Việc làm thách thức pháp luật
Chùa Hải Giác là một trong 3 ngôi chùa mà Ni sư Đàm Chính được quyền hợp pháp kiêm nhiệm trụ trì. Được biết, nhiều người dân và Phật tử tại Hạ Mỗ đều rất kính trọng Ni sư Đàm Chính.
Tam quan chùa Linh Tiên, di tích lịch sử quốc gia - Ảnh: Chương Phượng
Một công an viên xã Hạ Mỗ chia sẻ: “Thầy (tức Ni sư Đàm Chính - PV) càng nhẫn bao nhiêu thì họ (chỉ nhóm người ở thôn Cao Xá, Đức Thượng) càng lấn lướt bấy nhiêu. Trong suốt một năm qua, thậm chí chỉ mới cách đây vài ngày, một số đối tượng đến tận chùa Hải Giác đe dọa Ni sư Đàm Chính, khiến công an xã phải luôn túc trực để ngăn chặn, can thiệp. Họ vào làng chúng tôi tuyên truyền nói xấu về Ni sư Đàm Chính, muốn người dân ở Hạ Mỗ này cũng đuổi Thầy đi. Nhưng chính quyền và người dân ở Hạ Mỗ đều hiểu, luôn động viên, tạo điều kiện cho Thầy. Người dân ở đây luôn dang rộng vòng tay chào đón Thầy trở về”.
Đồng thời, công an viên này cũng cho biết thêm sự tình xung quanh vụ việc nhóm người xã Đức Thượng chiếm chùa Linh Tiên. Cách đây vài tháng, nhóm người này phá các phòng ngủ và phòng làm việc của Ni sư Đàm Chính ở chùa Linh Tiên, chặt những cây sưa, phá vườn hoa lan ở trong chùa Linh Tiên, rồi quay clip đưa lên Facebook.
“Chúng tôi và người dân ở xã Hạ Mỗ xem clip họ đăng lên Facebook mới biết chuyện phá phách ở chùa Linh Tiên. Không những thế, họ còn đưa ra những lời thách thức chính quyền huyện Hoài Đức. Họ chửi bới trong clip, thể hiện sự coi thường pháp luật. Tại sao nhóm người đó lộng hành ở một di tích lịch sử cấp quốc gia, mà chính quyền thôn lại dung túng, chính quyền huyện xã lại im lặng, để họ tác oai tác quái. Chúng tôi thấy rất lạ”, công an viên xã Hạ Mỗ chia sẻ.
Ni sư Thích Đàm Chính cho hay: “Tôi trụ trì 3 ngôi chùa, nhưng hộ khẩu thường trú đăng ký ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Tất cả giấy tờ tùy thân của tôi hiện vẫn để trong phòng tại chùa Linh Tiên. Hôm xảy ra sự việc họ đẩy tôi ra khỏi chùa, tôi muốn vào để lấy các giấy tờ tùy thân và nhiều thứ quan trọng khác, nhưng họ ngăn cản không cho vào. Sau đó, tôi yêu cầu công an niêm phong phòng ngủ, phòng làm việc, trong đó có máy tính và nhiều tư liệu quan trọng của tôi. Tôi đã đệ đơn đến các cấp chính quyền, Ban Thanh tra, Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo của huyện đề nghị vào cuộc ngăn chặn hành vi của họ. Nhưng giờ nghe nói nhóm người ở thôn Cao Xá đã phá cửa các phòng đó”.
Khi chúng tôi đến thôn Cao Xá và chùa Linh Tiên để tìm hiểu, cổng chùa vẫn mở nhưng khi vào trong để xin chụp ảnh, liền có người xuất hiện ngăn cản. Trong quá trình tìm hiểu thông tin từ cư dân địa phương, chúng tôi được một số người khuyên: “Chú đi vào đây viết báo phải cẩn thận, kẻo bị đánh đấy! Bây giờ hỏi người dân, không ai dám nói đâu. Chùa thiếu vắng sư trụ trì hơn một năm nay, không có người phục vụ tín ngưỡng cho dân, phần đông người dân rất mong muốn Thầy trở về chùa. Một số người dân đã đề đạt lên chính quyền thôn, xã xin đi thỉnh đón Ni sư Đàm Chính về, thế nhưng bị một nhóm người dọa nạt, uy hiếp, còn bị họ đem phân đến đổ vào nhà, nên bây giờ ai cũng sợ, không dám lên tiếng”.
