Chùa Phra Dhammakaya được phát triển trên nền kiến trúc một nhà thờ
của làng Afferden (Hà Lan). Trong ảnh, một khóa lễ Phật giáo tại chùa Phra Dhammakaya
Việc sang nhượng ngôi nhà thờ này nằm trong thực tế ngày càng có nhiều nhà thờ Công giáo ở nước này đóng cửa nhưng đây là lần đầu tiên một ngôi nhà thờ được bán cho một cộng đồng Phật giáo.
Đến nay, Phật tử và các cộng đồng không theo Phật giáo trong vùng này đã tìm thấy sự hòa hợp.
Dù không ít người buồn bã vì sự suy giảm hoạt động của Công giáo và Kitô giáo tại Hà Lan, nhiều người nói về sự phổ quát trong các truyền thống tâm linh và nhấn mạnh đến lòng biết ơn vì tòa nhà này không được sử dụng cho mục đích nhà ở hay văn phòng.
Một người dân trong làng, ông Van Dinteren trả lời phỏng vấn một tờ báo của Hà Lan, De Gelderlander rằng: Ông thường xuyên đi nhà thờ và nhớ các thánh lễ hàng tuần nhưng lại cảm thấy vui vẻ với những người mới đến.
“Phật tử là những người thân thiện và đã hoàn toàn được người dân trong làng chấp nhận. Tôi hạnh phúc vì nhà thờ vẫn được sử dụng bởi những người có trái tim tốt đẹp” - ông chia sẻ (theo Crux).
Nhiều nhà thờ Công giáo trong khu vực đã ngưng hoạt động, hiện chỉ còn một nhà thờ gần làng Druten còn mở cửa cho các giáo dân đến sinh hoạt.
Ton Perlo, phó chủ tịch hội đồng giáo xứ địa phương đã nhìn thấy trước điều này. Trao đổi với Quỹ Dhammakaya về mong muốn mua lại nhà thờ ở Afferden, ông nói rằng các Hướng dẫn dành cho nhà thờ Công giáo thường không cho phép người không theo đạo Công giáo mua nhà thờ. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ lưỡng và với thực tế rằng tòa nhà sẽ tiếp tục do cộng đồng tôn giáo quản lý đã thuyết phục ông và mọi người.
“Tòa nhà vẫn là nơi hoạt động tâm linh. Nơi này dành cho các Phật tử vẫn tốt hơn là trở thành nhà ở”, theo Crux.
Nhà sư Sander Oudenampsen, một vị tu sĩ Phật giáo người Hà Lan thuộc Quỹ Dhammakaya đã bảo tồn ngôi nhà thờ cho sinh hoạt Phật giáo. “Ban đầu, chúng tôi tìm kiếm một địa điểm ở Amsterdam. Nhưng nơi này yên tĩnh hơn. Lý tưởng để hành thiền”.
Khi được hỏi về việc sử dụng nhà thờ cho mục đích thực hành Phật pháp, sư Oudenampsen cho biết: Cả hai đều chú trọng vào việc cầu nguyện, thiền tập. Đây cũng là điều tôi nghe được từ người dân làng đến xem những buổi thiền tọa vào ban đêm.
Nhiều người đang tham gia hành thiền, từng đến nhà thờ trước khi nơi đây được chuyển nhượng. Nhiều người đến thăm nhà sư vì họ từng có một vị linh mục ở đây, tham vấn nhà sư các câu hỏi về đời sống - “Tôi nghĩ Phật giáo có thể mang lại câu trả lời cho các câu hỏi này”, theo Crux.
Dhammakaya là tổ chức hoạt động Phật giáo phát triển, được thành lập vào năm 1916 tại Thái Lan, bởi nhà sư Luang Phor Sodh. Tổ chức này biến mất vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, trong thời điểm hoạt động và phong trào Phật giáo Santi Asoke hình thành ở Thái Lan.
Dhammakaya phổ biến với những kỹ thuật được đơn giản hóa, các bài chú và thực tập thiền; đặc biệt là các buổi hành thiền tập thể và các buổi lễ có sự tham gia của nhiều người.
Phong trào Phật giáo phát triển này từng bị phê bình bởi giới trí thức và người theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy vì sự quảng bá và các giải pháp đơn giản hóa đối với các vấn đề của cuộc sống (theo quyển sách Các phong trào Phật giáo mới tại Thái Lan: Tìm hiểu về Chùa Phra Dhammakāya và Santi Asoke của tác giả Mackenzie, xuất bản năm 2007 tại Luân Đôn).
Quỹ Dhammakaya Hà Lan được vận hành vào năm 2014 với mục đích “làm cho sự thực hành lời dạy của Đức Phật được biết đến nhiều hơn” (theo Quỹ Dhammakaya Hà Lan). Quỹ này cũng nhắm đến mở rộng sự thực hành chánh niệm và thiền tập cho nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng, giúp giải quyết các vấn đề về sự đa dạng trong xã hội Hà Lan và sự ngờ vực giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo.
Hà Lan là quốc gia Kitô giáo cho đến cuối thế kỷ 20. Từ sau đó, đã bắt đầu hiện tượng sút giảm về sự tham gia nghi lễ nhà thờ đối với cả tín đồ Công giáo và Tin lành.
Về mặt lịch sử, Hà Lan là quốc gia theo đạo Tin lành, nhưng hiện nay tín đồ Công giáo chiếm khoảng 23,7% dân số, vượt hẳn số tín đồ Tin lành (20,1%). Hơn 50% người dân Hà Lan không sinh hoạt tôn giáo, đạo Hồi chiếm 4,9%; Hindu giáo chiếm 0,6%; Phật giáo chiếm 0,4% và Do Thái giáo chiếm 0,1% dân số - theo khảo sát của chính phủ Hà Lan năm 2015.
Trần Trọng Hiếu - Nguồn: Giác Ngộ