Cập nhật lúc 09:17:23 28-03-2015 (GMT+7)

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN KHẢI - NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH ĐỒNG NAI

TIỂU SỬ
HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN KHẢI
Nguyên Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTS Trung ương GHPGVN.

Nguyên Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai từ khóa II đến khóa V.
Chứng minh BTS Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai khóa VI

Hoà Thượng Thích Thiện Khải, thế danh Phạm Văn Tây, sinh năm 1913, làng quê Tân Bản, Tổng Chánh Mỹ Thượng, Biên Hoà, bên bờ sông Đồng Nai. Hoà Thượng là người con thứ sáu của một gia đình truyền thống lễ giáo và kính tin Tam Bảo, nên Hoà Thượng cũng sớm ảnh hưởng cuộc sống Thiền gia thanh đạm.

Năm 1920, Hoà Thượng nối chí thân phụ, phát tâm xuất gia đầu Phật tu học tại làng Tân Bản, tỉnh Biên Hoà. Xét thấy bản chất thông minh, tánh tình hoà nhã, hình dáng đỉnh đạt, trượng phu nên Cụ Tổ hứa khả, Hoà Thượng được xuất gia theo truyền thống. Trên 12 năm tu học, đầy lòng nhiệt quyết và tấn tu, Hoà Thượng được Cụ Tổ cho thọ giới Sa Di tại giới đàn Phước Tường Tự, Thủ Đức.

Năm 1934, Hoà Thượng đăng đàn thọ giới Cụ Túc tại Chùa Phước Thạnh, cùng với các Giới tử khác trúng tuyển sau kỳ khảo hạch. Trong Giới Đàn này, Hòa Thượng được chư vị Giới sư Cao Tăng Thiền-đức trong các Sơn-môn lớn ở Tây Ninh chứng đàn. Từ đây, Ngài thực sự dự vào hàng Tăng-Bảo, là sứ giả Đức Như Lai với trọng trách: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Quá trình tu hành, Hoà Thượng sớm được hưởng thụ vào ngành Phật học theo ngôn ngữ Nho giáo, rất tinh thông về ngôn ngữ Hán nôm, thân tâm gắn bó cửa Thiền, nhưng vẫn thấu đạt hiểu nghĩa Giáo pháp “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Năm 1940, Hoà thượng tu học Phật Pháp tại Tân Sơn Cổ Tự, làng Tân Bản, tỉnh Biên Hoà.

Năm 1943, Hoà thượng giữ chức Trụ trì Chùa Phước Điền, xã Bình Hưng, huyện Tân Uyên (nay thuộc Tỉnh Bình Dương) cũng là nơi lưu dấu chân hành đạo của Hoà thượng Thích Thiện Hoà, Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt.
Năm 1945, Hoà thượng tham gia kháng chiến chống Pháp tại căn cứ địa chiến Khu Đ. Thời gian tại Chùa Phước Điền còn đó nhiều dấu ấn hoạt động Cách mạng của Hoà thượng với tư cách Ủy viên liên lạc cho chiến khu, của tướng Huỳnh Văn Nghệ (Tám Ngãi).

Năm 1955, Hoà Thượng được Giáo hội Phật giáo Lục hoà Tăng và Lục hoà Phật tử bổ nhiệm làm Trụ trì Thanh Lương cổ tự, một trong những danh lam di tích cổ nổi tiếng ở miền Đông Nam Phần Việt Nam được xây dựng vào năm 1684. (đến nay 324 năm)

Năm 1967, Hoà Thượng được tiến cử vào chức vụ Phó Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Biên Hoà, do Hoà Thượng Thích Trí Tấn làm Tăng Trưởng.

Với cương vị trên, Hoà Thượng luôn tinh tấn trong mọi công việc Phật sự, phụng sự Đạo pháp, giúp đỡ Tăng Ni tu học, giúp Dân, giúp Nước. Hoà Thượng là vị Tăng Già mẫu mực tại Biên Hoà cũng như miền Đông, xứng đáng kế thừa sự nghiệp lớn lao tại Thanh Lương cổ tự của Sư Tổ truyền lại, cho dù trải biết bao thăng trầm của đất nước, Hoà Thượng vẫn trung thành với Tông phong Đạo pháp, tiến tu Đạo nghiệp, giữ gìn Thanh Quy Bách Trượng như Ngài Sư Tổ còn tại thế.

Hoà Thượng là một Sa Môn, nhiệt quyết, dương cao ngọn cờ trí huệ, nổ lực góp phần các Phật sự thành công viên mãn tại các Đàn Giới lớn gọi là “Tam Đàn Thánh Lễ”, như Giới Đàn Hưng Long Cổ Tự năm 1950; Giới Đàn Long Sơn Cổ Tự năm 1956; các Giới Đàn được Giáo Hội Phật Giáo Cổ truyền và Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai tổ chức tại Long Thiền Tự vào các năm 1967, 1978, 1982, 1987, 1990, 1992, 1995, 1998, 2002. Giới Đàn Thanh Long Cổ Tự 1970. Giới Đàn Bửu Phong Cổ Tự năm 1980. Giới Đàn Huệ Thành 2002, 2004. Hoà thượng được cung thỉnh làm Đàn Đầu Truyền Giới cho 3.548 Giới-tử, trong đó gồm có Giới tử Tỳ Kheo, Sa Di, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, Sa Di Ni và Bồ Tát, Thập Thiện giới thọ học.

Trong những năm 1966, 1967 Hoà Thượng là vị Giáo phẩm nâng đỡ sự tu học cho Tăng Ni Môn phong, vượt khó khăn qua việc Chính quyền bắt bớ chư Tăng đi quân dịch, là một trong các hàng Lãnh đạo Giáo hội Cổ truyền vận động, tuyên truyền, hô hào đoàn chư Tăng biểu tình xuống đường chống Chánh quyền Trần Văn Hương bắt tu sĩ đi quân dịch và sự việc này đạt đến kết quả: Chính quyền nhượng bộ và cấp giấy hoãn dịch cho chư Tăng tự do tu hành.

Năm 1982, Hoà Thượng tham dự Hội nghị Phật Giáo Cứu Quốc, kỷ niệm những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Được cử vào Hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ, tại Tổ Đình Giác Lâm, Thành Phố Hồ Chí Minh, do Hoà Thượng Thích Minh Nguyệt Chủ Trì. Quá trình hoạt động của Hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ do Hoà Thượng Thích Minh Nguyệt, nguyên là Hội Trưởng, Hoà thượng Thích Huệ Thành nguyên là Ủy viên Mặt trận Liên Việt Đệ Nhất Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ, kiêm Hội Trưởng Hội Phật Giáo Cứu Quốc Tỉnh Biên Hoà 1946 – 1955.

Năm 1981, Hoà Thượng là Đại Biểu chính thức tham dự Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, tại Chùa Quán Sứ, Thủ Đô Hà nội.

Tại Đại hội Phật giáo Đồng Nai lần dầu tiên vào năm 1982 Hoà Thượng được cử làm Phó Ban Thường Trực BTS Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai khóa I, nhiệm kỳ 1982 – 1985.

Với đức độ và uy tín của Hoà Thượng, Ngài được suy cử giữ nhiều chức vụ và tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong Giáo Hội và ngoài Xã Hội. Năm 1986, Hoà Thượng được cử làm Uỷ viên Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Đồng Nai khoá II, đắc cử Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Đồng Nai khoá III & IV.

Do Hoà Thượng có nhiệt tâm, tận tuỵ phục vụ công tác Phật sự đúng theo phương châm hành động của Trung Ương Giáo Hội là “ Đạo pháp Dân tộc Chủ nghĩa Xã hội”, nên được Tăng Ni Phật tử tỉnh Đồng Nai tín nhiệm bầu Hoà Thượng giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội kiêm Trưởng Ban Tăng sự Tỉnh hội từ khóa II đến khoá V, tại các kỳ Đại Hội Phật Giáo Tỉnh.

Hoà Thượng cũng được suy cử là Thành viên Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, được bầu vào Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ khoá II đến khóa V, với chức vị Ủy viên Hội Đồng Trị Sự.

Qua các chức vụ trên,với tác phong đạo hạnh khiêm tốn Hòa Thượng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trước Giáo Hội và Tăng Ni Phật Tử trước Đạo Pháp và Dân Tộc .

Tuy bận rộn nhiều Phật sự, nhưng trong các kỳ lễ lượt như Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành đạo….Hoà Thượng luôn có mặt để chủ trì các cuộc lễ lớn hàng năm của Tỉnh Hội . Ngoài ra Hoà Thượng còn được cung thỉnh giữ chức vị Thiền Chủ của 15 khoá An Cư Kiết Hạ do Tỉnh Hội tổ chức. Đồng thời là chứng minh Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai khoá III, IV & V. Hiện nay Hòa Thượng là chứng minh Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai khóa VI.

Suốt quá trình 50 năm phục vụ cho Phật giáo Lục hòa Tăng, Lục hòa Phật tử và Phật giáo Cổ truyền, 26 năm phục vụ cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Hoà Thượng là một bậc lãnh đạo đầy lòng từ bi quãng đại được Tăng Ni Phật Tử trong Tỉnh gần xa mến mộ quý kính.

Hoà Thượng là long tượng của Phật Giáo Cổ Truyền và của Phật Giáo tỉnh Đồng Nai, cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của Hoà Thượng là một tấm gương sáng, là ngọn đuốc soi đường cho hàng Giáo phẩm Tăng Ni Phật tử trên bước đường tu học hành đạo, phục vụ chúng sanh hôm nay và mai sau.

Để tuyên dương những công lao to lớn mà Hoà Thượng đã cống hiến cho Đạo và Đời, Hoà Thượng được Uỷ ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã trao tặng Huy Chương Vì Sự Nghiệp Đoàn Kết Toàn Dân – Tỉnh ủy Đồng Nai tặng Huy hiệu 300 năm Biên Hoà, Đồng Nai – Phật Giáo Cổ Truyền tưởng niệm công đức Hoà Thượng – Trung Ương GHPGVN tặng bằng Tuyên Dương Công Đức tại Đại hội Phật giáo Toàn Quốc lần thứ V&VI tại Thủ Đô Hà Nội – Hòa thượng được Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Đồng Nai Tôn vinh “Người tốt Việc Tốt” ngày 19/05/2003. Ngoài ra, còn nhiều Bằng khen, Giấy khen của Nhà nước tỉnh Đồng Nai, Thành phố Biên Hoà, các Hội Đoàn trao tặng.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu