Cập nhật lúc 08:32:02 18-09-2022 (GMT+7)

Đồng Nai: Đoàn khảo sát Kiến trúc Phật giáo Việt Nam làm việc tại chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Ngày thứ 2 của chuyến khảo sát, 17/9/2022 (ngày 21/8 năm Nhâm Dần), đoàn công tác do TT. Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Văn hoá TƯ GHPGVN làm Trưởng đoàn; TT. Thích Minh Tiến – UV HĐTS – Phó Trưởng ban; TT. Thích Giác Nghi – UV HĐTS – Trưởng BTS GHPGPGVN tỉnh Bạc Liêu cùng chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Văn hoá TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học của các cơ quan nhà nước: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN); TS

Tại Đồng Nai, đón tiếp đoàn có HT. Thích Nhật Quang – UVTT HĐTS, Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh; HT. Bửu Chánh – UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự PG tỉnh; TT. Thích Thông Hạnh – Phó Ban Trị sự – Trưởng ban Văn hoá PG tỉnh.

Đoàn làm việc với Ban Trị sự tỉnh Đồng Nai

Thay mặt đoàn công tác, TT Thích Thọ Lạc – Trưởng đoàn đã có ý kiến với chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Viện chủ Thiền viện Thường Chiếu và chư Tôn đức Tăng Ni, cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu tham gia đoàn. Thượng toạ Trưởng đoàn nhấn mạnh: Mục đích của chuyến công tác này, Ban Văn hoá TƯ cùng các cơ quan chức năng: Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Công ty CP VHTT Kim Liên và cơ quan liên quan cùng với các địa phương đặc biệt dành cho công tác tìm hiểu có phương án gìn giữ, bảo quản, bảo tồn các ngôi chùa, tự viện về kiến trúc và di sản của người xưa để lại. Việc làm này thuộc Đề án Kiến trúc  – là một trong 4 đề án lớn (Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản) mà những năm qua Ban Văn hoá TƯ GHPGVN thực hiện.
 

ĐĐ. Thích Minh Đăng – Chánh Thư ký BVH TƯ trình bày nội dung buổi làm việc

 Tinh thần đoàn khảo sát lần này có định hướng rất rõ: “Khảo sát Kiến trúc và Di sản của các ngôi chùa, tự viện tiêu biểu cho các hệ phái”, tiến tới nghiên cứu để đánh giá PGVN đóng góp vào kiến trúc và di sản của đất nước với tiêu chí “Văn hoá Phật giáo Việt Nam -Thống nhất trong đa dạng”.
 

TT. Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hoá tặng bộ Kinh “Khoá tụng thống nhất” thuộc đề án ngôn ngữ cho BTS PG tỉnh

Ban VHTƯ có vai trò, trách nhiệm đi tìm những nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo, những di sản đặc trưng, những hoạt động Phật giáo tiêu biểu, với mong muốn các địa phương thực hiện các việc này, quản lý các giá trị kiến trúc, di sản văn hóa mà ông cha để lại. Chúng ta rất có lỗi nếu để những giá trị này mai một, mất đi theo thời gian. Trăn trở của BVHTW là làm thế nào để thống nhất có biểu tượng chùa của GHPGVN, và biểu tượng của chùa theo tông môn hệ phái để mọi người nhìn vào nhận biết được về ngôi chùa đó.

Điểm đến đầu tiên của ngày làm việc thứ 2 là Thiền viện Thường Chiếu.

Thiền viện Thường Chiếu tọa lạc tại ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (thuộc hệ phái Bắc tông), có diện tích 13 hecta, do HT. Thích Thanh Từ sáng lập vào năm 1974. Thiền viện mang tên một danh tăng thời Lý. Thiền sư Thường Chiếu họ Phạm, quê làng Phù Ninh. Ngài làm quan dưới triều vua Lý Cao Tông, sau từ quan, xuất gia ở chùa Tịnh Quả, thuộc đời thứ 12, dòng thiền Vô Ngôn Thông.
 


Điện Phật thiền viện kiến lập năm 1986, tháp chuông dựng năm 1988. Thiền viện đã tổ chức trùng tu ngôi chánh điện khang trang vào năm 1994. Tường xây gạch, cột bê tông cốt thép giả gỗ, mái cổ lầu lợp ngói. Tượng đức Bổn sư Thích Ca tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu, tôn trí ở án giữa Phật điện. Năm 1998, Thiền viện cho mở rộng tổ đường
 


Từ ngoài vào, qua cổng tam quan là ngôi chánh điện và tổ đường. Trước chánh điện có lầu chuông và lầu trống; hai bên và phía sau có các công trình: Tăng đường, thư viện, tông môn tàng thư,  trai đường, nhà khách, tăng thất, khu thiền thất, phòng khám…
 

Toàn cảnh Thiền viện nhìn từ trên cao

Thiền viện Thường Chiếu là một trung tâm thiền học nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam.  Thiền viện tổ chức các vị tăng tu học theo tinh thần thiền tông thời Trần. Đây là đường lối tu tập do sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông sáng lập, nhấn mạnh ở sự tu tập nội tâm, đưa đến thanh tịnh hóa bản thân, khiến lòng không còn vướng bận ngoại cảnh thì tự tánh hiển lộ. Đây cũng là phương pháp thực tiễn tu tập ba pháp học Giới, Định, Tuệ phù hợp với giáo lý nguyên thủy được Thiền tông thời Trần ứng dụng.

Tiếp đó, đoàn di chuyển đến chùa Đại Giác thuộc ấp Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) Ngôi cổ tự cũng là chứng tích về con đường truyền bá Phật giáo từ những ngày đầu cha ông đi mở đất phương Nam.
 

Toàn cảnh chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác cổ kính nằm dưới tán cây bồ đề cổ thụ do Hòa thượng Đinh Tông trồng vào ngày rằm tháng 11 năm Kỷ Mão (1939). Chùa nằm ngay trung tâm Cù lao Phố có diện tích khoảng 3.000 m2 với lối kiến trúc có hình chữ tam, ba dãy nhà ngang nối liền nhau. Bên trong chùa thiết kế theo kiểu mẫu của các chùa xưa ở vùng Đồng Nai, với các cột tròn và cao vút, tạo không gian thoáng đãng. Các cột phía trước đều có câu đối, các cặp câu đối đều bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế. 
 

 
 

Các nhà khoa học, kiến trúc sư đang nghiên cứu văn bia, câu đối tại chùa

Chùa Đại Giác cũng gắn liền với câu chuyện tình của nàng công chúa nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, ở phương Nam có một vị thiền sư đạo hạnh, thông kim bác cổ và khả năng thuyết giảng về Phật pháp đặc biệt xuất chúng là Liễu Đạt Thiệt Thành. Ông đã trở thành vị sư đầu tiên của miền Nam được vua Gia Long phong là Quốc sư. Đến đời vua Minh Mạng (1820-1841), thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được mời về kinh đô để thuyết pháp cho hoàng tộc và triều đình. Sau khi được gặp và nghe thiền sư giảng đạo, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng yêu say đắm. Thiền sư không thể phá giới và ra sức vừa khuyên giải, vừa cự tuyệt tình yêu của công chúa. Ngài xin trở vào Gia Định chịu tang sư phụ làm công chúa nhớ thương, sức khỏe ngày càng suy sụp. Sau đó, nàng xin triều đình vào Gia Định cúng dường nhưng thiền sư vẫn tìm cách lánh mặt và quyết định nhập thất 2 năm ở chùa Đại Giác.
 

 

Biên tập viên, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

Không gặp được người yêu, công chúa lại tìm về ngôi chùa trước đây mình từng quy y, tình cờ được biết thiền sư đang nhập thất, nàng năn nỉ được nắm tay thiền sư. Thiền sư cảm động đưa bàn tay cho công chúa qua ô cửa tịnh thất. Đêm ấy, tịnh thất phát hỏa bởi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã tự thiêu để giữ vẹn tiết hạnh. Nàng công chúa Ngọc Anh sau đó cũng quyên sinh, để lại mối tình ngang trái, gắn với ngôi chùa Đại Giác linh thiêng đến tận ngày nay.
 

 

Ông Nguyễn Thanh Xuân – GĐ TT UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn Văn hoá Tôn giáo & Tín ngưỡng đang ghi chép lại những thông tin tại nhà Tổ

Điểm đến thứ 3 là chùa Long Thiền là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa (trên 300 năm), tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với diện tích đất khoảng 1 hecta bên bờ sông Đồng Nai.
 

Toàn cảnh chùa Long Thiền

Chùa được dựng vào cuối thế kỷ XVI do Tổ sư Thành Nhạc kiến tạo vào năm 1664. Chùa được trùng tu nhiều lần dưới thời các vị Tổ Phật Chiếu, Tổ Tiên Đức, HT Thích Huệ Thành, dòng Lâm Tế đời thứ 40. Di tích hiện tồn ngày nay là đợt trùng tu của HT Thích Huệ Thành năm 1956.
 

TT. Thích Huệ Khai – Trụ trì chùa Long Thiền giới thiệu di sản của chùa với Ths Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam 


Điện Phật được bài trí trang nghiêm, chùa có nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng. Sân vườn trước chùa có nhiều tượng Phật, Bồ tát lộ thiên như: Tượng đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát Quán Thế Âm, tượng Bồ tát Di Lặc, vườn tượng Lâm Tỳ Ni, tượng đức Phật chuyển pháp luân… Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.
 

 

Điểm đến thứ tư là chùa Bửu Phong tọa lạc trên núi Bửu Long, thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa được dựng vào thế kỷ XVII là ngôi cổ tự rêu phong cổ kính, có những pho tượng với những nét điêu khắc đặc biệt Á Ðông.

NT. Thích Nữ Huệ Hương – Trụ trì chùa Bửu Phong chụp hình lưu niệm cùng đoàn

Chùa được xây dựng vào năm 1679, lúc đầu chùa chỉ là thảo am nhỏ, sau do Thiền sư Pháp Thông xây cất theo hình chữ “tam” gồm chính điện, giảng đường, nhà thờ tổ. Chùa được trùng tu mở rộng vào năm 1829 và các năm gần đây.
 

TS. Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích đang xem xét nét kiến trúc của chùa

Cổng tam quan của chùa nằm dưới chân núi Bình Điện bên trục lộ 24, từ cổng leo lên 99 bậc đá, tới độ cao khoảng 30m là một Bửu Phong cổ tự nằm thấp thoáng sau cây bồ đề lớn. Chùa được xây dựng trên một mỏm đá khá bằng phẳng, kiến trúc theo kiểu chữ Tam. Trung tâm ngôi chánh điện thờ Phật Di Đà Tam Tôn, Đức Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng thượng đế, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Hai bên tả hữu thờ Quan Công và Tổ sư Đạt Ma. Ngoài ra còn có hương án thờ Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Địa Tạng và bàn thờ Thập Điện Diêm Vương.
 


Hiện tại trong chùa có những pho tượng mang nét đặc biệt Á Đông và nhiều cổ vật như cặp nai vàng đời Nguyễn, đầu “phường cổ”(Nhà Phật), tượng Phật nằm, tháp Bửu Phong rêu phong cổ kính và Xá Lợi – một báu vật nhà Phật. Xung quanh chùa có Long Đầu Thạch (còn gọi là Hàm Rồng, Hầm Hổ) và đài Tam Thế Phật, đã từng là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động ven đô trong chiến tranh. 

Điểm cuối cùng đoàn đến trong hành trình ngày thứ 2 đó là thiền viện Phước Sơn  tọa lạc tại đồi Lá Giang, ấp Tân Cang, phường Phước Tân, TP, Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai Chùa thuộc hệ phái Nam tông kinh do HT. Thích Bửu Chánh làm trụ trì.
 


Thiền viện cách thành phố Biên Hòa 20km về phía Nam và cách thị trấn Long Thành 20km về phía Tây. Thiền viện được Hòa thượng Giới Nghiêm sáng lập vào năm 1970.


Sư Bửu Chánh đã tổ chức trùng tu vào năm 1985. Trong khuôn viên thiền viện, có nhiều pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen, hai bên là hai tượng đức Phật trì bình khất thực, trước có tượng đản sanh.

Qua 2 ngày khảo sát một số chùa chúng tôi nhận thấy rằng, Phật giáo có nhiều tông phái, mỗi tông phái có tông chỉ, lễ nghi và nếp tu tập sinh hoạt riêng, do đó kiến trúc chùa, tháp của mỗi tông phái thể hiện được tính đặc thù của mình. Có thế nói, kiến trúc Phật giáo là cơ sở của nền văn minh dân tộc Việt Nam, là thước đo tinh thần tự chủ của dân tộc, cũng như sự hòa hợp thích nghi giữa Đạo và Đời, đó cũng chính là mục đích của chuyến khảo sát lần này.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận: 
 

 
 
 
 
 
 
 

Nguồn: Phật sự Online - Song Thuỷ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu