Khuôn viên Trường Đại học Phật giáo Pháp Giới (Bắc California) nhìn từ trên cao
Nơi “hạt giống trở thành một vị Phật” được gieo xuống
Vạn Phật Thánh Thành được Hòa thượng Tuyên Hóa (1918-1995, Trung Quốc) kiến thiết năm 1974, là một trong ba cộng đồng Phật giáo lớn nhất tại Tây bán cầu. Ngài là vị tu sĩ Phật giáo châu Á nổi tiếng với nhiều hoạt động hoằng pháp tại Hoa Kỳ cùng các công trình Phật giáo quy mô lớn.
“Mỗi người đến đây đều có cơ hội trở thành một vị Phật. Miễn là bạn đặt chân đến đây, một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành Phật. Tên gọi ‘Vạn Phật’ chỉ mang tính ước lệ nên tất cả mọi người đến ‘thành phố’ này đều sẽ có khả năng trở thành những vị Phật. Bất kỳ ai đến với Vạn Phật Thánh Thành và có sự tu tập, sẽ thực sự đi vào dòng Thánh, bởi dù thiện lành hay xấu ác, tất cả chúng ta đều có hạt giống Phật bên trong mình. Khi chúng ta gieo trồng những hạt giống này xuống, chúng sẽ cho quả ngọt trong tương lai…”, Hòa thượng Tuyên Hóa nói về tên gọi và ý nghĩa việc xây khu phức hợp Phật giáo có diện tích 238ha tại miền Tây nước Mỹ.
Hiện, khoảng 32ha diện tích khuôn viên được phát triển thành các khu phức hợp với 25 trong tổng số 70 tòa nhà tại đây được sử dụng cho mục đích tôn giáo, giáo dục, hành chính và nhà ở. Phần diện tích còn lại là những cánh đồng, vườn nho, vườn cây ăn quả và những cánh rừng xanh.
Từ năm 1975, tu viện đã thành lập và vận hành một ngôi trường trung học, chú trọng việc giáo dục và phát triển đạo đức cho thanh thiếu niên. Tại đây, các nam sinh và nữ sinh được học riêng biệt, với khẩu hiệu đào tạo gồm “6 điều không” - không bạo lực, không gian tham, không tham cầu, không ngã mạn, không mưu cầu cá nhân, không nói dối.
Ngoài các môn học phổ quát trong hệ thống giáo dục trung học tại Hoa Kỳ, học sinh của trường được tiếp xúc với các nguyên tắc và cách hành xử đạo đức trong môi trường học đường và cuộc sống với mục tiêu “sau khi trưởng thành, các em có thể phục vụ cho đạo pháp, cho sự hòa bình và hưng thịnh của chúng sinh”. Sự giáo dục nghiêm túc của trường khiến nhiều phụ huynh Hoa Kỳ tin tưởng và gửi con em đến học tại đây.
Hơn thế, với mong muốn nâng cao trình độ học vấn và Phật học trong các thành viên Tăng đoàn; đặc biệt là các kỹ năng hoằng pháp, Trường Đại học Pháp Giới - DRBU ra đời vào năm 1976, hoạt động dựa trên các nguyên tắc nhân văn, đạo đức nhằm giáo dục, phát triển học viên thành người lãnh đạo tài đức. Do vậy, ngoài đào tạo học thuật, nhà trường còn chú trọng phát triển phẩm chất đạo đức, khuyến khích người học theo đuổi các mục tiêu cao thượng và những giá trị sống tốt đẹp. “Trong quá trình học và thanh lọc, chuyển hóa thân tâm, học viên sẽ phát triển trí tuệ tự thân và khởi phát được lòng từ bi bên cạnh kiến thức chuyên môn và các phẩm chất khác. Nhà trường hướng đến đào tạo học viên thành người lãnh đạo thực tài và chính trực cho thế giới”.
Sinh viên, học viên trường trong một thời thiền hành
Năm 2018, các chương trình học thuật của trường được công nhận bởi Hiệp hội Các trường Đại học phương Tây, thuộc Ủy ban Giáo dục Đại học và Cao đẳng - tổ chức giáo dục đào tạo bậc học cao tại California, Hawaii và Thái Bình Dương. Theo đó, đây là trường tư thục quy mô nhỏ, hoạt động phi lợi nhuận với phương châm “phát triển trí tuệ tự thân”. Hiện nay, trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, nhà trường được phép đào tạo chương trình cử nhân 4 năm đối với các ngành học tự do và thạc sĩ chuyên ngành Phật giáo trong 2 năm.
