Hôm nay, ngày 20 – 10 năm Kỷ Hợi, 46 năm sau ngày viên tịch của Hòa thượng Tâm Giác, rất đông đảo các tăng ni và phật tử ở mọi miền đất nước đã cùng tề tựu về chính điện chùa Vĩnh Nghiêm để tham gia lễ tưởng nhớ ngày viên tịch của Hòa Thượng. Trong đó có: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm; HT.Thích Như Tín, HT.Thích Tịnh Hạnh - Thành viên Hội đồng Chứng minh; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Ban tăng sự Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM; HT.Yoshimizu Daichi, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản, Chứng minh Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, cùng chư tôn đức ban viện Trung Ương, Văn phòng II, TP.HCM.
Đúng 09h30 sáng, tức giờ Ất Tỵ, nghi lễ được chính thức bắt đầu. Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm, mở đầu với thời kinh A Di Đà của môn đồ đệ tử và nghi thức cung tiến giác linh theo nghi lễ miền Bắc. Tiếp đó, chư tôn đức giáo phẩm đã dâng hương tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Tâm Giác.
Các Tăng Ni bắt đầu hành lễ
Các Tăng Ni và Phật tử đang tụng niệm thời kinh A di đà
Đến gần trưa, chương trình lễ tưởng niệm hoàn tất trong không khí trang nghiêm và trầm mặc của các chúng Tăng Ni và Phật tử.
Được biết chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM là biểu tượng du lịch cho thành phố nói chung và là biểu tượng tôn giáo cho Phật Pháp miền Nam nói riêng. Chùa nằm ở số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Quận 3 – TP.HCM, cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Không rõ vô tình hay hữu ý mà dòng kênh này chạy uốn lượn tạo thành hình một chú tê giác đang nằm với một đoạn kênh vòng quanh tạo hình chiếc sừng rất rõ. Chùa Vĩnh Nghiêm nằm ở vị trí đầu mũi của hình tê giác, phải chăng là cơ duyên của Đức Phật đã thông qua vị trí của chùa gửi đến cho nhân loại thông điệp về việc bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và bảo vệ loài tê giác nói riêng khỏi bị giết hại chỉ để lấy sừng thỏa mãn ước vọng vô căn cứ của con người.
Vị trí chùa Vĩnh Nghiêm (chấm đỏ) trên không ảnh nằm ở vị trí đầu mũi của con tê giác được tạo hình bởi đường đi uốn lượn của dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Ngược dòng lịch sử, từ miền Bắc, hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm vào miền Nam truyền bá đạo Phật, sau đó đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Hai hòa thượng đã lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa gỗ cùng tên ở xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Tạng Giang, tỉnh Bắc Giang; kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Theo lời kể của kỹ sư Bùi Văn Tố trong tư liệu thông tin của chùa Vĩnh Nghiêm thì kỹ sư xây dựng Bùi Văn Tố, đã cộng tác với kiến trúc sư Nguyễn bá Lăng từ lúc khởi đầu dự án xây cất Chùa Vĩnh nghiêm cho đến khi hoàn tất các công trình chính: Phật điện, Bảo tháp, Tháp chuông và Cổng chùa, dưới sự chủ tọa của vị sáng lập chùa là Thượng tọa Thích Tâm Giác.
Thuở ban đầu, Thượng tọa Tâm Giác đã gặp kỹ sư Bùi Văn Tố để nhờ thiết lập hồ sơ kỹ thuật bê tông cốt sắt của chùa Vĩnh Nghiêm. Vì ngân khoản eo hẹp, Thượng toạ Tâm Giác đã thỉnh cầu kỹ sư Bùi Văn Tố hoan hỉ thực hiện công trình này trong tinh thần công quả. Kỹ sư Bùi Văn Tố đã chấp nhận thỉnh cầu ấy.
Sau khi đã xem qua hồ sơ họa đồ kiến trúc và vị trí nơi xây cất, kỹ sư Bùi Văn Tố đã thưa cùng Thượng tọa Tâm Giác là một cơ sở kiến trúc đại quy mô như Chùa Vĩnh Nghiêm lại được dự trù xây cất trên một vị trí nguyên là một cái ruộng rau muống thì e rằng sẽ có nhiều trở ngại lớn: tuy Thượng tọa đã cho lấp ruộng rau muống bằng đất đỏ (laterite), nhưng trên lớp đất mới lấp này không thể thiết kế một thượng tầng cơ sở nặng nề như vậy mà không bị lún rồi sẽ sinh ra nứt nẻ và sụp đổ. Vì lẽ đó, kỹ sư đã đề nghị thực hiện một chương trình thám sát đất quy mô để khảo sát việc khả thi cơ sở chùa trên vị trí dự trù.
Với sự cộng tác của Sở Nghiên cứu Vật liệu Phú An thuộc Bộ Công Chánh, kỹ sư Bùi Văn Tố đã hoạch định chương trình thám sát nầy gồm có hàng chục ổ khoan sâu trong lòng đất, trải đều trên toàn diện vị trí xây cất, lấy mẫu đất ở các độ sâu khác nhau để nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Vật liệu Phú An. Kết quả cho thấy một sự kiện rất bất ngờ: ở độ sâu vào khoảng 6 - 7 m dưới mặt đất bằng, có một lớp đất sét trắng khá cứng khả dĩ chịu đựng được sức nặng của các cột chùa nếu việc xây dựng có thể chuyển được những sức nặng đó xuống tận lớp đất sét nầy bằng những cừ bê tông cốt sắt với thiết diện 20 x 20 cm, dài ít nhất là 6 m dưới các móng cột. Kỹ sư Tố đã trình cùng Thượng Tọa Tâm Giác là Chư Phật Bồ Tát đã từ bi gia hộ và độ trì cho việc xây cất chùa vì nếu không có lớp đất sét cứng đó thì khoảnh đất trên cái ruộng rau muống không thích hợp cho việc xây dựng, dẫn đến không thể hình thành được ngôi chùa Vĩnh Nghiêm tồn tại vững chắc cho đến tận ngày hôm nay.
Tấm bảng ghi nhớ quá trình xây dựng được treo trên một bức tường ở tầng trệt của Chính Điện
Trở lại hiện tại, tuy ở TP.HCM không có được cái không khí mát lạnh mùa thu như miền Bắc, nhưng không khí buổi sáng sớm cũng có chút se lạnh và chuyển dần thành nắng ấm nhẹ khi mặt trời lên. Buổi sáng thứ bảy, lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng không quá ồn ào nào, tạo nên một bầu không gian có chút trầm mặc trước cổng chùa.
Đứng phía bên kia đường nhìn qua, ở chính diện là cổng tam quan đã bắt đầu nhuộm chút màu của thời gian, mang trên mình tấm bảng chùa Vĩnh Nghiêm đã tiếp dẫn một số lượng tăng ni và phật tử không thể đếm xuể bước chân vào chùa. Cùng với cổng tam quan, tháp Quán Thế Âm bảy tầng và tháp Đá thờ cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm ngự trị hai bên đã trở thành biểu tượng bền vững muôn đời, truyền đạt và khơi gợi cơ duyên cho tất cả những cư dân thành phố và khách thập phương đi ngang qua khu vực này.
Cổng chùa Vĩnh Nghiêm với cổng tam quan ở giữa, tháp Quán Thế Âm bảy tầng bên trái, tháp đá trắng bên phải.
Giữa sân chùa là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho tất cả phật tử khi vừa bước qua cổng tam quan của chùa. Sau lưng Quán Thế Âm là ba cầu thang dẫn lên sân thượng tòa chính điện của chùa.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát giữa sân chùa, sau lưng Bồ Tát là ba đường cầu thang dẫn lên sân thượng tòa chính điện
Nằm dọc theo sân thượng của tòa chính điện là những chậu hoa rất lớn. Đặc biệt trong đó, có một đóa hoa sen duy nhất đang nở rộ như cũng muốn tỏ lòng thành kính trong ngày lễ tưởng nhớ ngày viên tịch của Hòa Thượng Tâm Giác
Đóa hoa sen duy nhất nở rộ trên sân thượng tòa chính điện trong ngày lễ tưởng nhớ ngày viên tịch Hòa Thượng Tâm Giác
Từ trước nhìn vào thì ở bên trái là lối đi dẫn tới Bảo tháp Quán Thế Âm, còn bên phải là vị trí gác chuông, treo một đại hồng chung có đường kính 1.8 m, đúc năm 1971. Đại hồng chung có tên là "Chuông Hòa bình" thì do chùa Entsu-in (Viên Thông viện), huyện Fukushima thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến, được Hòa Thượng Tâm Giác cho vận chuyển về Việt Nam bằng đường thủy trong điều kiện gian khổ và khó khăn.
Lối đi từ sân thượng tòa chính điện đến Bảo tháp Quán Thế Âm.
Đại Hồng Chung được đúc ở Nhật bản và vận chuyển về Việt Nam
Trong giai đoạn hai Hòa thượng Thanh Kiểm và Hòa thượng Tâm Giác sang Nhật Bản để nghiên cứu về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại quốc gia đó, hai Hòa Thượng đều kiên tâm, trì chí, chuyên tu chuyên học cả về Phật pháp và thế học. Riêng Hòa Thượng Tâm Giác thường ôm ấp chí nguyện cải tạo nếp sống cho thế hệ tương lai, cần theo chiều hướng của thời đại là có khỏe mạnh về thể xác mới mong tiến hóa về mặt tinh thần. Do đó, ngoài việc học Phật pháp và Thế pháp, Ngài còn hàng ngày đến luyện tập nhu đạo (Judo) tại Trung tâm Nhu đạo Kodokan.
Sau chín năm tu học tại Nhật, Hòa thượng Tâm Giác đã tốt nghiệp Đại học Phật pháp tại Tokyo, lãnh cấp bằng Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông phương và tam đẳng huyền đai tại viện Nhu đạo Kodokan.
Vào năm 1962, hai Hòa thượng trở về nước hoằng pháp cho nước nhà. Bước qua năm 1963, Phật giáo Việt Nam gặp pháp nạn, Hòa thượng Tâm Giác đã cùng Chư tôn đức, tăng ni tham gia tích cực trong mọi công cuộc hô hào Phật tử chống lại bạo quyền áp bức, kỳ thị tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhờ sự đồng tâm nhất trí của hàng triệu Phật tử đứng lên bảo vệ tín ngưỡng của dân tộc, được sự đồng tình của mọi tầng lớp đồng bào, của các tôn giáo bạn, của dư luận thế giới, nhờ sự hy sinh cao cả của chư tăng ni đã dùng sanh thân đốt lên ngọn lửa bi trí dũng, trong đó có ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam thắng lợi.
Năm 1964, nhờ thắng lợi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính. Trong hiến chương của Giáo hội có ghi: “Những đồng bào phật tử Bắc Việt di cư được thành lập một miền trong Giáo hội mệnh danh miền Vĩnh Nghiêm”. Do đó, Ngài được bầu làm Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm.
Cuối năm 1964, thực hiện giấc mộng hằng ôm ấp từ lâu là tạo lập cho thanh niên Việt Nam có một thể lực tự vệ, thể hiện ý chí kiên cường của thế hệ trẻ có đủ ba đức bi trí dũng, Ngài thành lập viện Nhu đạo Quang Trung, đào tạo được hàng trăm nghìn thanh niên đủ các đẳng cấp đai, mà dư âm của trường Nhu đạo này còn vang đến ngày nay trên các võ đài quốc gia cũng như quốc tế. Và với truyền thống lá rụng về cội, hôm nay có rất nhiều đệ tử các thế hệ của Viện Nhu đạo Quang Trung tề tựu về chùa Vĩnh Nghiêm, mặc võ phục, thành kính dâng hương tưởng nhớ đến Hòa Thượng Tâm Giác
Đệ tử các thế hệ của Viện Nhu đạo Quang Trung về chùa Vĩnh Nghiêm tưởng nhớ Hòa Thượng Tâm Giác ở Tổ Đường.
Chân dung Hòa Thượng Thích Tâm Giác
Ở giai đoạn cuối cuộc đời, trong lúc các Phật sự được tiến triển một cách tốt đẹp, thì một cơn bệnh “vô thường” chợt đến. Hòa Thượng Tâm Giác viên tịch vào ngày 20 - 10 năm Quý Sửu, tức ngày 15/11/1973. Nhục thân của Ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm ở quận 12 ngày nay.
Phạm Hoài Chung - Nguồn: Phật giáo Việt Nam