Cập nhật lúc 16:01:14 05-07-2020 (GMT+7)

Đồng Nai: Chư Tăng vân tập Bố tát thuyết Giới mùa An cư Kiết hạ PL. 2564 – DL. 2020.

Chiều ngày 05/07/2020 (nhằm ngày 15/05/Canh tý), chư Tăng GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã vân tập tại trường hạ Chùa Tỉnh Hội (Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh) nhằm vân tập Bố tát, thuyết Bồ tát giới trong mùa hạ An cư Kiết hạ PL. 2564 – DL. 2020.


Chứng minh có Hoà thượng Thích Thiện Đạo - Cố vấn Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Thượng toạ Thích Huệ Sanh - Phó BTS kiêm trưởng ban Phật Giáo Quốc Tế tỉnh Đồng Nai; Đại đức Thích Thiện Trí - Ủy viên thường trực, Phó thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai Cùng chư Tôn đức tại trường hạ Chùa Tỉnh Hội đồng tham dự buổi lễ.


Bố tát dịch âm từ tiếng Phạn là ‘Posatha’. Từ này là một dạng hỗn chủng của tiếng Sanskrit Phật Giáo, mà tiếng Pāli đọc là Uposatha, và tiếng Sanskrit tiêu chuẩn gọi là Upavasatha. Thuật ngữ Posatha có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Trung Hoa dịch ý là trưởng tịnh, trưởng dưỡng, tăng trưởng, thiện túc, tịnh trụ, trưởng trụ, cận trụ, cộng trụ, đoạn, xả. Tức ý nói là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Nó cũng được dịch là hướng với nhau để nói tội, tức trong mỗi nửa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau vậy.

Như vậy, Bố Tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.


Tại buổi lễ, Đại đức Thích Thiện Trí đọc lời sách tấn sự tu tập thay Hoà thượng Chứng Minh:

“Như chúng ta đã biết, xuất gia là tự chọn đời sống nghịch lưu, kham nhẫn. Có chịu đựng, có kham nhẫn mới có sức mạnh nội tâm để vươn đến thành công, hoàn thành chí nguyện giải thoát.

Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật có dạy “Người tham lầm nhiều thì khổ nhiều, người tham lầm ít thì khổ ít, người không tham lầm thì không khổ”.

Lòng tham do vô minh phát sinh. Người xuất gia tu tập theo chánh pháp, khéo léo vận dụng sự hiểu biết thường tình trở thành trí tuệ vô lâu. Khi có trí tuệ hiện hữu trong tâm, chúng ta hành xử một cách khéo léo, tế nhị, biết phân biệt rõ đúng sai, đâu là điều nên làm, đâu là chuyện không nên làm, đâu là trói buộc đâu là xả bỏ, để từ đó đời sống của mỗi chúng ta mỗi lúc một giá trị lên.


“Duy tuệ thị nghiệp” (Trí tuệ là sự nghiệp) chính là đạo nghiệp, là lý tưởng cuối cùng của người xuất gia. Có trí tuệ làm nền tảng tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta thật bao la nhẹ nhàng, và cuộc đời thật đáng yêu, đáng trân trọng biết chừng nào. Ngược lại, không có trí tuệ làm nền tảng, chúng ta dễ rơi vào lầm lạc, cố chấp, bảo thủ, kết quả là phiền não khổ đau, có hại cho bản thân, bất lợi cho người khác.

Hành giả cần nhớ kỹ: để trí tuệ được phát triển tốt và hiện hữu bền vững trên con đường đạo nghiệp của chúng ta, điều cần thiết là phải biết cách luyện tâm và trụ tâm.

Luyện tâm là làm sạch tâm, làm trong sáng tâm, dứt trú tạp nhiễm tà niệm.

Trụ tâm là giữ tâm trong chánh niệm, không phan duyên, không vọng niệm, tâm như nhất.

Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là phải giữ tâm trong trạng thái vô phân biệt, tức tâm vô nhiễm, vô trước, vô bi thứ.

Vì trí tuệ có tầm quan trọng rất lớn trong sự nghiệp giải thoát của hành giả, cho nên lời dạy cuối cùng trước khi nhập Niết Bàn, Đức Bổn sư đã ân cần sách tấn: “Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc chắn nhất vượt biển sanh tử, là ngọn đèn sáng nhất phá trừ vô minh hắc ám, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là lưỡi gươm bén nhất để chặt cây phiền não. Vì vậy, các Thầy hãy nỗ lực dùng trí tuệ Văn-Tư-Tu để tăng tiến giải thoát.

Chúc đại chúng an lạc, sáng suốt vững vàng trong đạo giải thoát.”



















Ban TTTT GHPGVN tỉnh Đồng Nai

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu