Cập nhật lúc 06:54:33 12-05-2020 (GMT+7)

Tu học trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội

Trước sự hoành hành dữ dội của đại dịch Covid-19 ở Bắc Mỹ, các tự viện và trung tâm Phật giáo tại khu vực này đã tạm dừng hoạt động để hạn chế nguy cơ lây nhiễm và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Dù vậy, các thành viên và cộng đồng nơi đây vẫn có thể tiếp cận nhiều chương trình Phật học và thực hành tại nhà, được kết nối qua các hình thức truyền thông đa phương tiện, với nội dung tu học đa dạng được thiết kế để mọi người lựa chọn và tham gia.

Tinh thần học Phật không gián đoạn

Tại Canada, Trung tâm Phật pháp Canada (The Dharma Centre of Canada, Ontario) - tổ chức phi tôn giáo được thành lập năm 1966, vẫn duy trì hoạt động thông qua việc cung cấp các chương trình pháp thoại trực tuyến cho cộng đồng.

2.jpg
Trung tâm Phật học Barre (Massachusetts, Hoa Kỳ) cung cấp các khóa tu tại chỗ và trực tuyến cho cộng đồng

Đặc biệt, trung tâm thực hiện chương trình hội thảo qua mạng internet định kỳ 2 lần mỗi tuần, với chủ đề vô cùng thiết thực trong tình hình hiện nay: “Vượt qua sợ hãi về bệnh tật: Quán niệm Đức Phật Dược Sư” (tạm dịch từ Overcoming the Fear of Illness: Meditation on Medicine Buddha). Các buổi pháp thoại trực tuyến của trung tâm được bắt đầu từ cuối tháng 3, tập trung vào “nỗi sợ hãi về bệnh tật, mất mát và cái chết” - những vấn đề không của riêng ai trong cơn đại dịch này.

Tại Hoa Kỳ, từ đầu tháng 4, Trung tâm Phật học Barre (The Barre Center for Buddhist Studies - BCBS, bang Massachusetts) vốn nổi tiếng với các chương trình Phật học Nguyên thủy cũng thiết kế và cung cấp các lớp học trực tuyến với nhiều nội dung thú vị như: “Bày tỏ điều không thể diễn bày trong thơ Thiền” (Expressing the Inexpressible in Zen Poetry), “Định và sự khởi nguồn độc lập” (Jhanas and Dependent Origination).

Cũng trong tinh thần học Phật không gián đoạn này, Trường Phật học Maitripa (Maitripa College, bang Oregon) - trung tâm Phật giáo và thiền tập phi lợi nhuận của Tây Tạng, đã mời cộng đồng quan tâm tham gia chương trình livestream Phật pháp và thực hành thiền trên kênh YouTube theo lịch định kỳ vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra, các nội dung về thiền Tứ niệm xứ và thiền Tâm từ được Trung tâm Thiền nội quán Spirit Rock (The Spirit Rock Insight Meditation Center, bang California) khai giảng và duy trì trực tuyến từ ngày 19-4.

“Nhu cầu tu học theo giáo lý của Đức Phật hiện giờ mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào - khi chúng ta đang cùng nhau vượt qua cơn dịch bệnh gây nhiều mất mát và sợ hãi trên toàn cầu này. Cùng nhau và tự thân mỗi người, chúng ta có thể nhận diện rằng hoàn cảnh bất như ý hiện tại cũng chính là môi trường để thực hành lời Phật dạy, biết ơn Đức Phật và cảm ơn nhau trong giai đoạn khó khăn này.

Chúng ta cũng thấy được giá trị thực tế của việc tu học trực tuyến qua những chia sẻ chân tình của các thành viên. Đây chính là cảm hứng và động lực để mọi người kết nối, sẻ chia và nâng đỡ nhau về mặt tinh thần dù chỉ là qua không gian mạng”, thông điệp được nhắn gửi trên trang thông tin của trung tâm.

Còn ở thành phố New York và California, tại hai tu viện Bích Nham và Lộc Uyển, các giáo thọ sư của Trung tâm Tu học Quốc tế Làng Mai cũng chia sẻ Phật pháp trực tuyến đến cộng đồng. “Trong những bước chân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” (In the Footsteps of Thich Nhat Hanh) là chủ đề các nội dung tu học được trực tuyến từ cuối tháng 3 qua; gồm các pháp thoại, thiền tập có hướng dẫn và thảo luận.

“Đây là cơ hội đặc biệt để kết nối sâu trong sự thực hành của truyền thống và cộng đồng Làng Mai… Chúng tôi hy vọng chương trình này là nguồn chất liệu tu học và hiểu biết để mọi người có chỗ nương tựa và định tĩnh trong cuộc sống hàng ngày”, chia sẻ của Denise Nguyen.

Các chương trình Phật học trực tuyến miễn phí

Từ khi đại dịch Covid-19 lây lan rộng khắp các châu lục, hệ thống giáo dục thế giới cũng chịu nhiều biến động nghiêm trọng. Kể từ tháng 3, nhiều trường đại học trên toàn cầu đã ngừng giảng dạy ở giảng đường và chuyển sang dạy - học online. Để hỗ trợ nhu cầu này, nhiều tổ chức và diễn đàn giáo dục cùng triển khai các lớp học trực tuyến, trong đó có nhiều chương trình Phật học chuyên sâu miễn phí, dành cho tất cả các đối tượng.

4.png
Thông tin về các khóa Phật học miễn phí trên website của edX

Cụ thể, các tổ chức chuyên cung cấp khóa học trực tuyến đại chúng của Hoa Kỳ như Coursea (do các giáo sư Đại học Stanford thành lập) và edX (được vận hành bởi Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard) đã mở hàng ngàn khóa học online cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các trường đại học, các tổ chức và cá nhân có thể đăng ký tham gia các chương trình học của Coursea và edX. Tại Trung Quốc, chi nhánh Đại học Duke ở thành phố Côn Sơn (tỉnh Giang Tô) là trường đại học đầu tiên tham gia hệ thống đào tạo trực tuyến này khi sinh viên của trường không thể đến giảng đường vì dịch bệnh.

Hiện có 4 khóa Phật học online miễn phí được hỗ trợ bởi các hệ thống giáo dục này, đó là:

Khóa học “Các triều đại Trung Quốc đầu tiên và Sự phát triển của Phật giáo” (China’s First Empires and the Rise of Buddhism) được liên kết giữa Đại học Harvard và edX. Tham gia giảng dạy trong chương trình có các giáo sư Đại học Harvard như: giáo sư Trung Quốc học William C. Kirby, giáo sư Ngôn ngữ học Đông Nam Á Peter K. Bol,... Đây là khóa học chuyên sâu về các bối cảnh và nhân vật lịch sử đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc.

3.png
Hình ảnh giới thiệu khóa học "Phật giáo qua Kinh văn" từ video

Khóa học “Phật giáo và Tâm lý học hiện đại” (Buddhism and Modern Psychology) được phối hợp giảng dạy bởi Viện Đại học Princeton (New Jersey) và Coursea. Chương trình học này được xếp vào top “100 khóa học của mọi thời đại”. Chủ nhiệm khóa học là nhà tâm lý học Robert Wright, tác giả quyển sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn: Tại sao Phật giáo đúng: Khoa học và Triết học của Thiền định và Sự giác ngộ (Why Buddhism is True: The Science and Philosophy of Meditation and Enlightenment, xuất bản năm 2017).

“Dòng sông Phật giáo Ấn Độ - Tây Tạng” (Indian and Tibetan River of Buddhism) là khóa học của Đại học Columbia (New York) và edX. Nội dung chương trình do Giáo sư Robert Thurman xây dựng, giúp người học truy nguyên sự phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ, sự giới thiệu Phật giáo đến Tây Tạng trong tiếp biến với văn hóa bản địa. 

Khóa học “Phật giáo qua Kinh văn” (Buddhism Through its Scriptures) là sản phẩm liên kết giữa Đại học Harvard và edX. Giáo sư Charles Hallisey là người khởi xướng và cùng xây dựng nội dung học phần với nghiên cứu sinh Phật học Alexis Bader. Trong chương trình, đa dạng các bản kinh văn viết tay; các bài thơ, triết lý, các tác phẩm nghệ thuật và văn học Phật giáo điển hình của nhiều nền Phật giáo thế giới được lựa chọn đưa vào khảo cứu.

Đăng Minh

(Nguồn: The Buddhist Door, Lion’s Roar, CNBC)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu