Lớp băng vĩnh cửu của Siberi hiện giờ đang là một quả bom nổ chậm. Khi nó giải phóng khí metan và carbon trong đó, tất cả hoạt động trên thế giới này sẽ bị hủy hoại. Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỉ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Điều này đồng nghĩa tốc độ tan băng ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005. Các vùng băng đá ở Hymalaya được gọi là Cực Thứ Ba, bởi vì chúng được xem như Nam Cực và Bắc Cực, và chúng đã nuôi dưỡng cho một nửa dân số thế giới, chạy qua sông Hằng, sông Indus, Brahmaputra, Yangtse, sông Irrawaddy, sông Mekong và sông Hoàng Hà. Nhưng hiện nay chúng cũng đang tan rất nhanh, khiến mực nước biển ngày càng dâng cao hơn. Nếu băng tan, các nền kinh tế sẽ sụp đổ và sản sinh ra các dịch bệnh visus, đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.
Công lý và đức tin buộc chúng ta phải có trí tuệ và can đảm. Với một cái đầu trí tuệ, trái tim thuần khiết và bàn tay sạch sẽ. Xin đừng sợ hãi. Hãy sống và hành động! Sự can đảm chính là chìa khóa; Giáo dục là chìa khóa; Trí tuệ là chìa khóa. Chúng ta không thể làm sống lại lịch sử nhưng chúng ta có thể tạo nên lịch sử và đó là những gì mà các nhà lãnh đạo làm.
Hành tinh này là ngôi nhà chung của chúng ta - Mẹ Trái Đất. Hiện nay, chúng ta đang khai thác Mẹ Trái Đất như thể mọi thứ sẽ tồn tại mãi mãi, tài nguyên thiên nhiên là vô tận và luôn có nơi tiêu thụ và xử lý rác thải của chúng ta. Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ cha mẹ và dòng tộc của chúng ta. Con người là loài duy nhất có khả năng tiêu diệt Trái Đất, vì vậy nếu chúng ta có khả năng tiêu diệt Trái Đất, thì chúng ta cũng có khả năng để bảo vệ nó. Trái Đất của chúng ta dựa trên sự cân bằng mà ở đó mỗi sinh vật đều có vai trò của mình và chỉ tồn tại khi có sự hiện hữu của loài khác, một thế cân bằng tinh tế, rất dễ bị phá vỡ.
May mắn thay, gần đây đã có nhiều người hơn suy nghĩ về tác động của con người ảnh hưởng đến hành tinh, và môi trường cũng đang là mối quan tâm chính của các nhà chính trị. Điều cần thiết là chúng ta tìm ra các phương thức sản xuất mà không hủy hoại thiên nhiên. Thái độ của chúng ta liên quan đến môi trường cần thay đổi. Môi trường trong sạch nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi, và làm cân bằng nhiệt độ Trái Đất, mang lại sự phát triển tự nhiên trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội…
Những cánh rừng khỏe mạnh sẽ làm sạch không khí và cung cấp oxy cho các sinh vật, làm hài hoà các yếu tố và làm tăng tuổi thọ. Cây ăn quả cung cấp sự sống và là nguồn dinh dưỡng sức khỏe chủ yếu cho con người, cũng như có lợi ích cho các loài hữu tình khác. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni được sinh ra dưới gốc cây, Ngài giác ngộ dưới gốc cây và nhập Niết Bàn dưới gốc cây. Các vị bổn tôn trí tuệ của những cảnh giới phi thế gian cũng như các vị thần địa phương, rồng, quỷ thần đa phần đều ngụ ở trên cây. Trong Luật tạng của thánh Pháp cũng dạy các vị Tỳ Kheo cách nuôi dưỡng cây cối. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng cây cối tự nhiên cực kỳ quan trọng, trồng và chăm sóc cây là những việc làm công đức. Các quốc gia cần phải quan tâm đến việc tăng cường trồng các loại cây và hoa khác nhau xung quanh ở mọi nơi, trường học, văn phòng, bệnh viện, nhà máy, khách sạn, nhà ở, đường phố và tu viện. Chúng ta cũng nên giáo dục trẻ ngay từ nhỏ về cách bảo vệ cây cối.
Để sản xuất ra 1 kg thịt bò, chúng ta cần 50.000 lít nước. Để sản xuất ra 1 lít sữa chúng ta phải tốn 1.000 lít nước, vì vậy chẳng mấy chốc chúng ta sẽ phải uống nước thải tái chế. Và thực tế hiện nay nhiều người ở một số quốc gia đang phải uống nước thải tái chế. Một mẫu đất ở phương Tây sản xuất ra 100 kg thịt bò, 20.000 kg khoai tây, 40.000 kg rau diếp. Vậy mà có hơn một tỷ người trên Trái Đất này đang chết đói. Có khoảng 20 triệu người chết vì suy dinh dưỡng. Trong một năm ngành công nghiệp chế biến thịt đã tiêu hủy lượng động vật có số lượng lớn hơn số lượng loài người từng sinh ra. Vì vậy nếu chúng ta cắt giảm tiêu thụ thịt 10%, chúng ta đã có thể nuôi được 100 triệu người. Và nếu tất cả chúng ta giảm bớt tiêu thụ và ăn chay, chúng ta có thể nuôi sống hành tinh này mãi mãi. Dân số thế giới đã tăng gấp ba lần riêng trong thế kỷ 20 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong thế kỷ 21. Nếu mọi người đang tiêu thụ theo cách hiện tại, chúng ta sẽ cần phải có ít nhất hai Trái Đất mới đủ để nuôi sống chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có một Trái Đất thôi và Mẹ Trái Đất đang hấp hối.
Tương tự như vậy đối với rác, chúng ta phải hạn chế xả rác như giấy, chai nhựa, quần áo cũ, thức ăn thừa, các loại phế liệu sắt thép và những loại rác thải khác. Chúng ta phải ngừng việc xả chất thải chưa xử lý ra ngoài môi trường. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, đơn giản như việc tắt đèn trước khi rời khỏi phòng, tiết kiệm điện hay nhiên liệu xăng dầu, không ăn uống hay dùng đồ một cách lãng phí, hạn chế mua đồ mới nếu không thực sự cần thiết, nói không hoặc hạn chế dùng túi nilon và đồ nhựa, học cách tái sử dụng những đồ còn dùng được hoặc tái chế các sản phẩm đã bị bỏ đi. Ngày nay chúng ta không chỉ quan tâm tới việc vứt rác cho đúng chỗ quy định, phân loại rác cho đúng nơi mà còn là phải giảm thiểu tối đa rác thải.
Mỗi chúng ta, hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ!
Là những cư sĩ Phật giáo, chúng tôi tin vào mối liên hệ nhân quả, chúng ta cần trở nên tỉnh táo hơn trước ảnh hưởng do những hành vi của chúng ta tác động đến bản thân và người khác, đến hiện tại và tương lai. Những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay như xung đột bạo lực, phá hoại thiên nhiên, nghèo, đói… chủ yếu do con người gây nên. Chúng có thể được giải quyết nhưng chỉ thông qua sự nỗ lực của con người, thông qua sự hiểu biết và sự phát triển tình đoàn kết giữa các sắc tộc. Chúng ta cần phải trưởng dưỡng trách nhiệm chung, dựa trên trái tim từ bi và trí tuệ tỉnh giác.
Trong thế kỷ 20 và 21, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc chiến tranh, nạn đói nghèo, vấn đề ô nhiễm, nạn dịch bệnh và khổ đau. Theo giáo lý đạo Phật, những điều đó xảy ra là kết quả của sự thiếu hiểu biết và ích kỷ của chúng ta và cha ông ta trong quá khứ, bởi chúng ta thường không nhìn thấy mối quan hệ thiết yếu chung của tất cả chúng sinh. Trái Đất đang chỉ cho chúng ta những cảnh báo và chỉ ra rõ ràng về những ảnh hưởng tiêu cực to lớn do hành vi sai lầm của con người. Nếu vẫn tiếp tục tiêu dùng theo cách này, sẽ không còn nơi nào trên Trái Đất này dung chứa nổi lòng tham của chúng ta.
Để hành động bảo vệ MẹTrái Đất, chúng ta cần hiểu về sự tương thuộc lẫn nhau. Mọi người sinh ra đều muốn có hạnh phúc thay vì đau đớn. Vì vậy, chúng ta chia sẻ một cảm giác cơ bản chung. Chúng ta có thể phát triển hành vi đúng đắn để giúp Trái Đất và cùng nhau dựa trên một động lực tốt hơn, phát triển một ý thức đúng đắn về trách nhiệm chung. Khi chúng ta được thúc đẩy bởi trí tuệ và từ bi, kết quả hành vi sẽ đem lại lợi ích cho mọi người và lâu dài. Khi chúng ta có thể nhận ra và tha thứ những việc làm do thiếu hiều biết trước đây, chúng ta sẽ có được sức mạnh để giải quyết các vấn đề trong hiện tại.
Trái Đất là ngôi nhà và là Mẹ của chúng ta. Chúng ta cần phải tôn trọng và có trách nhiệm chăm sóc Mẹ. Giáo dục môi trường chính là học cách duy trì một lối sống cân bằng. Tất cả các tôn giáo đều đồng ý rằng chúng ta không thể tìm thấy sự hài lòng nội tại dài lâu dựa trên những ham muốn ích kỷ những tiện nghi vật chất. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực tập sống thiểu dục tri túc, bình yên trong tâm hồn, cùng nhau cầu nguyện cho sự bình an của Trái Đất thay vì ráng sức sở hữu nó, phá hủy vẻ đẹp của cuộc sống.
Chúng ta là những người học Phật, cần hiểu rõ về Chánh báo và Y báo. Y báo là hoàn cảnh, môi trường sống. Chánh báo là tâm thức của người sống trong môi trường ấy. Như Tịnh độ Tây phương là Y báo của Chánh báo, là sự thành Phật và những lời nguyện của Đức A Di Đà. Y báo và Chánh báo là một. Tâm và cảnh là một. Hoàn cảnh, môi trường sống của chúng ta như thế nào thì tâm thức chúng ta cũng như vậy. Môi trường nhếch nhác, hư hoại thì tâm thức của chúng ta cũng nhếch nhác, hư hoại. Và tâm thức tốt đẹp thì môi trường phải tốt đẹp. Cho nên cứu lấy môi trường, cứu lấy Trái Đất cũng là cứu lấy tâm thức của chúng ta.
Để kết thúc tham luận, chúng tôi xin trích dẫn bốn câu thơ từng được biết
“Đại gia bất động sản
Chết nằm dưới cỏ xanh
Mới hay mình của đất
Đất không phải của mình”
Nguyện cho những khu rừng được vun trồng và tăng trưởng ở khắp mọi nơi!
Nguyện cho các đại dương được sạch trong và các giống loài được sinh trưởng trù phú!
Nguyện cho các chúng sinh được tự do và được sống đời hạnh phúc!
*Trích từ bài tham luận "Tiêu thụ và môi trường bền vững Phật giáo với văn hóa tiêu dùng thời cách mạng công nghiệp 4.0" của nhóm tác giả Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng - Thuần Tâm Thảo Triều đã được in vào kỷ yếu và đã được trình bày tại Hội thảo tiếng Việt ngày 11/5 tại Đại lễ Vesak LHQ 2019 ở Tam Chúc Hà Nam.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Thuần Tâm Thảo Triều
Nguồn: Phatgiao.org
|
|