DẪN NHẬP
Đức Phật dạy giới luật chính là nền tảng của Tam vô lậu học, là thềm thang bước lên quả vị giác ngộ giải thoát. Tăng Ni có học giới, giữ giới, đó là tự thân trang nghiêm mà cũng là trang nghiêm Giáo hội, giữ gìn cho ngôi nhà Phật pháp cửu trụ nơi đời. Bên cạnh đó, quy củ thiền môn là pháp thức ứng xử của Tăng Ni trong mọi lĩnh vực tu học cũng như hoạt động xã hội, người đệ tử Phật bất cứ ở thời đại nào cũng phải nắm vững những điều luật này.
Đặc biệt, những vị mang trọng trách điều hành, tổ chức hoạt động Phật sự của một tự viện hay thiền viện không thể lơ là, không biết quy củ thiền môn cũng như Hiến chương Giáo hội. Đồng thời luôn nhớ hành trì giới luật Phật dạy thật nghiêm minh thì mới có thể duy trì, nối nắm đạo mạch Phật pháp dài lâu.
NỘI DUNG
Kinh Tứ Thập Nhị Chương ghi lại, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật thế này: “Kính bạch đức Thế Tôn, làm thế nào người xuất gia như chúng con có thể đến được chí đạo?” Phật dạy hết sức giản dị: Bao giờ các ông quyết tâm dứt tất cả những tham cầu, ngược xuôi, lăng xăng, trong lòng thực sự yên ổn, lặng lẽ thì đến được chí đạo”. Lời dạy giản dị mà thâm thúy của đức Phật đã chỉ ra con đường đưa chúng ta đi đến nơi an lạc giải thoát hiện tiền, không mong cầu ở đâu xa xôi. Nếu Tăng Ni thực hành được lời dạy này của đức Thế Tôn thì ách nạn, chướng duyên nào cũng chẳng làm gì được mình.
Ngược lại, chỉ cần một hành xử bất giác, một ngôn ngữ thiếu chánh niệm thì bất an, khổ não sẽ mở ra cho ta và tha nhân tức khắc. Người có vị trí càng cao thì càng phải quán sát thường xuyên ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, cân nhắc và cẩn trọng từng lời nói, việc làm. Có thế mới vững vàng tiến lên trên lộ trình tu tập và phụng sự đạo pháp.
Thiền sư Linh Nguyên nói: Gần đây người nhậm chức Trưởng lão đắm vào hai thứ duyên nên phần nhiều kiến thức, trí tuệ chẳng minh, bị hai thứ gió lôi cuốn làm mất pháp thể. Một là ứng với nghịch duyên nên đụng chạm nhiều với suy phong, hai là ứng với thuận duyên nên đụng chạm nhiều với lợi phong. Một khi đã bị hai thứ gió đó làm lay động thì sự mừng giận giao nhau ở tâm, sắc uất hiện lên nơi mặt nên đến nỗi pháp môn bị chuốc nhục, kẻ hiền đạt bị chê hiềm. Duy người trí mới hay chuyển nó làm phương tiện nhiếp hóa để dạy cái đẹp, cái tốt cho kẻ hậu lai.
Lời Phật ý Tổ mỗi mỗi đều chẳng trái nhau, cho nên Tăng Ni chúng ta mỗi người tự ý thức, tự mình thanh lọc bản thân. Nếu có duyên sống chung trong một đoàn thể, mọi người đều tuân thủ thanh quy, sống lục hòa, có quy củ, có điều giới thanh tịnh. Nghĩa là làm việc đúng giờ, học tập, tu hành… đâu vào đó, như vậy chúng ta mới tiến được. Nếu nhìn vào cái chùa, vào tập thể thấy trên dưới lẫn lộn, giờ giấc lung tung, không có quy củ gì hết thì nhất định tập thể ấy tu hành không ổn rồi.
Vị Trụ trì có trách nhiệm ổn định cơ sở, sắp xếp mọi sinh hoạt của đại chúng theo quy củ thiền môn. Ngoài ra còn phải nắm vững và tuân theo Hiến chương của Giáo hội, Pháp luật Nhà nước; đồng thời tích cực đóng góp vào những hoạt động an sinh, thiện nguyện của xã hội, xây dựng đạo pháp và dân tộc trên tinh thần “tốt đạo đẹp đời”. Tuy nhiên chúng ta không quên nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là tu tập. Càng có trách nhiệm lớn chừng nào, càng phải lo tu nhiều chừng nấy. Thừa hành các Phật sự xong thì đóng cửa tu tập cho chính mình để có đạo đức, có trí tuệ, có đủ điều kiện hướng dẫn người sau. Nếu chúng ta bỏ quên phần này thì giống như chiếc xe không đổ xăng, như bình ắc quy không sạc, như cục đá bị mài mòn... Người có trách nhiệm lớn phải tự khéo léo sắp đặt, không thể đổ thừa tôi bận quá không tu được. Cho nên tùy duyên, nhưng nhớ lúc nào cũng phải đặt việc tu của mình lên trên.
Thiền sư Hư Vân sau ba năm bái sám ở động đá, Ngài vâng lời Hòa thượng Diệu Liên dạy, người xuất gia tu huệ cũng cần phải tu phước, nên trở về chùa Dũng Tuyền gánh vác các việc nặng nhọc, phục vụ đại chúng, gầy dựng công đức. Dù cực nhọc nhưng không bao giờ khởi niệm phiền lòng. Trong chùa, những khi phân phát đồ cúng dường cho chư Tăng, Ngài đều không nhận. Mỗi ngày, Ngài chỉ ăn một bát cơm mà sức khỏe vẫn tráng kiện.
Năm 56 tuổi, được mọi người suy cử, Ngài đến chùa Cao Mân ở Dương Châu tham dự 12 kỳ thiền thất. Sau khi xuống núi đến bến đò Đại Thông, Ngài men theo bờ sông, gặp lúc nước sông dâng cao không cách nào đi tiếp được. Ngài muốn lên đò qua sông mà không có tiền, lái đò bèn bỏ đi thẳng.
Ngài đành đi dọc theo bờ sông, bất giác trượt chân té nhào xuống nước, chìm nổi suốt một ngày một đêm, trôi đến bờ Thải Thạch, may được ngư dân vớt lên đưa đến chùa Bảo Tích. Lúc ấy mũi, miệng và các khiếu đều ra máu, nhưng Ngài chỉ tịnh dưỡng mấy ngày rồi lại lập tức lên đường đi đến chùa Cao Mân.
Ở Cao Mân, Ngài không đả động gì đến bệnh tật cùng việc mình bị té xuống sông. Tri sự sai ngài làm chức sự trong thiền đường, Ngài do bệnh nặng không thể kham nổi. Pháp quy ở Cao Mân rất nghiêm, được mời làm chức sự mà không tuân theo thì bị kết tội khinh mạn đại chúng, phải bị đánh phạt. Ngài chấp nhận bị phạt không than van gì cả, bệnh lại trở nặng, máu ra không ngớt.
Ngài ở trong thiền đường liều chết công phu, kiên trì tọa hương, chẳng kể ngày đêm, lóng trong, nhất niệm, chẳng còn biết đến thân thể ra sao. Qua hơn 20 ngày thì các bệnh tự khỏi. Thiền sư Đức Ngạn trụ trì chùa Bảo Tích ở bến Thải Thạch đem pháp phục, tứ sự đến chùa Cao Mân cúng dường đại chúng, thấy Ngài sắc diện tươi sáng thì vừa kinh ngạc vừa hoan hỷ, bèn đem chuyện Ngài bị té xuống sông kể lại cho mọi người nghe, ai nấy đều cảm phục, tán thán không ngớt.
Từ đó về sau, Ngài được an ổn tu hành, công phu càng tiến bộ, muôn niệm đều dứt, đêm ngày nhất như, thân tâm vui sướng lạ thường, đi lại hành động nhẹ nhàng như bay.
Các bậc thầy đi trước đã nêu tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Các Ngài bận đủ thứ công việc, nhưng tới giờ ngồi thiền là ngồi thiền, tới giờ tụng kinh là tụng kinh. Để chi? Để lấy lại nội lực. Nếu không, cả ngày xài hết không thêm vào thì bình cạn, đâu thể hoạt động được nữa. Phải làm sao điều hòa thân tâm. Chúng ta có trách nhiệm mà không chuẩn bị được như thế thì sẽ không còn thì giờ để tu. Thời gian quý lắm, chúng ta nên khéo léo dành dụm để mà tu.
Tăng Ni càng ứng dụng Phật pháp bao nhiêu thì càng lợi lạc bấy nhiêu, càng cảm kích bội phần trí tuệ và nguồn tâm của đức Phật. Ngài đã khai mở cho chúng ta một nguồn hạnh phúc chân thật, vô biên, bình đẳng vô phân biệt. Sức mạnh của hàng sa-môn có được cũng từ chính bản tâm và nguồn trí lực ấy. Cho nên người không đủ đạo đức, công phu không cao dày, tâm lực nguyện lực không hùng mạnh thì không thể gánh vác nổi trách vụ này.
KẾT LUẬN
Tăng Ni hoàn thiện đầy đủ phẩm chất thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già, làm tròn bổn phận trách vụ của một vị Trụ trì, nghĩa là chúng ta đang thực hiện pháp tu tự lợi, lợi tha của Bồ-tát. Sống vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông nên người giữ cương vị lãnh đạo một tập thể hay đoàn thể phải là người phát tâm lập hạnh Bồ-tát. Đây là một đại hạnh đại nguyện, chớ không phải việc tầm thường. Một bậc thầy, một vị lãnh đạo đầy đủ đạo đức, trí tuệ và hết lòng vì đạo pháp mới có thể viên mãn công đức tu hành và thành tựu Phật đạo.
Sau cùng, thành kính chúc nguyện chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội thân tâm thường lạc, trí tuệ viên minh, đầy đủ tâm lực và nguyện lực phụng sự Giáo hội, đạo pháp và dân tộc. Kính chúc Tăng Ni luôn an hòa tinh tấn tu học, trang nghiêm tự thân bằng giới định tuệ, tùy nguyện tùy duyên lợi mình lợi người, hoàn thành sứ mệnh của một người con Phật, giác ngộ giải thoát và lợi lạc chúng sanh viên mãn.
***
Ảnh: Ban TTTT PG tỉnh Đồng Nai