Cập nhật lúc 08:23:14 29-09-2017 (GMT+7)

Làm phát sinh các nguyên nhân của hạnh phúc

 
Tất cả mọi cá thể đều bình đẳng với nhau trong việc tìm kiếm hạnh phúc và lẩn tránh khổ đau, đó là bản năng và quyền hạn của mỗi cá thể. Phương pháp giúp thực hiện ước vọng đó là cách tìm hiểu những nguyên nhân nào, những điều kiện nào sẽ giúp cho hạnh phúc nẩy nở và thăng tiến, và những nguyên nhân nào, những điều kiện nào gây ra đớn đau và khổ sở. Đấy là những gì chính yếu và đích thực trong việc tu tập Phật pháp.
 

 

Trong tập luận Dẫn nhập về Trung đạo, Nguyệt Xứng (Candrakirti) xác nhận rằng toàn thể thế giới, gồm sinh linh và có giác cảm và môi trường, là kết quả tạo ra từ sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân và nhiều điều kiện. Khi nêu nên điều này, Nguyệt Xứng muốn chỉ định những nguyên nhân và điều kiện tạo ra nghiệp (karma) của chúng sinh.

Mỗi cá thể sinh ra trong thế giới này, suy thoái và chấm dứt hiện hữu – nếu ta khảo sát dòng tiếp nối ấy không gián đoạn của các nguyên nhân và điều kiện, ta sẽ thấy dòng nối ấy chẳng qua chính là nghiệp, dù đấy là nghiệp tiêu cực hay tích cực.

Nghiệp về phần nó lại ăn rễ vào những ý đồ và xu hướng, ý đồ và xu hướng lại chuyển ngược vào thể dạng tâm thức của một cá thể. Một thể dạng tâm thức an bình và kỷ cương sẽ làm phát sinh những cảm nhận tốt đẹp và tích cực; một thể dạng tâm thức có xu hướng tiêu cực sẽ làm phát sinh những cảm nhận đớn đau và khổ sở. Phật có nói trong nhiều kinh sách rằng tâm thức là kẻ sáng tạo ra tất cả chúng sinh và thế giới Ta – bà; điều này cũng áp dụng cho trường hợp của Niết – bàn. Vì thế, với một ý nghĩa nào đó, ta có thể nói tâm thức là kẻ sáng tạo ra cả thế giới Ta – bà lẫn Niết – bàn.

Tất cả mọi cá thể đều bình đẳng với nhau trong việc tìm kiếm hạnh phúc và lẩn tránh khổ đau, đó là bản năng và quyền hạn của mỗi cá thể. Phương pháp giúp thực hiện ước vọng đó là tìm cách tìm hiểu những nguyên nhân nào, những điều kiện nào sẽ giúp cho hạnh phúc nẩy nở và thăng tiến, và những nguyên nhân nào, những điều kiện nào gây ra đớn đau và khổ sở. Đấy là những gì chính yếu và đích thực trong việc tu tập Phật pháp.

Thể dạng tâm thức của chúng ta lúc này đây – đang hạnh phúc, bực bội, hay đang là con mồi cho những xúc cảm khác – nhất định đang lệ thuộc vào nhiều yếu tố, sự lệ thuộc ấy có thể chỉ đơn giản thuộc bình diện vật chất, chẳng hạn như đang mệt mỏi hay đang thư giãn. Tuy nhiên, vô số những quá trình tư duy của ta không nhất thiết chỉ lệ thuộc vào những điều kiện đơn thuần vật chất mà thôi. Sau cùng, ta sẽ nhận ra rằng chính những biến cải nội tâm mới có thể giúp ta cải thiện được thể dạng tâm thức mà ta mong muốn.

Khi ta đề cập đến tâm thức hay tri thức ta phải gạt bỏ ngay khái niệm chỉ định một thực thể đơn thuần và độc nhất. Cũng giống như trường hợp có nhiều chủ để suy tư khác biệt, thế giới nội tâm của ta cũng thế cũng bao gồm nhiều khuynh hướng tri thức, nhiều dạng thể tâm thần, nhiều quá trình tư duy khác nhau và cứ tiếp tục như vậy. Đối với những vật thể vật chất bên ngoài, ta có thể dễ dàng nhận thấy một số có tính cách lợi ích và một số khác lại có hại cho ta; sự phân biệt ấy thúc đẩy ta lẩn tránh những thứ độc hại và mặt khác tăng thêm tiềm năng cho những gì tích cực. Cũng thế, đối với thế giới nội tâm – bằng cách chọn lọc những thể dạng tâm thần – ta có thể làm nảy nở những thể dạng tâm thức tạo ra những cảm tính trong sáng không những trong hiện tại, mà còn có thể tiếp tục đem đến trong tương lai những thể dạng tâm thức tích cực hơn và hạnh phúc hơn.

Một vài loại tư duy và xúc cảm có thể tức thời gây ra bấn loạn trong tâm thức và tạo ra một bầu không khí tiêu cực. Nhưng có những loại tư duy và xúc cảm khác, lúc đầu tạo ra những cảm tính thích thú và hạnh phúc, nhưng về lâu dài, sẽ trở thành tàn phá. Vì thế, thật là hệ trọng phải phân biệt cho rõ thể trạnh tâm thức nào là nguy hiểm và thể dạng tâm thức nào đem đến lợi ích một cách thật sự.

Trong số những thể dạng lợi ích, ta phải nhận biết những lợi ích nào có tính cách ngắn ngủi và những lợi ích nào có tính cách lâu dài. Trong trường hợp phải chọn giữa hai tiêu chuẩn vừa kể, ta nên hướng vào những hậu quả có tính cách lâu dài hơn, chúng có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Một vài thể dạng tâm thức lúc đầu có thể tạo ra khó chịu, không vừa ý hoặc kém phần hân hoan. Tuy nhiên, ta phải giữ bình tĩnh để đối đầu với chúng đương đầu với những thử thách do chúng tạo ra, rồi ta sẽ có thể biến cải tình thế đó trở thành những dạng thể tâm thần bình lặng và hạnh phúc hơn. Khi biết chọn lựa giữa hậu quả ngắn ngủi và lâu bền, ta mới có thể phát huy những thể dạng tâm thức tích cực đem đến cho ta những hậu quả đúng như mong ước.

Một bên là những hành vi và thể dạng tâm thức cần được khích lệ, một bên là những hành vi và thể dạng tâm thức cần phải loại trừ, sự lựa chọn phải thật cẩn thận. Khả năng nhận biết hai thể dạng đó được chỉ định bằng danh từ tri thức phân biệt, khả năng này là một trong những đặc tính riêng biệt của con người.

Mặc dù tất cả mọi sinh linh có giác cảm đều ngang hàng với nhau trong mưu cầu từ bản năng đạt được hạnh phúc và vượt khỏi khổ đau, nhưng con người có một khả năng cao hơn, biết suy nghĩ về những hậu quả có tính cách ngắn hạn và dài hạn. Nhờ thừa hưởng khả năng tưởng tượng rộng lớn hơn, con người đạt được một năng lực quan trọng hơn trong việc thực hiện những ước vọng của họ.

Trong số những thể loại thuộc về tri thức phân biệt, thì thể loại tri thức biết chọn lựa bản chất tối hậu của hiện thực là quan trọng hơn hết – tức là sự thực hiện tánh Không. Có rất nhiều phương pháp nằm trong tầm tay của ta để phát huy sự hiểu biết tối thượng đó; một trong những phương pháp quan trọng nhất đó là nghiên cứu kinh sách để tìm hiểu triết lý tánh Không.


TENZIN GYATSO. Hoang Phong dịch (trích từ Tu Tuệ)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 53

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu