Nhà sư Luang Phor Pian Wat Kerentin qua đời tại Bệnh viện Bangkok vào ngày 16 tháng 11 năm 2017 ở tuổi 92. Ông rất được người dân địa phương kính trọng, vì thế người ta đặt thi hài ông trong một ngôi đền và các đệ tử sẽ thường xuyên thay áo choàng cho ông.
Một lần vào khoảng 2 tháng sau khi ông qua đời, các đệ tử tiến hành thay áo choàng cho ông thì vô cùng kinh ngạc khi phát hiện thi thể ông không hề bị phân hủy, chỉ có lớp da khô đi, gương mặt vẫn rất bình thản, thậm chí trên môi ông vẫn giữ nét cười.
Nhục thân nhà sư Luang Phor Pian vẫn nguyên vẹn sau 2 tháng viên tịch, hơn nữa trên gương mặt vẫn còn nét mỉm cười thanh thản. (Ảnh: Facebook)Thi thể của ông trong trạng thái như người mới mất chưa đầy 36 tiếng. Đây được xem như một dấu hiệu cho thấy nhà sư Pian đã thực sự đạt đến trạng thái Niết Bàn.
Nhiều người tận mắt chứng kiến cảnh tượng này đã dùng điện thoại chụp lại và đăng lên mạng xã hội. Những bức ảnh sau đó cũng được chia sẻ rộng khắp trên các phương tiện truyền thông Thái Lan.
Là người gốc Campuchia, nhưng ông Pian trải qua phần lớn cuộc đời là một nhà tu hành Phật giáo tại ngôi chùa ở tỉnh Lopburi, miền trung Thái Lan. Sau khi qua đời tại bệnh viện ở Bangkok, thi hài của ông cũng được chuyển về đây.
Lúc còn sống, nhà sư Luang Phor Pian rất được người dân địa phương kính trọng và yêu mến. Người ta kể hồi trước khi chứng kiến cảnh gần chùa thường xảy ra các việc như cướp bóc, bạo lực, ông cảm thấy vô cùng buồn bã cho người dân bị thiệt hại. Bên cạnh đó, những người hành ác cũng lại rất đáng thương, bởi họ không biết rằng trên đời còn có luật nhân quả, họ chỉ đang trong mê mà tạo nghiệp. Sớm muộn gì họ cũng phải nhận hậu quả cho những hành động của mình mà thôi.
Từ đó, ông thường xuyên gặp gỡ, khuyên răn mọi người, hy vọng mọi người làm việc cần quang minh lỗi lạc, đường đường chính chính, đồng thời cần tăng cường soi xét, sửa đổi lại chính mình để có được tương lai tốt đẹp.
Nhà sư Pian khi còn sống. (Ảnh: Sohu.com)Tại Thái Lan, năm 2017 cũng có một vị cao tăng khác thi thể không bị thối rữa sau khi viên tịch. Đó là nhà sư Luang Phor Lui Wat RatChaYoTa, ở chùa Wat Takko, tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, qua đời vào ngày 19/7/2017, thọ 95 tuổi. Ba tháng sau khi ông mất, các tăng lữ trong chùa cử hành lễ tụng kinh 100 ngày, khi mở nắp quan tài cũng phát hiện thi thể của ông không bị phân hủy, chỉ biến đổi màu sắc thành đen, người khô lại, nét mặt điềm tĩnh an hòa, giống như vẫn đang ngủ. Sau đó nhà chùa đã đặt thi thể ông vào quan tài bằng kính để các Phật tử tới tưởng niệm.
Ngoài ra từ xưa đến nay, tại nhiều vùng đất trên khắp phương Đông cũng có rất nhiều thân thể bất hoại như vậy xuất hiện. Chẳng hạn như thân thể Đại sư Huệ Năng triều đại nhà Đường hiện đang được thờ cúng tại Nam Hoa Tự, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; thi hài của Tỳ Kheo Ni Nhân Nghĩa sư thái (1911-1995) ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc; thi hài của cao tăng Thích Ẩn Liên ở nội Mông Cổ; nhà sư Samatha Kittikhun, chùa Khunaram ở Thái Lan; thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu và thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích Bắc Ninh; 2 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu Hà Nội, Việt Nam,…
Tại sao nhục thân của các nhà sư này lại có thể không bị phân hủy như vậy? Cho đến nay, hiện tượng này vẫn còn là một ẩn đố không thể giải thích đối với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, trong giới tu luyện có thể lý giải về hiện tượng này.
Đó là thông qua phương pháp tu luyện thiền định, người tu luyện không ngừng thanh lọc tư tưởng, nâng cao đạo đức, tâm tính và chịu khổ để trừ bỏ nghiệp lực, thân thể của họ cũng sẽ cải biến theo, cơ thể dần chuyển hóa sang vật chất cao năng lượng nên không bị ước chế bởi quy luật vật lý thông thường. Hiện tượng đó còn được gọi là trạng thái “thân kim cương bất hoại”. Đó cũng là khi nhà sư đã giải thoát khỏi bể khổ luân hồi và đến được cõi Niết Bàn. Các trường hợp trên có lẽ là những minh chứng rõ ràng cho điều này.
Hồng Liên (t/h)
Nguồn: Tinh Hoa
|
|