Cập nhật lúc 04:48:42 12-03-2020 (GMT+7)

Nơi những ảnh, tượng cũ được “hồi sinh”

Từ mục đích ban đầu là tiếp nhận tranh, tượng Phật, kinh sách,… đã hư hoại về một nơi để tịnh hóa, những con người thầm lặng đã làm nên “đời sống” mới cho các vật phẩm tưởng chừng như không còn sử dụng được nữa.


hinh xh 1040 (2).jpg
Những tôn tượng được chọn chờ người hữu duyên đến thỉnh miễn phí - Ảnh: Như Danh/Báo Giác Ngộ

Một ngày ở Trung tâm Tịnh hóa

Đến thăm Trung tâm Tịnh hóa vào một sáng Chủ nhật, chúng tôi được đón tiếp bởi bác Năm (75 tuổi), người phụ trách trông coi, sắp xếp tại trung tâm. Nhờ sự chăm chút của bác, trung tâm với khu vực riêng như: nơi để tượng bị bể vụn, tôn tượng bị hư có thể phục hồi, khung hình cũ, phần để hỏa tịnh, kinh sách cũ, tượng để thỉnh… được phân loại gọn gàng, ngăn nắp.

Nằm trong khuôn viên tu viện Như Giác (huyện Củ Chi, TP.HCM) với diện tích trên 400m2, cách trung tâm TP.HCM hơn 50km, Trung tâm Tịnh hóa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12-12-2012.

Sư cô Thích nữ Đức Tâm, người sáng lập và điều hành Trung tâm Tịnh hóa suốt 7 năm qua, cho biết trước đây, nhiều khi đi ngoài đường, cô thấy mọi người để tranh, tượng Phật bị hư hỏng ngả nghiêng ở góc đường, ngã ba khiến bản thân vô cùng xót xa. Không gian đô thị chật hẹp, người dân lẫn các chùa không có điều kiện xử trí những tranh tượng cũ cho ổn thỏa. Từ đó, cô đã nảy sinh ý định thành lập Trung tâm Tịnh hóa.

Từ nhiều điểm tiếp nhận trong thành phố, các loại tôn tượng, kinh sách, ấn phẩm Phật giáo, khung tranh, ảnh Phật,... được vận chuyển về trung tâm. Bác Năm là người trực tiếp lo công việc vận chuyển từ xe vào bên trong. Những lúc cao điểm, đặc biệt những ngày cuối năm, bác còn làm việc cả vào ban đêm. Dù vất vả, công việc này lại mang đến cho bác nhiều an vui.

Được biết, tại Trung tâm Tịnh hóa, những người phụ trách phân loại luôn trân trọng kinh sách, hình ảnh Đức Phật, Bồ-tát cho dù đã hư hoại. Trước khi hỏa tịnh, trung tâm luôn luôn tiến hành làm lễ tụng kinh, sái tịnh các vật phẩm.

Riêng với những tôn tượng hư hỏng nhẹ thì được tìm cách phục hồi nguyên trạng, tượng còn nguyên, kinh sách hay các vật phẩm còn tốt thì được đưa đi trưng bày ở khu vực riêng để Phật tử, người dân hay các tự viện ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu tới thỉnh miễn phí.

“Của báu” tìm từ trong hỏng nát

Theo lời chia sẻ của Sư cô Đức Tâm, trong quá trình lựa chọn để tịnh hóa, rất nhiều tôn tượng Phật còn nguyên vẹn hoặc hư hỏng một phần đã được mang đến “đời sống” mới, được “hồi sinh” và gửi tặng đến những ngôi chùa, tư gia của Phật tử để tôn thờ, lễ bái,…

Đồng thời, Sư cô cũng cho hay trong số các vật phẩm nhận về có rất nhiều tranh, tượng vẫn còn giá trị tái sử dụng, chất lượng nhiều khi còn tốt đến gần 99%.

Bản thân nhiều người muốn tịnh hóa tượng cũ cũng chỉ vì muốn đổi cái mới hơn, từ tượng gỗ muốn đổi qua tượng ngọc hoặc từ chất liệu xi-măng muốn đổi sang tượng đá, nên nhiều khi pho tượng được đưa đến trung tâm vẫn còn hoàn hảo. Chính vì thế, đã có những cá nhân, tự viện tìm đến đây để thỉnh tôn tượng về thờ.

Ngoài ra, cũng từ nơi giống như chỗ “đồng nát” này, vô số quyển sách quý được trung tâm tìm thấy, lưu giữ ở một khu riêng. Trong trường hợp các cơ sở tự viện có nhu cầu và liên hệ, trung tâm sẽ tìm cách chuyển đến. 


hinh xh 1040 (1).jpg
SC.Thích nữ Đức Tâm đang phân loại sách từ kho tịnh hóa - Ảnh: NVCC

Có một kỷ niệm làm Sư cô Đức Tâm xúc động nhớ mãi, đó là lần nọ, đích thân cố HT.Thích Minh Cảnh, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang đến trung tâm tìm những tư liệu, sách báo cũ. Hòa thượng đã lục tìm trong đống sách cũ rách ấy và mang về hơn 500 cuốn.

Thấy Sư cô ngẩn ngơ thắc mắc, Hòa thượng giải thích: “Sách rách như vầy nhưng có giá trị rất lớn với công tác nghiên cứu, dịch thuật của tôi. Quý giá lắm, vì công tác dịch thuật rất cần, mà tìm ở đâu cũng không có”.

“Nên ấn tống những gì chùa cần…”

Nhu cầu tịnh hóa của các cá nhân và cơ sở ngày một lớn theo thời gian, tuy nhiên hiện tại, Trung tâm Tịnh hóa chưa đủ điều kiện để đáp ứng một cách chu toàn nhất. Dự kiến sắp tới, một trung tâm tịnh hóa mới với sức chứa lớn hơn sẽ được tiến hành xây dựng cách địa điểm hiện tại 16km để giảm bớt áp lực cho trung tâm cũ đã gần quá tải.

Tuy nhiên, việc cần thiết hơn hết đó chính là ở cách ấn tống và sử dụng hợp lý. Theo Sư cô Đức Tâm, trong quá trình sắp xếp tại đây, có những kinh sách photo, ấn tống còn mới tinh mà các chùa không dùng tới cũng được đưa đến trung tâm. Khi được hỏi tại sao những kinh sách này lại không được dùng, phía đưa đến đôi khi cho biết lý do là “chùa không tụng vì bản photo chữ không rõ, nội dung không phù hợp”.

Chính vì vậy, để không gây lãng phí và việc ấn tống cũng có ý nghĩa hơn, những cá nhân, tổ chức phát tâm ấn tống có thể gửi hiện kim hoặc thỉnh kinh sách mà chùa thật sự cần sử dụng, chứ không nên ấn tống theo ý riêng để rồi khi đưa đến, các tự viện lại không có nhu cầu dùng để phải xếp vào một góc hoặc mang đi tịnh hóa.

Làm được như vậy, việc ấn tống trở nên thiết thực, việc tiếp nhận của các chùa, tự viện cũng trở nên phù hợp hơn và trên hết, đó là tránh được những lãng phí để rồi cả người cho và người nhận đều rơi vào tình trạng khó xử.

Như Danh - Nguồn: Báo Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu