổi. Sau khi xuất gia Hoà thượng đã nổ lực tinh tấn tu học, dõng mãnh vượt xa các bạn đồng học nên được Tổ và chư huynh đệ yêu mến. Sau những tháng năm chuyên cần tu học đó, biết được đạo hạnh của Hoà thượng đã vững vàng, nên năm 1931, được Tổ cho thọ giới Sa Di tại chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), đến năm 1934, thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Phước Thạnh (Tây Ninh).

  • Sự nghiệp hoằng pháp:

Với đức độ và sự uyên thâm Phật pháp, tinh tấn tu học nghiêm trì giới luật, cho nên toàn thể tăng chúng công cử Ngài vào hàng Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Thiên Long (Tp. Biên Hoà) năm 1937. Đến tháng 7 năm 1942, Tổ Pháp Ấn cử ba vị đệ tử đi hoằng pháp độ sinh, Hoà thượng được bổ nhiệm về trụ trì Tổ đình Long Thiền (Tp. Biên Hoà). Cũng trong năm này, Hoà thượng được công cử Yết Ma Xà Lê tại Giới đàn Tổ đình Long Thiền.Với tinh thần đạo pháp luôn gắn liền dân tộc, được thắm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình, trong bối cảnh lịch sử đất nước ở giai đoạn dầu sôi lửa bổng, không chấp nhận sự xâm lược của ngoại bang, Hoà thượng bắt đầu tham gia cách mạng vào năm 1944 trong phong trào chống quân phiệt Nhật và thực dân Pháp.

Ngày 06 tháng 09 năm 1945, Hoà thượng được cử làm hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hoà kiêm Uỷ viên Mặt trận Việt Minh (trụ sở Phật giáo Cứu quốc đặt tại Tổ đình Long Thiền ). Năm 1947, Hoà thượng được hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ mời tham dự hội nghị thành lập tại chùa Ô Môi (Đồng Tháp) do Hoà thượng thích Minh Nguyệt làm hội trưởng.

Ngày 15 tháng Giêng năm Tân Mão (1951), Tổ Pháp Ấn viên tịch, Hoà thượng đến cầu pháp với Tổ Đạt Thanh – Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam, viện chủ Tổ đình Long Quang (Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định). Tổ Đạt Thanh thấy được sự cần tu giải thoát của Ngài nên liền ấn chứng truyền kệ phó pháp:

Ngộ đạo tu hành bát nhã tông

Tính tâm thanh tịnh phổ viên thông

Huệ nhật trung thiên quang tứ đại

Thành minh cảm cách chứng Phật ông.

Cũng trong năm này, cuộc kháng chiến đến cao độ, Tổ chức cách mạng đưa cán bộ về hoạt động cách mạng trong lòng địch, Hoà thượng cùng với Hoà thượng Thích Minh Nguyệt và một số anh em cán bộ khác về lãnh đạo Tăng, Ni và Phật tử tham gia cách mạng, đấu tranh trong lòng địch. Được sự chấp thuận của cấp trên và nhất trí của Thành uỷ Sài Gòn- Gia Định, thành lập một tổ chức bán công khai, lấy danh xưng là “Lục Hoà Tăng” mà tiền thân là Phật giáo cứu quốc.

Tháng 02 năm 1952, đại hội Phật giáo tại chùa Long An thành lập Ban Chức sự Giáo hội Lục Hoà Tăng Việt Nam do sư cụ Thiện Tòng làm Đại Tăng Trưởng, Hào thượng được suy cử làm Đệ nhất Phó Tăng giám, trưởng ban hoằng pháp Trung ương, Tăng trưởng Giáo hội Lục Hoà Tăng tỉnh Biên Hoà. Đến tháng 3, được chư sơn Thiền đức cung thỉnh làm Hoà thượng Đàn đầu truyền giới tại Đại Giới đàn chùa Đại Phước (Tp. Biên Hoà). Vào mùa hạ năm ấy, giáo hội khai mở trường Hương tại chùa Báo Quốc (Sài Gòn) do Sư cụ Phước Chi làm chủ Hương và cung thỉnh Hoà thượng làm Thiền chủ và kiêm giảng sư trường hạ.

Năm 1954, kí kết hiệp định đình chiến, Hoà thượng làm thành viên các tổ chức Trí vận và Tôn giáo phụ trách Phật giáo tại Sài Gòn – Gia Định và khu Đông nam bộ. Hoà thượng cùng Hoà thượng Minh Nguyệt phát động phong trào hoà bình, đòi Pháp thi hành hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử đúng thời hạn.

Năm 1955, với kế hoạch đào tạo tăng tài và y nơi giới luật, khai mở trường hương tại chùa Phước Tường, với Tăng chúng nhập hạ trên 100 vị, đa số đều có trình độ Trung, Đại học Phật giáo, Hoà thượng được cung thỉnh làm chủ Hương kiêm pháp sư. Sau đó tái khai đàn đầu Hoà thượng truyền giới tại Giới đàn chùa Thanh Long (Tp. Biên Hoà). Cũng trong năm này, Hoà thượng phát lời hiệu triệu, lệnh đình công, bãi thị… đòi Chính phủ Pháp thi hành Hiệp định Geneve.

Tháng 03 năm 1960, Hoà thượng Thích Minh Nguyệt và Hoà thượng Phật Ấn bị giặc bao vây bắt với một số cán bộ khác, còn lại ba vị may mắn thoát khỏi tay giặc là hoà thượng Thích Bửu Ý – Tổng Thư ký, Hoà thượng Thiện Hào cùng với Ngài. Để cũng cố hàng ngũ Giáo hội Lục Hoà Tăng bị giặc khủng bố, Ngài và Hoà thượng Thích Bửu Ý nhờ Thầy Yết Ma Thiện Niệm giúp phương tiện đi lại các tỉnh Bà Rịa, Tây Ninh cũng như các tỉnh miền Đông nam bộ và Sài Gòn - Gia Định để củng cố, vận động thành lập tỉnh Hội Phật giáo Lục Hoà Tăng. Đến tháng 7, dời trụ sở từ chùa Phật Ấn về Tổ đình Giác Lâm, mở Đại hội bầu ban chức sự Trung ương, Hoà thượng được suy cử chức Tăng Giám Trung ương. Bắt đầu từ đó Giáo hội mở rộng ra miền Trung, phát triển mọi mặt, xây dựng nhiều cơ sở củng cố cách mạng.

Lễ Phật Đản năm 1961, mặc dầu bị giặc bao vây nhưng Hoà thượng vẫn đứng thượng thủ trong liên phái bảo vệ Phật giáo.

Năm 1963, Hoà thượng là một trong chư vị Tôn túc Hội đồng Chứng minh để cung thỉnh 13 viên Ngọc Xá Lợi do Đại đức Narada tặng chùa Kỳ Viên và đưa Xá lợi về tôn trí tại Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu). Hoà thượng là một trong các vị thỉnh đất thiêng Chuyển Pháp Luân an trú tại ngôi Tam bảo này. Cũng trong năm này, Hoà thượng chịu đựng vô vàn gian khổ dưới sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài bị bao vây nhưng vẫn đứng vững và được Hoà thượng Tịnh Khiết gởi thư động viên và thăm hỏi cũng như ca ngợi tinh thần dũng cảm hy sinh và tán dương công đức “đơn thân vị pháp” của Ngài.

Năm 1965, khai mở trường hạ tại chùa Phụng Sơn, Hoà thượng được cung thỉnh ngôi vị Chứng minh kiêm Pháp sư.

Năm 1967, do sự lãnh đạo tài tình và hy sinh cao cả, Đại hội tôn cử Hoà thượng lên chức vụ Đại Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hoà Tăng, lãnh đạo Giáo hội và mở trường hạ tại Tổ đình Long Thiền , Hoà thượng làm chủ Hương kiêm Chứng minh. Đại chúng nhập Hạ trên 300 vị. Cũng trong năm này, Hoà thượng được mời với tư cách Đại biểu miền Nam Việt Nam dự hội nghị hiệp thương Chính trị ký các văn kiện thống nhất Tổ quốc tại Hội trường Thống nhất Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 1968, để tăng cường sự hoằng pháp độ sinh trong Phật giáo và sức chiến đấu giải phóng dân tộc, hiến chương của Giáo hội được soạn thảo có sự tham gia và nhất trí của cấp trên và Thành uỷ Sài Gòn- Gia Định thống nhất hai tổ chức Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (lúc đó Hoà thượng Thích Thiện Hào, Uỷ viên Chủ tịch Đoàn Mặt trận Giải phóng miền Mam là Hội trưởng Trung ương Hội Lục hoà Phật tử Việt Nam, Nguyên Tổng Thư ký Lục Hoà Tăng). Đại hội đã suy tôn Hoà thượng lên ngôi vị Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Năm 1970, Hoà thượng tái khai đàn đầu truyền giới tại chùa Thanh Long Biên Hoà.

Từ năm 1972 đến năm 1975, Hoà thượng Chứng minh chỉ đạo công tác Từ thiện Xã hội cứu trợ đồng bào tản cư vì chiến tranh.

Mùa xuân 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hoà thượng đứng ra kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử trương cờ biểu ngữ chào mừng ngày đất nước giải phóng, đồng thời đón rước Hoà thượng Thích Minh Nguyệt từ Chiến khu Long Bình về trụ sở viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại chùa Trường Thạnh (Quận 1, Sài Gòn).

Tháng 11 năm 1981, Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Toàn quốc tại chùa Quán Sứ Thủ đô Hà Nội, Hoà thượng được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Ngài được uỷ nhiệm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai.

Năm 1982, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hoà thượng được cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ I. Từ nhiệm kỳ II trở đi Hoà thượng được suy tôn lên hàng Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hoà thượng đã hướng dẫn lãnh đạo suốt con đường Phật giáo tại tỉnh nhà một cách tích cực và phát triển trong nhiệm vụ phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Cũng trong thơi gian này, Hoà thượng được cử làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai khoá IV, khoá V. Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai khoá I,II và III.

Tháng 8 năm 1990, Hoà thượng được cử vào Hội đồng Chứng minh về công tác phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam của Giáo hội.

Từ những năm 1980 cho đến khi viên tịch, Ngài luôn khai mở Đại Giới đàn tại chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền để truyền giới cho Tăng Ni giới tử.

Trên cương vị là một trong những bậc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là người sáng lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hoà thượng đã hoạt động lãnh đạo tích cực, phát triển nhiều mặt cho Phật giáo tỉnh nhà, đáp ứng các phương hướng quy định Trung ương và thực hiện những đường lối chính sách của tỉnh nhà mà hàng giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử đã đặt trọn vẹn niềm tin vào Người.

Với uy tín và uy thế đạo đời mến mộ, nổi bậc nhất trong hàng giáo phẩm lãnh đạo tiêu biểu đã giúp Hoà thượng viên thành đạo nghiệp. Điển hình qua các mùa An cư Kiết hạ và những Đại Giới đàn của Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai khai mở rất long trọng, tôn nghiêm và đúng theo quy tắc tòng lâm và giới luật đạo pháp .

Hoà thượng không pho trương, sống đời giản dị thanh cao, với tấm long huy sinh, vị tha vô ngã trong các chức vụ của mình, với uy đức khiêm tốn của bậc cao tăng, được biểu hiện nghiêm túc trong đời sống đạo hạnh. Với uy đức quý báu của Ngài qua hạnh nguyện từ bi, hy sinh, với trí dũng sáng ngời tự tại vô ngại là tấm gương sáng cho biết bao môn sinh soi rọi kế thừa đạo nghiệp.

Với công đức cống hiến của Hoà thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ Quốc qua nhiều giai đoạn. Hoà thượng vinh dự được Giáo hội, Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng:

Huân chương Độc Lập hạng nhì

Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất

Huân chương chống Mỹ hạng nhì

Huy chương vì sự nghệp đại đoàn kết toàn dân

Huy hiệu 15 năm xây dựng Tổ Quốc

Huy hiệu Chiến sĩ Biên Phòng

Bằng khen Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai

Bằng khen Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Đồng Nai.

Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

  1. Thời gian Viên tịch:

Trải qua hơn 70 năm tu học hành đạo, hoằng pháp lợi sinh, truyền thừa chánh pháp và đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc, Hoà thượng xứng đáng là bậc thạch trụ tăng già, bậc quang minh lỗi lạc, trí đức song toàn. Ngài xứng đáng là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương sang muôn đời cho thế hệ mai sau noi dấu. Theo luật vô thường, đến lúc hoá duyên mãn tất, Hoà thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 19giờ ngày 24 tháng 4 Nhuận năm Tân Tỵ, Trụ thế 90 năm, Hạ lạp 70 năm.

Hoà thượng đã viên mãn sự nghiệp hoằng hoá độ sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc, trở về thế giới Niết bàn, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hoà thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

 

 

 

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu