Lịch sử có ghi rằng: Vua Trần “ Phật Hoàng” Trần Nhân Tông có hai người Công chúa. Người chị là Trần Huyền Trân Công chúa và Trần Diệu Dung Công chúa là em gái. Hai bà đã có công lớn khi về đây cùng dân làng ngăn sông lấn biển, khai khẩn đất hoang để lập làng, thời ấy gọi là các “Chạ”. Hai bà đã cùng nhân dân tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực cho triều đình, nuôi quân đánh giặc giữ yên bờ cõi.
Sau khi hai bà mất, nhân dân các thôn đã tôn thờ hai bà là Thánh Mẫu và xây đền miếu thờ trong khuôn viên Chùa của hai thôn. Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 2 âm lịch là nhân dân thôn Tam Đường (xã Tiến Đức) lại tổ chức lễ hội Trần Huyền Trân Công chúa. Còn đến ngày 15 tháng 9 âm lịch, nhân dân thôn Vân Đài, xã Chí Hoà tổ chức lễ hội Trần Diệu Dung Công chúa, gọi là lễ hội Giao Chạ.
Khi thôn Tam Đường (xã Tiến Đức) tổ chức lễ hội Huyền Trân Công Chúa 3 ngày bắt đầu từ ngày 15 tháng 2 âm lịch, dân thôn Vân Đài được mời sẽ tổ chức rước linh vị từ Đền thờ Công chúa Diệu Dung lên thôn Tam Đường. Đoàn rước gồm 66 người, dân thôn Tam Đường sẽ đón tại đầu làng với 86 người.
Ngược lại, khi thôn Vân Đài tổ chức lễ hội Diệu Dung Công chúa vào ngày 15 tháng 9 âm lịch thì đoàn rước của thôn Tam Đường sẽ rước linh vị Huyền Trân Công chúa xuống với thôn Vân Đài với 86 người. Thôn Vân Đài sẽ đón với đoàn là 66 người, đây là lúc Giao Chạ. Hai đoàn đón và rước cùng hòa vào quấn quýt bên nhau, thể hiện tình chị em của hai Công chúa khi gặp lại.
Đoàn rước và đón được mặc trang phục truyền thống áo dài, đánh chiêng trống, mang cờ Tổ quốc, cờ Thần, cờ Phật giáo, hóa trang thành các linh vật rất uy linh như Kỳ Lân, Sư Tử.
Khi hai đoàn đã Giao Chạ và hợp thành một đoàn thì cùng rước Linh vị về Chùa miếu của địa phương mình để tổ chức lễ hội.
Lễ hội năm nay được tổ chức tại thôn Vân Đài xã Chí Hòa.
Về Chứng minh và tham dự có Đại Đức Thích Thiện Mỹ - Ủy viên thường trực ban kinh tế TW GHPGVN, Phó ban Thanh Thiếu niên TW GHPGVN, Phó ban hướng dẫn Phật tử hải ngoại đặc trách khu vực Châu Âu, cùng chư tôn đức tăng ni tại các chùa trong khu vực.
Về phía chính quyền có các Ông, bà là đại diện cho huyện ủy, chính quyền MTTQ, các ban ngành đoàn thể huyện Hưng Hà, chính quyền Đoàn thể 2 xã Tiến Đức và Chí Hòa, chính quyền mặt trận dân cư hai thôn Tam Đường và Vân Đài, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, con em quê hương cùng đông đảo bà con Phật tử và nhân dân đồng tham dự.
Lễ Hội Giao Chạ được tổ chức với các nghi thức lễ hội truyền thống được duy trì và gìn giữ từ xưa với phần lễ như: Lễ Hội giỗ Mẫu, lễ Giao Chạ kết giao tình chị em, thi cỗ Cá được trang trí trên mâm cỗ thờ cùng với một số phẩm vật chay được dâng cúng. Phần hội như: Liên hoan văn nghệ hát văn, cờ tướng, chọi gà, giao hữu thể thao. Chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ chào mừng lễ hội với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của miền quê lúa.
Trong 3 ngày lễ hội, toàn dân 2 thôn tổ chức mở tiệc chào đón quý khách thập phương, con em quê hương đang công tác và sinh sống trên mọi miền tổ quốc cùng về tham dự giao lưu và tri ân tới các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước.
Đặc biệt là vì hai thôn đã tôn thờ hai chị em Công Chúa là Thánh mẫu nên hơn 700 năm nay không có người trong địa phương này kết hôn với nhau kể cả ở trong nước và đã định cư ở nước ngoài đây là một điều mà đã được nhân dân hai thôn quy ước từ xưa.
Theo lịch sử truyền thống Phật giáo, khi Vua Trần Nhân Tông lên Yên tử Xuất gia tu hành, tạo dựng nên Thiền phái Trúc lâm ngày nay, Ngài cũng đã giác ngộ cho các con cùng với quần thần và nhân dân chỉ có con đường tu hành theo Đức Phật, làm việc thiện, tránh điều ác mới có thể giải thoát khổ đau.
Lễ hội Giao Chạ vừa mang hình thức tâm linh Phật giáo và cũng rất nhân văn, khi trong cuộc sống hiện tại chúng ta biết ghi ơn và tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công với dân với nước. Đây cũng là dịp mọi người gặp gỡ giao lưu, thế hệ trước sẽ truyền lại cho thế hệ kế tiếp để giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Lễ hội truyền thống Phật giáo Giao Chạ huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa để lại và là một trong những Lễ hội Phật giáo độc đáo nhất tại vùng đất Hưng Hà - nơi phát tích nhà Trần địa linh nhân kiệt.
Pv: Tronghaitb