Cập nhật lúc 02:00:19 10-12-2019 (GMT+7)

TP.HCM: Trọng thể kỷ niệm 35 năm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam

Sáng ngày 8-12, trong niềm hân hoan của hàng ngàn Tăng Ni sinh, Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, tại cơ sở 2 học viện (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).

Quang lâm chứng minh và tham dự có: Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng học viện; Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp Chủ HĐCM; chư Tôn Trưởng lão Hoà thượng HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHGPVN; HT.Thích Thiện Pháp, HT. Thích Thanh Nhiễu – đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Giác Toàn – phó Chủ tịch HĐTS, phó Viện trưởng thường trực học viện; HT.Thích Thiện Tâm, HT. Thích Gia Quang, HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Đào Như, HT. Thích Khế Chơn, HT. Thích Quảng Xã, TT. Thích Thanh Quyết – đồng Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; cùng chư Tôn đức HĐTS, văn phòng 2 TƯ, Ban Trị sự các tỉnh thành; Hội đồng điều hành, Ban giảng huấn và hàng ngàn Tăng Ni các khoá tại học viện.

 Đại lễ còn trân trọng đón tiếp Trưởng lão Hoà thượng Tep Vong – Tăng Vương Phật giáo Campuchia; Trưởng lão Hoà thượng Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Hội Tịnh độ tông Nhật Bản, chứng minh Hội Phật giáo VN tại Nhật Bản; cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo và đại biểu Phật giáo các trường Đại học Quốc tế.

Về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính quyền các cấp có sự hiện diện của: ông Trương Tấn Sang – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Lê Thanh Hải –  nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; cùng đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQ VN; Cục An ninh đối nội Bộ công An; chính quyền các cấp Tp.HCM và điạ phương đồng tham dự.

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng thường trực học viện, trưởng Ban tổ chức Đại lễ đã nhấn mạnh: “Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, bên cạnh sứ mệnh thiêng liêng là hộ quốc an dân thì dấu son rõ nét nhất mà Phật giáo thời cận hiện đại đã, đang và tiếp tục đóng góp là sự ra đời của Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964, đánh đấu nền giáo dục đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1984, sự ra đời của Trường cao cấp Phật học Việt Nam tiếp nối sứ mệnh giáo dục Phật giáo, mở ra một chương sử mới của giáo dục Phật giáo Việt Nam thời cận đại.”

Hoà thượng cũng cho biết, với sự nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của nhị vị trưởng lão Phó Pháp Chủ GHPGVN kiêm Viện trưởng, Hội đồng điều hành, các giảng viên, mạnh thường quân qua các thời kỳ, Học viện PGVN tại TP.HCM đến nay đã trở thành trường đại học Phật giáo lớn nhất Việt Nam.

Hoà thượng lại khẳng định: “35 năm một chặng đường, tuy không dài đối với một trường đại học nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực và quyết tâm mà thầy trò chúng tôi đã đóng góp vào sự phát triển giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài, cung ứng nguồn nhân sự cho GHPGVN, phụng sự đạo pháp và dân tộc”.

Tại buổi lễ, TT.Thích Quang Thạnh – Tổng Thư ký Hội đồng điều hành Học viện khái quát công tác đào tạo, giảng dạy và những thành quả của học viện đã đạt được (1984 – 2019).

  Theo đó, Trong suốt chặng đường 35 năm hoạt động giáo dục, học viện đã và đang đào tạo được 8.621 Tăng Ni sinh viên theo học các chương trình: cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học. Hiện nay, học viện đã có 4.717 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp cử nhân Phật học và 22 thạc sĩ Phật học; đồng thời đang đào tạo 2.907 Tăng Ni sinh viên ở 04 cấp học: cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học.

Bắt đầu từ năm 2007 đến nay, Học viện đã chuyển đổi từ hệ thống đào tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ và phát triển thành 10 khoa với lực lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 118 vị và 53 vị thỉnh giảng.

Để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các Tăng Ni sinh trong lĩnh vực học thuật, Học viện đã thành lập thư viện tại cơ sở II gồm 27.688 quyển sách, 12.315 tựa sách với tổng số tiền đầu tư là 6 tỷ đồng hoạt động từ năm 2017 đến nay.

Sau khi cơ sở 2 của Học viện được thành lập từ năm 2016, với 23,8 hecta đất; để nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức Phật học và đạo hạnh cho các Tăng Ni sinh; Hoà thượng Viện trưởng đã chỉ đạo thực hiện tổ chức lối sống tu học nội trú khép kín cho các Tăng Ni sinh trong thời gian 04 năm học tập và miễn phí 100% các chi phí.

Đặc biệt, Hội đồng Điều hành Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà GHPGVN giao phó, đạt kết quả tốt đẹp trong công tác đào tạo nguồn năng lực trẻ Tăng Ni cho GHPGVN; mở rộng quan hệ quốc tế với các trường đại học và các tổ chức Phật giáo trên thế giới trong lãnh vực học thuật; đặc biệt mở rộng, phát triển và xây dựng cơ sở mới học viện xứng tầm một trường đại học có tầm cỡ quốc tế; nhất là tham gia công tác khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ thiện và an sinh xã hội.

  Dịp này, để ghi nhận những đóng góp của Học viện đối với đất nước và Giáo hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định trao bằng khen danh dự cho tập thể học viện. Cùng đó, Bằng tuyên dương công đức của GHPGVN, Bằng khen của Uỷ ban nhân dân TP.HCM cũng được trao cho các tập thể và cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục.

 Tại buổi lễ, Ban thường trực HĐTS cũng thông qua quyết định bổ nhiệm nhân sự Hội đồng điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM (nhiệm kỳ 2019 – 2022) gồm 18 thành viên, do Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng đương nhiệm Viện trưởng và  HT.Thích Giác Toàn, TT.Thích Nhật Từ – đồng phó Viện trưởng thường trực, TT.Thích Quang Thanh – phó Viện Trưởng kiêm Tổng thư ký.

Nhằm đánh giá cao đạo nghiệp, trí tuệ và những đóng góp của người đứng đầu học viện PGVN tại TP.HCM, dịp này, Trường Đại học Phật giáo Preah Sihanouk Raja (vương quốc Campuchia) và Trường đại học Swami vivekanand Subharti (Ấn độ) cũng trân trọng trao Bằng Tiến sĩ Danh Dự đến Hòa thượng Viện trưởng Thích Trí Quảng.

Nhân kỷ niệm 35 thành lập Học viện PGVN tại TP.HCM, ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ, và ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng có lời phát biểu chúc mừng thành công của học viện.

Thay mặt cho Trung ương GHPGVN, HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đồng thời là một giáo thọ sư từng có thời gian dài giảng dạy tại học viện, phát biểu nhận định: “Với niềm tin vào sự nghiệp giáo dục sẽ đánh thức mọi tiềm năng Phật giáo và phát triển Giáo hội mà Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM thành tựu trong 35 năm qua, đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, đào tạo thế hệ kế thừa phụng sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”

Trong giờ phút quan trọng của lễ kỷ niệm, đại chúng cùng lắng đọng thân tâm nghe lời đạo từ của Hòa thượng Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật HĐCM, Viện trưởng Học viện.

Nền giáo dục Phật giáo VN nói chung và Học viện PGVN tại TP.HCM có được như ngày hôm nay, công đức đầu tiên phải nhắc đến là cố Trưởng lão Đệ nhất Pháp Chủ HĐCM, kế đến là Trưởng lão phó Pháp Chủ Thích Minh Châu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng quý lãnh đạo Bí thư Thành uỷ TP.HCM qua các thời kỳ.

 Mong rằng sau này, chúng ta sẽ có điều kiện tốt để học tập và nghiêng cứu. Hoà thượng mong muốn tất cả mọi người cùng biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, thế giới sẽ hoà bình, chúng sanh sẽ an lạc. Hoà thượng cũng nhắc nhở toàn thể Tăng Ni sinh, tuy đường tu học còn nhiều khó khăn nhưng chỉ cần quyết tâm chúng ta có thể vượt qua được tất cả, để vững tiến trên bước đường cầu đạo Giác Ngộ.

Hoà thượng khẳng định “Sự kiện kỷ niệm 35 năm thành lập là sự kiện mở đầu tốt cho mối quan hệ giữa học viện với các tổ chức Phật Giáo trên thế giới.”

Một số hình ảnh của buổi lễ:

                        

Tâm Giao, ảnh: Đăng Huy
Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu