Gieo những mầm xanh lên vùng đất chết
Vào buổi sáng Ngày Trái đất cách đây hai năm, hàng ngàn người, bao gồm các nhà sư, các em học sinh, cho đến lực lượng vũ trang Ấn Độ cùng tình nguyện viên đã có mặt tại ngôi làng nhỏ Yerat nằm trên dãy Hy Mã Lạp Sơn cùng nhau trồng cây xanh trên các triền đồi khô cằn với mong muốn cải thiện môi trường sống trước các biểu hiện của biến đổi khí hậu nơi đây.
Người dân vùng núi Hy Mã Lạp Sơn tích cực tham gia các chương trình trồng cây bảo vệ môi sinh
Chỉ trong vài giờ, diện tích đất trọc đã được phủ kín với hơn 3 ngàn cây non. Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục phủ xanh các triền dốc gần làng Chillam.
Khi được hỏi về động lực tham gia các cuộc phát động trồng cây xanh quy mô lớn những năm gần đây, hầu hết mọi người đều vui vẻ cho biết họ được truyền cảm hứng từ ngài Kyabgön Chetsang Rinpoche và tầm nhìn về một Ladakh (Bắc Ấn Độ) đầy màu xanh, tươi mát.
Tại những khu vực sinh thái nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Ladakh, các biểu hiện môi trường nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu toàn cầu không nằm trong dự đoán xa xôi nữa mà là thực tế rõ ràng trước mắt.
Ngài Chetsang Rinpoche sinh năm 1946 ở Lhasa - Tây Tạng, là lãnh đạo thứ 37 của dòng truyền thừa Drikung Kagyu và có sự quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn rất nhỏ. Trong những năm qua, ngoài đóng góp to lớn trong hoạt động nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và văn hóa, khuyến khích đời sống chay lạt, ngài cũng trở thành tiếng nói thúc đẩy phát triển bền vững và nhấn mạnh nhu cầu nhận diện tác động của biến đổi khí hậu tại vùng Hy Mã Lạp Sơn.
Vị lãnh đạo Phật giáo này đã kêu gọi các lãnh đạo liên tôn giáo và chính bản thân mình “không nhất nhất chỉ ở trong tu viện và cầu nguyện cho thế giới tốt đẹp hơn” mà cũng cần thiết “đi vào lòng xã hội và giúp đỡ mọi người trước yêu cầu của thời đại”.
Nỗ lực bảo vệ môi sinh của các nhà sư và Phật tử vùng Hy Mã Lạp Sơn
Theo thống kê của các nhà khoa học, Ladakh đã mất đi vĩnh viễn 20% nguồn dự trữ nước từ băng. Các dòng sông băng mà người Ladakh trung niên từng leo trèo đùa nghịch khi còn thơ ấu nay đã biến mất và những thác tuyết một thời “ôm ấp” các ngôi làng trong mùa đông nay đã trở nên vô cùng hiếm hoi. Và gần như tất thảy các ngôi làng ở Ladakh phụ thuộc duy nhất vào nguồn cung nước từ tuyết tan và các dòng sông băng; tuy nhiên, nhiệt độ tăng lên và diện tích sông băng bị thu nhỏ lại trong những năm qua không đảm bảo nguồn cung cấp nước cho dân làng trong tương lai.
Các nhà sư đóng vai trò quan trọng trong việc chung tay ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực
Trước tình hình nguồn nước đang bị giới hạn đáng kể và tiếp tục thiếu hụt trong tương lai - khi khủng hoảng khí hậu diễn tiến và biểu hiện trầm trọng hơn tại khu vực này, ngài Chetsang cùng các nhà sư, các lãnh đạo cư sĩ Phật giáo tại Ladakh đã bắt đầu nhiều dự án thích ứng với tình trạng khí hậu cực đoan. Ở khu vực Đông bắc Ladak, người dân và các tu sĩ ủng hộ hoạt động của tổ chức Go Green, Go Organic (tạm dịch Sống xanh, Sống thuần tự nhiên). Được lãnh đạo và vận hành bởi một nhóm các nhà sư và đại diện dân làng là Phật tử, tổ chức này đã phát động trồng hàng trăm ngàn cây giống địa phương ở các khu vực trũng thấp và dọc theo các dòng chảy ở Ladakh.
Nỗ lực này được ghi nhận đầu tiên tại làng Shayok vào năm 2014. Ngoài việc cung cấp thức ăn cho gia súc trong làng và làm giảm chi phí carbon liên quan tới nhập khẩu gỗ xẻ vào Ladakh, tổ chức thân thiện với môi trường này hy vọng “các dự án trồng rừng trên những dãy núi trong khu vực sẽ làm chậm sự mất nước, giúp giữ gìn nguồn nước tốt hơn và biến các ngôi làng nơi đây trở thành các cộng đồng không sản xuất và thải carbon ra môi trường”. Go Green, Go Organic còn tích cực ủng hộ phát triển nông nghiệp 100% tự nhiên tại các ngôi làng ở khắp Ladakh.
Ngoài ra, tại vùng Sham, ngài Chetsang và các lãnh đạo tu viện đã làm việc với dân làng (cả người theo đạo Hồi) cùng kiến thiết nhiều công trình hồ chứa nước. Dù khác nhau về hình thức, tất cả các công trình này đều chuyển hướng nước từ các dòng chảy vào những vùng thu giữ nước trong mùa đông. Nhờ đó, thay vì xuôi dòng về hạ lưu, nước được dự trữ ở dạng băng phía trên các ngôi làng, đáp ứng cho canh tác nông nghiệp của người dân Ladakh.
Năm 2016, dòng sông băng nhân tạo đầu tiên đã được thực hiện ở làng Kukshow. Trong mùa đông năm đó, sông đã trữ được lượng băng dày gần 92m, cung cấp nước cho nông dân vào đầu mùa hè. Kể từ đó, lãnh đạo các tu viện Phật giáo đã tổ chức và hỗ trợ xây dựng hệ thống trữ băng nhân tạo tương tự ở nhiều ngôi làng khác.
Các nhà sư xem những công trình này là “hoạt động không tách rời sự thực hành tôn giáo của mình và là hình thức mở rộng hoạt động tôn giáo theo tình hình xã hội”. Theo mô tả của một vị tu sĩ, người xuất gia tại Ladakh theo truyền thống thường dành thời gian để cử hành các nghi lễ, cầu nguyện và thiền tập nhưng “trước vô số các vấn đề của thế giới ngày nay, các nhà sư và Phật tử cần làm điều gì đó chứ không chỉ hành thiền và tụng chú mỗi ngày. Ngày nay, chúng tôi là những nhà sư hành động!” - chia sẻ của một nhà sư ở Ladakh.
Đăng Minh
(theo
Lion’s Roar)