Sau khi chúng tôi kiên trì thuyết phục, một người dân Cao Xá đã đồng ý tiết lộ thêm về sự việc, nhưng yêu cầu giấu tên. Được biết, sự việc “đuổi sư” ra khỏi chùa Linh Tiên xuất phát từ một số người có ý muốn chiếm chùa mưu lợi hưởng lộc. Họ đưa ra lý do rằng đây là Linh Tiên quán, tức là quán của đạo Tiên giáo, chứ không phải chùa của đạo Phật. Vì vậy, không cần sư trụ trì. Nhóm người đó đều cư trú tại thôn Cao Xá Thượng, xã Đức Thượng, có họ hàng gần với trưởng thôn. Hai trong số người này chuyên hành nghề thầy cúng, bói toán. “Tháng Chạp âm lịch năm ngoái (Kỷ Hợi), họ mở đàn lễ tại sân chùa. Ông trưởng thôn dựng hội đó lên, cho bà Ngô Thị Hoa làm trưởng phái của đạo tiên gì đấy, truyền bá, tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan thu tiền của người dân”, người dân Cao Xá nói trên cho hay.
Ngôi chùa "Tam giáo đồng nguyên"
Quyết định số 34-VH/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ngày 9-1-1990, công nhận “chùa Linh Tiên”, hay còn gọi là “Linh Tiên quán”, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo tồn. Đây là một công trình cổ kính với cấu trúc “tiền khánh, hậu chuông” bề thế, mang vẻ đẹp độc đáo, lưu giữ nhiều bảo vật gắn với truyền thuyết về Lã Nam Đế (tức Lữ Gia). Hiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ nhiều bảo vật có nguồn gốc từ chùa Linh Tiên. Cách đây 15 năm, từ tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã thực hiện loạt bài dài 8 kỳ với tựa đề: “Những bảo vật Phật giáo ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia” đăng trên báo Giác Ngộ. Trong đó, dành một kỳ viết về những bảo vật có nguồn gốc từ chùa Linh Tiên ở huyện Hoài Đức.
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, việc phát hiện và nghiên cứu những bản ván in cổ ở chùa Linh Tiên (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) đã làm thay đổi quan điểm của các nhà khoa học về lĩnh vực ấn loát dưới thời phong kiến Việt Nam.
Linh Tiên là chùa, nhưng xét kỹ nơi đây có sự giao hòa giữa Phật giáo và Đạo giáo. Những bản ván khắc ở chùa Linh Tiên có khoảng vài chục tấm, phần lớn khắc in các bài kinh, bài chú của đạo Phật và đạo Lão. Những bản ván này đã được Nhà nước bảo quản, nghiên cứu tại hai địa điểm: Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Bảo tàng Hà Nội).
Trong số những bản ván của chùa Linh Tiên hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có 3 tấm rất quan trọng, còn tương đối nguyên vẹn, cho phép xác định niên đại của các bản ván khắc. Tấm thứ nhất dài 31cm, rộng 25cm, bên lề trái chừa lại một khoảng trống 4cm, phần có chữ chỉ chiếm diện tích 27cm x 24cm. Bên phải bị cưa mất 5 dòng, hiện còn cả thảy 72 ô chữ, nhưng chỉ đọc được hơn 60 ô. (Bên phải, bên trái ở đây là nhìn vào mặt ván để nói, nếu in ra thì sẽ ngược lại). Tấm thứ hai rộng 26cm, dài 54cm, lề phải chừa lại 13cm, lề trái chừa lại 3 cm, phần có chữ chiếm diện tích 38cm x 25cm. Tuy gỗ đã mục nhiều, nhưng còn đọc được khá rõ, phía bên phải bị chuột gặm nhấm mất 6 ô chữ, nên tấm này có 118 ô thì hiện còn đọc được 112 ô chữ. Tấm còn lại rộng 26cm, dài 49cm, lề trái chừa lại 7cm, phần có chữ chiếm diện tích 38cm x 25cm. Tấm này còn đọc được nguyên vẹn 117 ô chữ.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ việc phân tích văn tự, kết luận niên đại của những bản ván khắc này là vào thế kỷ XV, thời Lê sơ, trong khoảng từ năm 1434 đến 1443. Căn cứ vào văn tự, lối sử dụng chữ đủ để khẳng định những ván khắc này được chế tác tại nước ta, cho thấy vào thời đó, chùa Linh Tiên đã tự tổ chức lấy việc in kinh Phật.
Những tấm ván in này có giá trị to lớn trong nghiên cứu tình hình ấn loát thời Lê sơ, cách thức tổ chức, phương tiện, kỹ nghệ in ấn. Văn tự của các bản ván khắc chịu ảnh hưởng của tiếng Hán vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIV, nhưng đã biến đổi theo phong cách riêng của văn tự Đại Việt. Theo cố giáo sư Phan Huy Lê, “Nghề in của nước ta đã có từ thời Lý, nhưng hiện chỉ còn lưu giữ được những bản ván khắc của các thế kỷ gần đây. Ván in kinh phát hiện được ở chùa Linh Tiên là loại ván xưa nhất mà hiện nay ta còn, đồng thời xác định được tương đối về mặt niên đại”.
Người viết không được vào Tam bảo chùa Linh Tiên để quan sát hệ thống tượng Phật. Theo Ni sư Thích Đàm Chính, tượng trong chùa có sự đan xen giữa hệ thống tượng thuộc Đạo giáo và Phật giáo. Trên bệ cao nhất thờ 3 vị thánh: Thiên Thanh, Ngọc Thanh và Thái Thanh - đây là 3 vị thần cai quản cõi trời, cõi dục giới và vô sắc giới. Trên bệ thờ có hệ thống tượng quần tiên tụ hội của Đạo giáo. Nhưng trên Tam bảo cũng bày một số tượng Phật, đặc biệt có tượng Quốc sư Minh Không, trên cửa võng có dòng chữ: “Lý Quốc sư trì tụ chân kinh”. Ở gian tiền đường có 2 vị hộ pháp, được tạo tác to lớn với hình thái giống như hộ pháp trong các ngôi chùa thường thấy. Chùa có tam quan theo quy cách nhà Phật.
“Có thể khởi phát của di tích từ cách đây hơn nghìn năm trở về trước là quán của Đạo giáo, nhưng về sau tại di tích có sự dung hòa của 3 đạo: đạo Phật, đạo Lão, đạo Tiên. Vì vậy, chùa Linh Tiên theo mô-típ “Tam giáo đồng nguyên”, từ đó nhân dân mới gọi là Linh Tiên tự”, Ni sư Đàm Chính nói.
Theo Ni sư Đàm Chính, “từ nhiều năm nay, thỉnh thoảng bà Ngô Thị Hoa đến chùa Linh Tiên, bảo tôi rằng: đây là Linh Tiên quán chứ không phải là chùa, nên không cần sư, chỉ người dân chúng tôi trông coi thôi. Không ngờ, họ có dã tâm chiếm chùa từ lâu rồi”. Ni sư Đàm Chính khẳng định, Linh Tiên là chùa, ít nhất đã 200 năm liên tục có sư trụ trì. Trong chùa có vườn tháp mộ của nhiều sư ở chùa trong quá khứ. Cuối thế kỷ XIX có sư Đàm Cẩn, gái làng họ Nguyễn tu và trụ trì ở chùa Linh Tiên. Thế kỷ XX có sư Đàm Quỳ, rồi đến sư Đàm Lâm và cuối thế kỷ XX là sư Đàm Phúc nối nhau trụ trì tại đây.
“Tôi trụ trì 3 chùa, nên không cấp thiết về chỗ ở. Tất cả các sư đi tu phụng sự Giáo hội Phật giáo, phụng sự người dân, đến khi chết thân trở về với tứ đại, chùa chiền thì vẫn là của người dân địa phương. Tôi không phải là muốn tranh giành chùa Linh Tiên. Nhưng chùa Linh Tiên là chùa - giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội giao cho tôi trông nom chùa, thì tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của Phật giáo. Tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc, thu hồi chùa Linh Tiên để trả về cho Phật giáo, cần ngăn chặn những người âm mưu chiếm chùa vào mục đích riêng, không để họ lợi dụng tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan thu tiền của người dân”, Ni sư Thích Đàm Chính thống thiết bày tỏ.
Chu Minh Khôi - Nguồn: Giác Ngộ