TAM VÔ LẬU HỌC
Giới, Định, Tuệ gọi là Tam vô lậu học. Nghĩa là sao? Là ba việc không bị rơi rớt. Nói cách khác là ba môn học giải thoát. Không rơi rớt ở đâu? Không rơi rớt trong tam giới là giải thoát rồi. Nói Tam vô lậu học nghe khó hiểu, mà nói rõ rằng ba môn học để giải thoát sanh tử. Muốn tu giải thoát sanh tử thì phải có đủ giới, định, tuệ.
Giới là giới luật. Hàng Sa-di giữ 10 giới, Tỳ-kheo 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới. Chủ trương của tôi là tăng ni phải giữ những giới căn bản, giữ cho được. Những giới chi tiết, giữ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Quan trọng là những giới căn bản. Từ giới sanh định. Thường người ta nói giới sanh định nhưng thật sự giới chưa sanh định. Giới chỉ giúp để bảo vệ cho chúng ta tăng trưởng thiền định. Ví dụ chúng ta ngồi thiền cốt để cho tâm không xao lãng, không chạy bậy. Nếu người nào phạm giới rồi thì ngồi nhưng tâm vẫn chạy bậy, kềm không nổi. Vậy nên giới là hàng rào ngăn ngừa không cho chúng ta chạy bậy hay rơi vào những nơi tội lỗi sâu thẳm khác.
Nếu nói cho đủ, giới là “Phòng phi chỉ ác”. Phòng là ngừa, phi là lỗi, ngăn ngừa các lỗi cho mình, chỉ ác là dừng bỏ tội ác. Như vậy giới có tính cách ngừa lỗi và dứt ác cho chúng ta, chứ không phải là thiền định. Nhưng giới giúp cho thiền định. Trong kinh hay ví dụ ngọn đèn đốt để ngoài trời bị gió thổi nên dễ tắt. Nếu ngọn đèn đó có ống khói chụp lên thì nó đứng yên. Cũng vậy, giới như ống khói chụp đèn, giữ cho ngọn đèn trí tuệ của chúng ta được sáng. Giới là ngừa đón, nên nói giới sanh định là vì thế. Nhờ có giới cũng như nhờ có bóng đèn nên ngọn đèn không bị tắt. Cũng vậy, nhờ giới mà tâm chúng ta không xao lãng, được yên định, nên trí tuệ phát khởi. Vì vậy mà nói giới sanh định.
Tại sao thiền định lại sanh trí tuệ? Vì nhờ thiền định lóng lặng tâm vọng. Khi tâm lóng lặng rồi thì trí tuệ phát sáng. Trí tuệ đó là trí tuệ gì? Trí vô sư. Từ Văn Tư Tu cũng có trí tuệ, từ Giới Định Tuệ cũng có trí tuệ, vậy hai thứ trí tuệ này là một hay khác? Khác vậy. Trí tuệ trước là trí hữu sư, trí do có học; trí tuệ sau là trí vô sư, trí không do học. Lúc thiền định đâu có học với ai. Mọi thứ vọng động lặng xuống thì sáng. Đấy gọi là trí vô sư. Trí hữu sư là trí từ bên ngoài mà được, còn trí vô sư là trí tự tâm phát ra. Như vậy trí vô sư mới có công năng giải thoát sanh tử. Hiểu như vậy mới thấy được giá trị và lợi ích lớn lao của Tam vô lậu học.
Hình ảnh:
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ
|
|