Cập nhật lúc 09:56:18 20-08-2020 (GMT+7)

Mùa an cư năm đó...

Tôi nhớ hồi nhỏ, lần đầu tiên tôi đi chùa là lúc khoảng 5, 7 tuổi. Bà ngoại dẫn tôi đến chùa gần nhà, vào các ngày lễ lớn của Phật giáo. Tôi không nhớ rõ là lễ Phật đản hay Vu lan, chỉ nhớ, lần đầu tiên đến chốn đông người tôi rụt rè, núp sau lưng ngoại. Nhưng 30 phút sau, tôi kết thân được với ba người bạn mới và chạy nhảy vui chơi khắp chánh điện.


anh 111.jpg
Hồn nhiên - Ảnh minh họa

Thuở nhỏ, tôi chỉ nghĩ đến chùa là để được ăn những bữa cơm chay thật ngon, được vui chơi thỏa thích. Nhưng năm 12 tuổi, tôi đã thích và chủ động đến chùa, nhất là vào mùa hè, để rèn cái nết, vì mỗi lần đến chùa, tôi đều được quý sư dạy cho về ngũ giới, việc nên làm, việc cần tránh.

Mùa an cư, quý sư cấm túc tu học, tôi cũng “tu ké” một cách đúng nghĩa. Sau mỗi buổi công phu sáng, tôi “lăn” vào bếp phụ quý sư nấu cơm cúng ngọ. Bây giờ, tôi biết nấu các món chay, cũng là học lỏm từ đây. Mùa an cư, không thời công phu tối nào tôi bỏ sót. 

Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là khi vào chùa thấy mấy cô, chú Phật tử mặc áo tràng, đồ lam, tôi thích lắm, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua. Mùa an cư năm đó, trong lúc chuẩn bị y hậu cúng dường trai tăng, sư phụ đã mót vải, may riêng cho tôi một cái áo tràng. Cả ngày hôm đó, tôi nhảy chân sáo, vui không tả được.

Từ ngày có chiếc áo tràng của sư phụ may cho, tôi luôn nhắc nhở bản thân: “Mình là Phật tử”. Những lúc chênh vênh trong cuộc sống, hay lúc bị ức hiếp, thị phi, tôi nhớ đến lời dạy của sư phụ và quý sư, nhờ đó mà hành động chuẩn mực. Có đôi khi bế tắc, nhớ hình ảnh của sư phụ, rồi niệm danh hiệu Đức Phật Bổn Sư, tôi lại thấy mọi phiền muộn dần tan biến, khúc mắc được tháo gỡ nhẹ nhàng. Đó cũng là lúc tôi biết dừng lại và nhìn kỹ bản thân.   

Đến chùa học đạo, bòn phước trong mùa an cư, đó là một trong những điều may mắn nhất ở tuổi trẻ của tôi. Nhờ lời dạy của quý sư mà tâm hồn tôi được nuôi dưỡng bằng những chất liệu yêu thương, và cũng nhờ đó, tôi có được một hành trang vững chãi để bước vào đời.

Chiếu Hoàng
(Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM)
Nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu