Các pho tượng Phật, Bồ-tát Nhật Bản, chất liệu đồng và gỗ sơn thếp, thế kỷ XIX-XX
Được biết, triển lãm được nhà sưu tập (NST) Ngô Thị Thương (hay còn gọi là Mười Thương), lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng, trưng bày 111 pho tượng Phật cổ lớn nhỏ, độc đáo, được chế tác, chạm trổ trên những chất liệu đa dạng như đồng, gốm, sứ, gỗ, ngọc, hổ phách, san hô… Trong đó, đặc biệt phải nói đến 80 pho tượng Phật với niên đại cổ xưa của Việt Nam cũng như các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, Thái Lan, Campuchia...
Nhà sưu tập Ngô Thị Thương (Mười Thương)
Thông qua đó, các pho tượng cổ cũng phần nào phản ánh trình độ nghệ thuật, sự tỉ mỉ, chỉn chu, cùng bàn tay tài hoa, điêu luyện của người nghệ nhân thủ công xa xưa trong việc chế tác những hình tượng, hóa thân khác nhau của chư Phật, chư vị Bồ-tát, toát lên vẻ mặt hiền hòa và nhân ái, mà theo tác giả của bộ sưu tập là “các pho tượng được tạc ngày nay khó có được”.
Sau hơn 30 năm rong ruổi sưu tầm khắp trong và ngoài nước, đặc biệt trên các sàn đấu giá quốc tế, để có được bộ sưu tập tượng Phật cổ “tâm đắc” và giá trị như vậy, NST Mười Thương tâm sự: “Đối với tôi, mỗi pho tượng Phật hiện diện ở đây đều là cả một câu chuyện lịch sử hay khủng khiếp, giá trị nằm ở đó chứ không chỉ ở niên đại và vẻ đẹp. Nó tạo nên cái thần lạ kỳ trong mỗi pho tượng, chiêu cảm tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên và đó cũng là yếu tố tiên quyết để tôi quyết tâm thỉnh tượng về. Phần hồn của mỗi pho tượng Phật cổ quan trọng lắm”.
Tượng Phật Việt Nam, chất liệu đồng, thế kỷ XV
Các pho tượng Quan Thế Âm, Di Lặc - chất liệu gốm, thế kỷ XIX - XX
Có thể thấy bộ sưu tập lần này không có quá nhiều tượng Phật cổ Việt Nam được trưng bày, mà hầu hết là các pho tượng Phật cổ Nhật Bản. Về điều này, NST Mười Thương cho biết, bản thân thật sự bị thu hút bởi những pho tượng Phật cổ từ Nhật Bản bởi vẻ cân đối, từng chi tiết được chạm trổ tinh xảo và hài hòa đạt đến đỉnh cao, thêm vào đó là những truyền thuyết, những dữ liệu lịch sử đầy kịch tính và giá trị nhân văn đằng sau pho tượng.
Nói như vậy không có nghĩa tượng cổ Việt Nam không sánh bằng. Những pho tượng Phật cổ Việt Nam trong bộ sưu tập cũng được NST Mười Thương chú trọng không kém, đặc biệt mỗi khi có pho tượng cổ nào xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế. Bởi với bà, tượng Phật Việt có vẻ đẹp mộc mạc, toát lên khí chất và đường nét đặc thù, phản ánh từng giai thoại lịch sử, mà chính bà - con người Việt Nam - là một phần trong đó.
Theo NST Mười Thương, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều cổ vật của các quốc gia bị “chảy máu” sang nước ngoài, và Việt Nam cũng vậy, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh và hậu chiến, khi nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng. Cho đến nay, khi kinh tế ổn định và phát triển hơn, chúng ta phải chứng kiến nhiều báu vật, cổ vật quan trọng của nước mình trôi dạt ở các nước bạn. Được biết, NST Mười Thương đã phải nhiều lần ra nước ngoài đấu giá với tư cách cá nhân, để có thể đưa được tượng Phật Việt Nam trở về.
Tượng Bồ-tát Việt Nam, chất liệu gốm, thế kỷ XIX
Các tượng mang phong cách Nhật Bản, chất liệu gỗ sơn thếp, thế kỷ XVIII - XX
Những pho tượng Phật cổ Việt Nam được trưng bày lần này hầu hết thuộc vào các thời Lý - Trần. Đây là những thời kỳ có nền kinh tế, văn hóa, đặc biệt Phật giáo phát triển hưng thịnh nhất. Do vậy, nhiều chùa, tháp và các tác phẩm điêu khắc, chế tác tượng thờ… cũng được đặc biệt chú trọng. Minh chứng là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng, với kích thước 63x53cm, là tác phẩm mang đậm chất chùa chiền dân gian Việt Nam nhất.
Cổ vật chỉ để ngắm nhìn?
Có thể nói, sau hơn 3 thập kỷ tìm tòi, chắt lọc và cẩn thận nghiên cứu về cổ vật, nhất là tượng Phật cổ, NST Mười Thương đã gửi đến công chúng một bộ sưu tập không chỉ giúp người xem chiêm ngưỡng được đường nét tinh xảo, so sánh được nét cổ đại và hiện đại trong các phong cách điêu khắc khác nhau, mà đây còn là nguồn tư liệu chân thực nhất cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa Phật giáo từ xưa đến nay.
Nhận định về bộ sưu tập tượng Phật cổ lần này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, cho biết: “Đây là bộ sưu tập phong phú, đa dạng về tượng Phật giáo của các nước trong khu vực. Đối với công chúng và giới nghiên cứu mỹ thuật điêu khắc cổ, bộ sưu tập này giúp họ có dịp so sánh, đối chiếu sự tiếp thu, tiếp biến văn hóa mỹ thuật của các nước cùng theo Phật giáo, bắt nguồn từ Ấn Độ truyền đi”.
Tuy nhiên, không đơn thuần “cổ vật chỉ để ngắm nhìn”, mà qua đó, triển lãm lần này còn phản ánh nhiều nỗi trăn trở về việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản lịch sử, truyền thống tốt đẹp…, cụ thể ở đây là tôn giáo, kiến trúc, tượng thờ…, vốn góp phần to lớn để hình thành và duy trì nét văn hóa dân tộc.
Song, có thể nhận thấy rõ một sự thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu của xã hội hiện đại, trong việc chế tác cũng như du nhập tượng Phật giáo. Như NST Mười Thương trăn trở: “Ngày nay, để tìm thỉnh một pho tượng Phật thuần Việt Nam về thờ tự, dường như là không thể. Tượng Phật hiện nay được tạo ra nhằm thương mại hóa một cách đại trà, dung mạo phần lớn bị lai hóa từ phong cách đến nét mặt và đáng buồn hơn là nhìn thật vô hồn”.
Tượng Bồ-tát Nhật Bản, chất liệu gỗ, thế kỷ XX - Ảnh: Diệu Tạng và NVCC
Thật vậy, trên thực tế, không chỉ khó cho các nghệ nhân trong việc gìn giữ lại “cái thần hồn Việt Nam” bên trong một tác phẩm điêu khắc tượng Phật của mình, mà một sự thật khó có thể chối cãi rằng, trước thị hiếu người tiêu dùng hướng ngoại, nghề tạc tượng Phật trong nước cũng đã và đang phải trải qua cuộc cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm du nhập từ nước ngoài, có giá thành tương đối thấp.
Với nền văn hóa gắn liền với Phật giáo hơn 2.000 năm của người Việt, hiện vẫn còn một số chùa thờ những pho tượng tiêu biểu của truyền thống Phật giáo Việt Nam, như chùa Quán Sứ (Hà Nội), Từ Đàm (Huế), Xá Lợi và Ấn Quang (TP.HCM)…, nhưng số lượng ấy ngày một ít đi.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khẳng định: “Rất tiếc, khoảng 20 năm gần đây, sự chuyển biến của Phật giáo được nhìn thấy trên khắp cả nước, không chỉ nở rộ việc xây chùa, mà còn tạo tác tượng Phật theo kiểu mẫu của Trung Quốc, Nhật Bản, hay Thái Lan... Xa hơn thế, còn thêm trang phục, y hậu cũng bày vẽ, chạy theo kiểu mẫu của nước ngoài, may bằng lụa là gấm vóc hoa hòe, sang trọng rất xa lạ, kệch cỡm, làm mất hết nét truyền thống giản dị, thanh nhã vốn có của Phật giáo Việt Nam”.
Nói như vậy để thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức về văn hóa truyền thống ngày nay, lẽ ra những gì gọi là văn hóa thì cần được gìn giữ và phát huy, giờ đây đã - đang bị thay thế và phát triển theo hướng hiện đại, lai tạp. Điều này tạo nên nhiều lo ngại cho nền văn hóa, vốn dĩ là cơ sở để hình thành nên nét đặc trưng của một quốc gia, một dân tộc.
Quay trở lại vấn đề về tượng Phật giáo, NST Mười Thương lo ngại: “Nét hồn hậu trong tượng Phật Việt Nam đã mất đi từ lâu, những bức tượng bây giờ được sản xuất công nghiệp nên đường nét rất vô hồn, giống hệt nhau”; nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trăn trở: “Chùa chiền thuộc GHPGVN nên là tấm gương cho Phật tử, nghĩa là cần tiên phong duy trì nét văn hóa trên tượng Phật Việt Nam. Dù có theo ý tưởng phục cổ hay hiện đại cũng cần nên ghi nhớ, chùa chiền là biểu tượng văn hóa của đất nước, của dân tộc Việt Nam đã có hơn 2.000 năm lịch sử theo Phật giáo. Hơn hết, các bậc tôn túc cần lấy đời sống đạm bạc của ngài Pháp chủ Phổ Tuệ, lễ tang của ngài Trí Quang, làm mẫu mực cho giới Tăng và tín đồ noi gương”.
Giao Hảo - Nguồn: Phật Sự Online