Trường Đại học Pháp Giới thích ứng hoạt động trong đại dịch Covid-19
Cũng như các khu vực khác tại Hoa Kỳ, DRBU cũng phải “chiến đấu” với dịch Covid-19 khi sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 khiến đất nước này phải áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhiều nơi. Do đó, từ tháng 3, nhiều học viên, sinh viên của trường đã phải tạm ngưng việc học tập, nghiên cứu để quay về nước, phòng tránh dịch bệnh.
Song song đó, Trường Đại học Pháp Giới và Vạn Phật Thánh Thành cũng phải đóng cửa, tạm ngừng các sinh hoạt đông người và đón tiếp khách tham quan nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Trong thời gian này, nhà trường cũng bắt đầu triển khai nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời giúp đỡ các học viên, sinh viên quốc tế của trường có nguyện vọng quay về nước như: hỗ trợ mua vé máy bay, đưa sinh viên ra sân bay, chuẩn bị và gửi tặng các thiết bị bảo hộ phòng dịch cá nhân, giúp học viên bảo quản tài sản, vật dụng trong thời gian vắng mặt ở trường.
Thực hành thiền với sự hướng dẫn
Trường DRBU đã phát động chiến dịch kêu gọi quy mô toàn cầu cho việc đóng góp, hỗ trợ thiết bị bảo hộ đến lực lượng nhân viên y tế hoạt động trong tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Tính đến tháng 4, nhà trường đã kêu gọi được 200.000 khẩu trang y tế, tặng đến các cơ sở y tế điều trị Covid-19 ở địa phương.
Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường cũng lên kế hoạch tổ chức học trực tuyến, tiếp tục các học phần sau cùng của học kỳ trong thời gian hạn chế di chuyển vì dịch bệnh. Đặc biệt, lễ tốt nghiệp và chương trình chúc mừng được tổ chức trực tuyến cho sinh viên đã hoàn thành học phần, vào tháng 6 qua.
Cũng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hoa Kỳ, chính phủ nước này đã thông qua quyết định “yêu cầu du học sinh quốc tế trở về nước nếu không có nơi lưu trú trong các trường đại học”. Điều này buộc nhà trường và hàng ngàn tổ chức giáo dục trên khắp nước Mỹ gấp rút chuẩn bị nơi lưu trú an toàn cho sinh viên, dù chương trình học online đã được triển khai và áp dụng rộng rãi từ trước đó.
Trước tình hình này, nhà trường và hàng loạt các cơ sở và tổ chức giáo dục toàn quốc; trong đó có Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và 200 trường đại học khác đã trình kiến nghị, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và tại Hoa Kỳ dành cho sinh viên quốc tế, Chính phủ đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn đối với chính sách liên quan.
Học viên trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, lan tỏa năng lượng yêu thương và từ bi
Và để hỗ trợ học viên, sinh viên của mình, Đại học Pháp Giới cũng đã xây dựng một khuôn viên lưu trú nhỏ, dành cho những đối tượng quyết định ở lại trường. Theo ghi nhận của nhà trường, có khoảng 44 sinh viên tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Canada, Trung Quốc, Italy, Mexico và Malaysia vẫn còn ở quê nhà và đều đặn tham gia chương trình học trực tuyến trong mùa thu này.
“Nhà trường luôn nỗ lực và mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học viên và sinh viên trên toàn thế giới. Trường là điểm đến dành cho những ai có mối quan tâm sâu sắc đến môi trường sống và cộng đồng, cho những ai sẵn sàng mở lòng vì những thiện nghiệp, hành vi tốt đẹp và có niềm tin rằng dù với nỗ lực nhỏ bé của cá nhân, sự sân giận, sợ hãi và chia cắt trong cuộc sống cũng sẽ dần nhỏ lại. Tuy chỉ là những ngọn đèn bé nhỏ nhưng mỗi người có thể lan tỏa nguồn ánh sáng đến muôn nơi. Chúng ta phụng sự vì điều này và đây là lý tưởng dẫn đường cho chúng ta…”, chia sẻ của Susan Rounds, lãnh đạo DRBU về tôn chỉ hoạt động của trường trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay.
Trần Trọng Hiếu /
Báo Giác Ngộ
(theo
The Buddhist Door, www.drbu.edu)