1-Thánh Dự lưu, đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử: thân kiến (sakkàya-ditthi), hoài nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (silabata-paràmàsa), không còn đọa vào bốn ác đạo: địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, a-tu-la, chỉ còn tái sinh tối đa là bảy kiếp sống, chắc chắn sẽ được giác ngộ hoàn toàn.
2-Thánh Nhất lai, đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, đã làm cho muội lược tham (kàma-ràga), sân (vyàpàda), sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau.
3-Thánh Bất lai, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa.
4-Thánh A-la-hán, đã đoạn trừ cả mười kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga), tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga), mạn (màna), trạo cử (uddhacca), vô minh (avijjà), là bậc Vô sinh chấm dứt sinh tử luân hồi, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.
Tăng, trước hết về mặt ngôn ngữ, từ Hán - Việt này (thực ra chỉ là phiên âm của từ Saṅgha thành Tăng-già, đọc tắt là Tăng) cần hiểu và phân biệt rõ ràng rằng Tăng nói đến ở đây là nói đến những cá nhân các vị Bhikkhu - Tỳ-khưu hay là nói đến tập thể, tức Saṅgha - Tăng đoàn?
Chỉ ở Việt Nam và Trung Hoa mới sử dụng lẫn lộn chữ Tăng cho cả cá nhân (ví dụ: chư Tăng, Tăng sĩ…) và cho cả tập thể (ví dụ: Tăng đoàn, Tăng chúng…). Trong các ngôn ngữ khác thì điều này rất rõ ràng, không thể lẫn lộn, ví dụ trong tiếng Pali thì không thể lẫn lộn giữa cá nhân Bhikkhu (Tỳ-khưu) với tập thể Saṅgha (Tăng đoàn).
Vì vậy, nếu nói đến cụm từ Thánh Tăng trong tiếng Việt mà nghĩ đến các cá nhân bậc Thánh, tức nghĩ đến các vị Tỳ-khưu đắc đạo quả, thì trong trường hợp này cụm từ Thánh Tăng không phải là đối tượng để quy y Tam bảo vì các cá nhân chỉ là cá nhân, không phải là tập thể Tăng đoàn-Saṅgha, cho dù các cá nhân này, tức các vị Tỳ-khưu này đã là bậc Thánh.
Nhưng nếu nói đến cụm từ Thánh Tăng trong tiếng Việt mà nghĩ đến tập thể Thánh thiện-Ariyasaṃgha là các vị Tỳ-khưu trong sạch không phạm tội, từ 4 vị trở lên, ngồi sát nhau không xa quá 2 hắc tay (hattha pàsa - khoảng 45cm), tạo thành một khối vững chắc với oai đức vô biên, tức là nghĩ đến tập thể Tăng đoàn-Saṅgha của các vị Tỳ- khưu (Bhikkhu-saṃgho), tức một tập thể Thánh thiện [2] - trong đó có bao gồm các vị Tỳ-khưu bậc Thánh đệ tử gồm 4 đôi 8 vị; trong đó có bao gồm các vị Tỳ-khưu thật sự đang tu tập các pháp dẫn đến giác ngộ giải thoát, chưa phải đã là bậc Thánh - thì cụm từ “Tăng-Saṅgha” trong tiếng Việt này là đối tượng của sự quy y Tam bảo, là phước điền vô thượng của thế gian, là một trong ba báu vật (Tam bảo: Phật - Pháp - Tăng) tối thượng trên đời.
Phẩm chất, hay những ân đức vô lượng của một tập thể Tăng-Saṅgha Thánh thiện gồm những vị Tỳ-khưu như vậy, tức của Tăng bảo - nơi nương tựa vững chắc, tối thượng trên đời của các Phật tử chính là [3]:
“1-Diệu hạnh là Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn.
2-Trực hạnh là Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn.
3- Ứng lý hạnh là Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn.
4- Chân chánh hạnh là Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng.
5- Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đáng cung kính.
6- Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đáng cúng dường.
7- Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đáng tôn trọng.
8- Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là đáng được chắp tay.
9- Tăng đoàn Thanh văn của Thế Tôn là phước điền vô thượng ở đời”.
Ý nghĩa các phẩm tính cao thượng của Tăng đoàn được hiểu như sau:
1-
Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn đã học và hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật.
2-
Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn đã học và hành trung thực đúng theo pháp hành Trung đạo, không quanh co lầm lạc.
3-
Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn đã học và hành theo pháp hành Bát Chánh đạo thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
4-
Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn đã học và hành Giới-Định-Tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng sinh tôn kính lễ bái cúng dường.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho: Đây là Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.
[Bốn đôi:
Nhập lưu Thánh đạo → Nhập lưu Thánh quả
Nhất lai Thánh đạo → Nhất lai Thánh quả
Bất lai Thánh đạo → Bất lai Thánh quả
A-ra-hán Thánh đạo → A-ra-hán Thánh quả
Tám bậc Thánh:
4 Thánh đạo + 4 Thánh quả: Nhập lưu Thánh đạo, Nhất lai Thánh đạo, Bất lai Thánh đạo, A-ra-hán Thánh đạo, Nhập lưu Thánh quả, Nhất lai Thánh quả, Bất lai Thánh quả, A-ra-hán Thánh quả].
5- Āhuneyyo: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý ngài, để mong được quả báu lớn.
6- Pāhuneyyo: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý ngài.
7- Dakkhiṇeyyo: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.
8- Añjalikaraṇīyo: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn xứng đáng cho chúng sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.
9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Tăng đoàn Thanh văn của Đức Thế Tôn là phước điền cao thượng của thế gian không đâu sánh được.
Chỉ tập thể Tăng đoàn-Saṅgha với những Tỳ-khưu trong sạch, có số lượng thích hợp từ 4 vị trở lên, không phạm tội, ngồi sát nhau tạo thành một khối vững chắc, có oai đức vô biên mới có được các năng lực duy nhất thực hiện đúng Pháp, đúng Luật các Tăng sự như: lễ xuất gia tu lên bậc trên thành vị Tỳ-khưu, lễ Bố-tát, lễ Tự tứ, xác định sima, ra án phạt tội, giải tội,… chứ không phải là các cá nhân Tỳ-khưu, chư Tăng - dù cho có đông đảo, cho dù là bậc Thánh, nhưng nếu các vị Tỳ-khưu này không hội tụ lại và ngồi chung với nhau không xa quá 2 hắc tay để tạo thành Saṅgha thì không thể có năng lực hành Tăng sự được.
Sự khác nhau về nội dung giữa hai cụm từ Tăng đoàn - Saṅgha là một “tập thể” và chư Tăng - Bhikkhu là các “cá nhân” trong tiếng Việt cần có sự phân biệt rõ ràng như vậy trong khi sử dụng cụm từ Hán - Việt này. Trong các ngôn ngữ khác không có sự lẫn lộn này vì sử dụng hai cụm từ Bhikkhu và Saṅgha hoàn toàn khác nhau.
Ở Việt Nam ta rất nhiều người thường hiểu lầm chữ Tăng trong cụm từ Tam bảo: Phật - Pháp - Tăng, theo nghĩa là các “cá nhân”, tức các vị Tỳ-khưu (chư Tăng) nên mới hay băn khoăn, thắc mắc, không chịu quy y Tăng vì cho rằng các vị Tỳ-khưu ngày nay không phải là Thánh, chỉ là phàm. Do vậy, một số người chỉ muốn quy y Nhị bảo là Phật và Pháp mà thôi, và như vậy, bởi sự hiểu biết sai lạc này họ đã tự gây chướng ngại cho bản thân, không thể vun bồi tín tâm bất thối chuyển nơi Tam bảo, điều kiện cần thiết tối quan trọng dẫn đến bậc giác ngộ giải thoát đầu tiên là Thánh dự lưu [3], bước vào dòng Thánh chắc chắn sẽ dẫn tới sự giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tyam giới, đạt được bình an mãi mãi, Niết-bàn.
Viên Phúc Sumangala - Nguồn: Giác Ngộ
.............
[1] Tứ Thánh đế & Bát Thánh đạo
+
Tương ưng bộ kinh, V-420 - Kinh Chuyển pháp luân
+
Trường bộ kinh- 22. Đại kinh Niệm xứ
+ Bát Thánh đạo
[2] Bhikkhusaṃgho - Tăng đoàn thánh thiện của các Tỳ-khưu
Trung bộ kinh - 118. Kinh Nhập tức xuất tức niệm
[3] Ân đức Tam bảo & Bốn dự lưu quả chi phần,
Trường bộ kinh - 33. Kinh Phúng tụng