Kính thưa toàn thể Đại hội!
Hôm nay trước toàn thể Đại hội, với phần tham luận tôi thống nhất với báo cáo kết quả nhiệm kỳ trước, tôi xin không nhắc lại các thành tựu, tồn tại, hạn chế, các số liệu…đã được thể hiện đầy đủ ở phần báo cáo kết quả của nhiệm kỳ qua.
Hôm nay, trên tinh thần mục đích, yêu cầu của Kế hoạch số 383/KH-BTS, ngày 01 tháng 6 năm 2022 về việc tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN tỉnh Đồng Nai lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tôi xin tham gia tham luận một vấn đề, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Công tác quản lý hành chánh của Giáo hội, những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới.
Kính thưa toàn thể Đại hội !
Công tác quản lý hành chánh của Giáo hội, những vấn đề đặt ra là công tác vô cùng quan trọng, đa lĩnh vực, theo tôi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cần nêu cao ý thức về tầm quan trọng của con người trong xã hội, bởi vì con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu phát triển của xã hội… tăng sự có ổn định thì Giáo hội mới có thể phát triển vững mạnh.
Công tác quản lý con người trong Giáo hội tức là công tác quản lý tăng sự trong tổ chức Giáo hội…Có thể nói tăng sự là sợi chỉ đỏ để xâu chuỗi tất cả hoạt động khác của Giáo hội, là rường cột để trụ đỡ cho ngôi nhà chung của Phật giáo vì tăng là bậc Chúng Trung Tôn trong ngôi Tam bảo. Không có tăng sự thì không thể nối dài sự nghiệp của Phật và tuyên dương Chính pháp, chính vì vậy các cấp Giáo hội cần tập trung củng cố và phát triển tổ chức tăng sự, Hiến chương Giáo hội, Nội quy ban tăng sự, các Quy chế hoạt động, các Nghị quyết, Thông tư, Thông bạch của Giáo hội phải luôn được triển khai, để mỗi Tăng, Ni nhận thức được rõ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tổ chức.
Về quyền lợi, mỗi Tăng, Ni trực thuộc Giáo hội luôn được Giáo hội đảm bảo về tư cách pháp nhân, được hướng dẫn sinh hoạt theo đúng quy định và được hưởng những quyền lợi khác như trú xứ an cư hàng năm, tu học theo các chương trình Cơ bản, Trung cấp, Cao cấp Phật học v.v…
Cụ thể, các mục tiêu thực hiện công tác quản lý hành chánh của Giáo hội. Thứ nhất: Giáo hội cần đề cao hơn nữa tinh thần hành trì giới luật của các Tăng, Ni để giữ gìn kỷ cương ổn định trong Tăng đoàn. Ứng dụng hiệu quả và nhuần nhuyễn giới luật Phật, tu học hành đạo đúng theo Hiến chương giáo hội, nội quy Tăng sự và pháp luật Nhà nước hiện hành, làm kim chỉ nam cho đời sống tu hành của mỗi Tăng, Ni. Thứ hai: Ban Tăng sự cần kết hợp với Ban Giáo dục Tăng, Ni thường xuyên tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo để giúp tăng, ni cập nhật liên tục những sửa đổi bổ sung trong Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, kiến thức pháp luật hiện hành và tình hình thời sự trong Nước và Quốc tế. Tổ chức các khóa tập huấn cho các Ban chuyên môn để nắm vững những kỹ năng cần thiết. Thứ ba: Ban Tăng sự cần phải sát sao đôn đốc các công tác thống kê Tăng, Ni, tự viện và hành giả an cư hàng năm để Ban Trị sự Giáo hội tỉnh nắm bắt kịp thời cập nhật, phản ánh trong báo cáo tổng kết công tác phật sự thường niên. Thứ tư: Việc tiếp độ người xuất gia cần phải có chọn lọc người có đủ đạo hạnh với lý tưởng giải thoát. Tránh việc “Mượn đạo tạo đời”, lợi dụng việc xuất gia để thực hiện các tham cầu phi pháp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống phạm hạnh của Tăng đoàn. Tránh tình trạng chạy theo thành tích, bằng cấp thiếu thực chất trong tu học. Thứ năm: Giáo hội cần phải kịp thời biểu dương khích lệ những Tăng, Ni ưu tú, xuất sắc đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh khẩn trương đối với các thành viên sống buông lỏng tổ chức, xem nhẹ giới luật, dẫn đến vi phạm pháp luật gây phiền toái cho Giáo hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của tín đồ phật tử và nhân dân…
Những Tăng, Ni đã sa sút trầm trọng về giới hạnh, Giáo hội nên nghiêm khắc giáo huấn, chấn chỉnh, cần thiết phải yết ma tẩn xuất trước khi các cơ quan pháp luật và giới truyền thông vào cuộc gây hoang mang dư luận. Song song với các mục tiêu chung, Giáo hội cần thực hiện thêm một số vấn đề, biện pháp cần thiết để tạo điều kiện hoàn thiện, ổn đinh, lâu dài, như:
- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai phối hợp với các ngành chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sinh hoạt tôn giáo theo đúng Pháp luật, Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội. Hướng dẫn Phật tử sinh hoạt nghi lễ theo con đường chánh pháp, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, nhất là trong các việc ma chay, cầu an, cầu siêu, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Phật tử.
- Vận động Tăng, Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo đặc điểm riêng của từng địa phương, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm thiết thực. Giữ gìn khu dân cư xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh chùa, đường làng, ngõ xóm. Với phương châm “Sống và thực hiện theo đúng Hiến chương và pháp luật”, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo.
- Chủ động, tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các Tôn giáo, quần chúng tôn giáo; có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh mới về Tôn giáo. Xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh:
- Phổ biến kiến thức Quốc phòng và An ninh cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ; thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ hiểu và đồng thuận, chấp hành; trong đó có các chính sách về Tôn giáo và về tinh thần “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”.
- Phối hợp tuyên truyền, vận động thanh niên là con em tín đồ chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động như: Hỗ trợ kinh phí xây tặng “Nhà Tình nghĩa quân - dân”, “Nhà Tình nghĩa” cho các tín đồ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; xây tặng công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở các cơ sở tôn giáo của Phật giáo.
- Thực hiện tốt phương châm “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” giữ vững tinh thần đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phân công, phân nhiệm cụ thể, trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban Thường trực Ban Trị sự. Triển khai chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027, các văn kiện của Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự tỉnh đã ban hành. Thực hiện tốt công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết của Ban Tăng sự, thông tư của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc Hướng dẫn nghiệp vụ hành chánh, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính và bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho các Tăng, Ni trong tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
Thống nhất giữa sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn giá trị văn hóa; đảm bảo sự thống nhất, hài hòa lợi ích cá nhân, cộng đồng và lợi ích quốc gia, xã hội; những hoạt động Tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp vì tín đồ phải được đảm bảo.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động Phật sự của tổ chức Tôn giáo ở cơ sở nắm bắt kịp thời những mặt đã làm được, những khó khăn hạn chế; kinh nghiệm trong công tác Tôn giáo... Qua đó, cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương bàn thảo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, đồng thời định hướng, đề xuất một số giải pháp trong công tác phật sự thời gian tiếp theo, để tổng hợp, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đúng quy định của pháp luật; vận dụng phương thức quản lý hoạt động phật sự tôn giáo bằng phương pháp “Giáo dục, thuyết phục, vận động”…để phòng ngừa các thế lực thù địch lợi dụng Tôn giáo xuyên tạc, chống phá Nhà nước, tổn hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khơi dậy tinh thần, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân”, phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất ý chí, hành động trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chung của Giáo hội. Phát huy mạnh mẽ “Đoàn kết Tôn giáo - Đoàn kết Dân tộc”, tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, thực hiện đúng đường hướng hành đạo theo giáo lý nhà Phật, Hiến chương của GHPGVN và chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh với đặc thù tỉnh Đồng Nai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số an cư, sinh sống; thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" gắn với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cuối cùng xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thân tâm an lạc, Phật sự viên mãn, chúc Đại hội Đại biểu GHPGVN tỉnh Đồng Nai lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 thành công tốt đẹp !
Tin: Thượng tọa Thích Huệ Nghiệp - Trưởng Ban Pháp chế BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ Trì Chùa Phước An.
Đăng Tin: Ban TTTT PG Đồng Nai