Cập nhật lúc 13:55:46 10-08-2019 (GMT+7)

Hà Nội: Ngày tu đầu tiên của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu PL2563 tại chùa Bằng

Ngày 09 tháng 08 năm 2019, nhằm ngày 09 tháng 07 năm Kỷ Hợi, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – HN trang nghiêm tổ chức khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ IX dành cho mọi lứa tuổi, diễn ra trong 2 ngày 09,10/08/2019 (nhằm ngày 09,10/07 năm Kỷ Hợi). Đặc biệt, ngày tu đầu tiên này cũng là ngày tu bát quan trai tháng 7 năm Kỷ Hợi của các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo các bạn thanh thiếu niên, sinh viên, các vị Phật tử lớn tuổi đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để tham dự 2 ngày tu tập tràn đầy ý nghĩa. 
Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này. 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Sau đó, Hòa thượng đã có thời pháp thoại chia sẻ với toàn thể đại chúng tóm tắt sơ lược về cuộc đời và tấm gương hiếu hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ngài Tôn giả Mục Kiền Liên để đại chúng noi theo và học tập.
Hòa thượng chia sẻ “Nhiều đời, nhiều kiếp của Đức Phật Bản Sư, Ngài ứng thân ở nhiều cõi giới với nhiều hình dạng và nhiều hạng thân khác nhau. Nhưng trong bất kỳ kiếp nào, Ngài đều luôn là một tấm gương sáng về sự hiếu kính và xả thân phụng dưỡng cha mẹ. Trong kinh Đại Tập, Đức Phật dạy rằng nếu con người chúng ta sinh ra vào thời chưa được gặp Phật nhưng nếu người đó biết hiếu kính, biết phụng dưỡng, biết vâng lời cha mẹ thì người đó coi như đã gặp Phật rồi. Nếu như người Phật Tử đi lễ chùa, quy y Tam Bảo, thụ giới, đọc kinh, tu tập nhưng không phụng dưỡng cha mẹ, không vâng lời cha mẹ, không tiếp nối truyền thống mà ông bà tổ tiên và cha mẹ để lại thì người đó chưa trọn vẹn bổn phận của người Phật Tử.
Khi Phật giáo truyền vào nước ta, cùng với tư tưởng đạo đức, văn hóa của người Việt. Tinh thần hiếu đạo của Đức Phật và tinh thần hiếu đạo của dân tộc Việt Nam gặp nhau tại một nguồn “biết ơn”. Từ đó, lễ Vu Lan – bắt nguồn từ tôn giả Mục Kiền Liên, với tinh thần hiếu đạo, Ngài đã tìm mọi cách cứu mẹ mình thoát khỏi khổ đau và được Phật chỉ dạy: “Vào ngày Tự Tứ, ngày kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ, khi đó Bồ đề tâm của chư Tăng tăng trưởng, hãy dâng đủ tứ sự (đồ ăn, quần áo, thuốc men, mùng mền và tọa cụ) lên chư tăng để cầu xin chú nguyện công đức hồi hướng cho cha mẹ”. Vâng lời Phật dạy, ngài thiết lễ trai tăng cúng dàng ngày Tự tứ và bà Thanh Đề nhờ người con hiếu kính và công đức của chư Tăng đã thoát khỏi địa ngục khổ đau mà sinh lên thiên giới. Từ đó, ngày rằm tháng 7 – ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu được phổ cập rộng khắp, qua các thời kỳ đã thành “Lễ Hiếu kính” trong nghi lễ của người Việt”.
Qua đó, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử ngoài chữ Hiếu với cha mẹ, người Phật Tử cũng phải thể hiện chữ Hiếu đối với 4 công ơn to lớn.
Thứ nhất là ơn Tam Bảo, Đức Phật – bậc thầy chỉ đường dẫn lối, nhờ có nhiều kiếp tu tập mà đến kiếp hiện tại Ngài thành bậc Chính Giác, Ngài là bậc thầy, bậc đại ân đã nêu cao tấm gương hiếu đạo mà chúng ta phải báo đáp bằng cách chúng ta học, làm, nói và đi theo con đường Phật đã dạy. Báo ân Pháp, chúng ta hiểu rằng vạn pháp là vô thường, do đó chúng ta phải biết chuyên tâm tu tập trong những ngày ở tại chùa Bằng. Biết ơn Tăng là biết ơn các bậc thầy đã từ bỏ người thân, từ bỏ gia đình, từ bỏ những buồn vui, danh lợi của thế gian mà xuất gia học đạo rồi dạy bảo chúng ta sống cuộc đời phạm hạnh để đạt được sự an vui và từng bước đến bờ giải thoát. Do đó, chúng con nguyện báo ân Tam Bảo bằng sự tinh tấn, hoàn thiện tất cả điều lành, giữ nghiêm giới luật mà Đức Phật đã chỉ bày trọn vẹn.
Thứ hai là ơn Tổ quốc, nhờ có những người đã ngã xuống trong quá khứ hay ngay trong giờ phút này, họ đã và đang bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên và giữ vững sự bình yên cho chúng ta. Con xin nguyện tu tập để trả ơn những người có công với đất nước, cầu nguyện, hồi hướng công đức cho những hương linh đã bỏ mạng nơi sa trường, những vị thương binh, bệnh binh đã xả thân mình để chúng con có được ngày hôm nay.
Thứ ba là ơn cha mẹ sinh thành và ơn thầy dạy bảo. “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thầy cô dạy dỗ chúng ta, chúng ta vâng lời thầy chính là vâng lời cha, vâng lời cô chính là vâng lời mẹ. Vì vậy ta phải biết hiếu kính với cha mẹ và ta cũng phải vâng lời, lễ phép, hiếu kính với thầy, cô. Chúng con xin nguyện báo đáp công ơn của thầy cô, từ những người thầy, người cô dạy chúng con từ lúc nhỏ cho tới trường đời, chúng con cũng xin báo đền trong ngày tu tập hôm nay.
Cuối cùng là ơn vạn loài pháp giới chúng sinh. Để xã hội phát triển như ngày hôm nay, mỗi người mỗi công mỗi việc, tạo lên từng cộng đồng trong xã hội, và góp phần cho sự bình yên, phát triển bền vững của đất nước. Chúng ta sống trong cuộc sống này, chúng ta thụ hưởng thành quả lao động của biết bao nhiêu người. Sự bình yên đến từ các anh công an, bộ đội. Cơm ta ăn từ những giọt mồ hôi vất vả của các bác nông dân hàng ngày thức khuya, dậy sớm… Biết ơn tất cả mọi người, chúng ta nguyện đem công đức tu tập này để báo đền ơn đức”.
Khép lại bài pháp thoại ý nghĩa, Hòa thượng nhấn mạnh “Bốn ơn đó chính là tinh thần chủ đạo của Phật giáo, mà Đức Phật dạy chúng ta và Tam tạng thánh giáo đều đề cập. Không chỉ có mùa Vu Lan này mà tất cả 365 ngày, không một lúc nào chúng ta được quên bốn ơn sâu nặng. Có như thế, ta mới xứng đáng là con ngoan của cha mẹ, xứng đáng với danh xưng người đệ tử Phật môn”.
 

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Tiếp theo, dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Thanh Hải – Giáo thọ sư chùa Bằng cùng chư tôn đức Tăng bản tự, đại chúng đã thực hiện nghi thức “cung thỉnh gia tiên, cửu huyền Thất Tổ về tham dự khóa tu” và tụng thời kinh A Di Đà trong niềm chí thành, chí kính, đúng ý nghĩa “âm dương cùng tu”. Nghi thức “cung thỉnh gia tiên, cửu huyền Thất Tổ” là một nghi thức có phần khác biệt, bởi vì ông cha ta đã dạy “Con đâu cha mẹ đấy”. Tức là hôm nay con trở về chùa cầu nguyện cho cha mẹ thì hương linh cha mẹ ông bà Tổ tiên quá vãng con cũng mời về chùa để lễ Phật, nghe kinh, cùng tu trì để hương linh được giải thoát. Nhưng cũng là để chúng con tỏ lòng tưởng nhớ tới cha mẹ ông bà Tổ tiên quá vãng bằng nén hương thơm, bát nước trong, bông hoa tịnh để cúng dàng lên hương linh cha mẹ. Đồng thời tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tưởng nhớ tới pháp giới lục đạo chúng sinh để những vị đó trở về đạo tràng nghe pháp, hiểu đạo, chuyển hóa nguồn mê quay về bờ giác. 
 

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng bữa cơm chay bên nhau trong chính niệm tỉnh thức. Trong khóa tu Vu Lan này, đây không phải chỉ đơn thuần là bữa cơm của các cháu với ông bà, cha mẹ, mà còn là bữa cơm giữa những “đạo hữu” cùng tu trong ngôi nhà chính Pháp.
   
  
  
  
  
  
Đầu giờ chiều, hơn 1300 thanh thiếu niên và các Phật tử lớn tuổi đã cùng nhau vân tập về lại lễ đài, trang nghiêm thành kính tụng kinh Mục Liên sám Pháp quyển thượng và quyển trung nhằm hồi hướng công đức tu tập về Tổ tiên ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.
Được biết, tối nay sẽ chính thức diễn ra Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL2563 – DL2019. Ban biên tập sẽ tiếp tục đưa tin cập nhật về sự kiện này tới quý độc giả. 

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Diệu Tường -  Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu