Ngày 03/01/2021 (nhằm ngày 21/11/Canh Tý), đoàn hành hương của HVPGVN tại TP.HCM bước sang ngày thứ tư, theo lịch trình dự kiến thì đây cũng là ngày cuối của cuộc hành trình “Về nơi miền đất Phật”. Điểm đến đầu tiên của đoàn trong ngày là danh thắng Phật giáo chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), ngôi chùa lớn nhất nhất thế giới, được xây dựng trên nền ngôi Tam Chúc cổ Tự với niên đại hơn 1000 năm tuổi.
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km đường bộ. Từ Bắc Ninh di chuyển tới Tam Chúc. Đoàn xe được tập kết tại khu vực nhà hội trường trung tâm Thủy đình, sau đó đi bằng thuyền qua hồ Tam Chúc, đến với các di tích trong quần thể tâm linh này, và được hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử các di tích Đình, chùa Cổ và quy hoạch xây dựng phát triển quần thể di tích tâm linh Tam Chúc trong tương lai.
Trải nghiệm hành hương chiêm bái kiệt tác kiến trúc tâm linh Chùa Tam Chúc bằng thuyền trên một hồ nước rộng lớn là một cảm giác thú vị dối với mỗi học viên. Qua ngôi Đình thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt nằm giữa hồ nước rộng lớn, lưu giữ những dấu tích cổ từ thời vua Đinh.
Đoàn đến với khu vực trung tâm của chùa Tam Chúc. Từ cổng Tam Quan đến điện Quan Âm các hành giả phải đi qua “Vườn Cột Kinh”. Vườn Cột Kinh chùa Tam Chúc được phụ dựng lại với quy mô mỗi cột nặng chừng 200 tấn, được làm từ đá xanh. Các cột đá được thiết kế với chân cột là đài sen, thân cột hình lục giác, điêu khắc thủ công các lời Phật dạy trên thân cột.
Chùa Tam Chúc có 3 chính điện là; Điện Tam Thế, điện Pháp Chủ và điện Quan Âm. Trên tường có các bức phù điêu được tạc thủ công bằng đá. Trên những bức phù điêu trong Phật điện mang một câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, và các giai đoạn phát triển của Phật giáo nói chung. Phía dưới mỗi bức tường tranh phù điêu đều có chú thích bằng 3 thứ tiếng.
Tại điện Pháp Chủ đoàn được chiêm bái pho tượng phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (nặng 200 tấn ). Bảo điện được thiết kế hai tầng mái cong, cao 31 mét, mặt sàn rộng 3.000 mét vuông.
Điện Tam Thế có ba pho tượng Phật lớn được làm bằng đồng đen được thờ ngay giữa chính điện. Tại mỗi nơi đoàn hành hương đều làm lễ niêm hương bạch Phật tụng một thời kinh, sau đó nghe hướng dẫn viên truyền đạt các thông tin về di tích các công trình đã, đang và sẽ xây dựng tại đây.
Tạm biệt chùa Tam Chúc hành trình tiếp theo đoàn hành hương của HVPGVN tới viếng thăm chùa Viên Minh hay còn gọi là chùa Giáng, đại chỉ tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên,TP.Hà Nội.
Đây là ngôi chùa nơi Đức Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ hiện đang tu hành. Ngài là một Bậc Đại lão Hòa thượng trên cương vị Chứng minh cao quý, hay một nhà sư làm ruộng trí tuệ uyên thâm, dành cả cuộc đời tu hành cống hiến cho đạo pháp.
Chùa Viên Minh có kiến trúc cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa tại miền Bắc được coi là tổ đình của Phật giáo Việt Nam. Do công việc Phật sự của Đức Pháp chủ, đoàn được ĐĐ. Thích Thanh Vịnh trụ trì chùa Viên Minh tiếp đón. Trong buổi nói chuyện với đoàn Đại đức cho biết Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ là một bậc chân tu, rất cần kiệm giản dị, người rất ham lao động, lúc nào cũng làm việc không ngơi, khi xong công việc thì người dành thời gian cho việc đọc sách.
ĐĐ. Thích Thanh Vịnh cũng kể rằng, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ lúc khỏe hay cho đến bây giờ, cụ vẫn thường xuyên dặn dò khuyến tấn các học trò và Phật tử trong chốn Tổ đặc biệt chỉ có tụng kinh, phóng sinh, cầu tăng phúc thọ chứ không có dâng sao giải hạn hay đốt vàng mã trong các nghi lễ tâm linh.
Được duyên lành tới tận nơi, nhìn tận mắt ngôi chùa và đời sống tu hành của Hòa thượng Pháp Chủ. Hành giả trong chuyến hành hương cảm nhận được tại nơi đây năng lượng tích cực một sự tôn kính với một đời sống thanh bần phụng sự mẫu mực. Mỗi người đều có những lắng đọng trong tâm hồn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đạo pháp.
Điểm đến cuối của ngày thứ tư cũng là điểm kết thúc của Hành trình chiêm bái các thắng tích Phật giáo tại miền Bắc của Hệ đào tạo từ xa HVPGVN tại TP.HCM là Di tích đặc biệt chùa Đậu. Chùa Đậu nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội cách trung tâm Hà Nội 24km về phía nam. Chùa Đậu còn có nhiều tên gọi khác như: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, Chùa Vua, Chùa Bà.
Đây là di tích lịch sử và nghệ thuật Quốc gia. Chùa vẫn còn lưu giữ nhiều di tích quý như gác chuông Tam quan, cuốn sách bằng đồng thi lịch sử chùa, đặc biệt là tượng lưu cốt Nhục thân hai vị thiền sư trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ 17. Xá lợi thân của hai vị thiền sư này có thể xem là những “quốc bảo” của Phật giáo cũng như nền văn hóa của dân tộc Việt.
Chùa Đậu vốn thờ Tứ Pháp: Vân, vũ, lôi, điện (tức là mây, mưa, sấm, chớp). Cuốn sách bằng đồng có từ thời đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200-210) hiện cất giữ tại chùa cho biết rõ sự tích Phật giáo là từ ấn Độ du nhập vào Việt Nam.
Chùa Đậu được xây cất lớn vào đời Lý. Chùa kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” “tiền Phật, hậu thánh” theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. Nghệ thuật kiến trúc có nhiều nét độc đáo, đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh vào thế kỷ 17. Hiện nay, trong cuốn sách đồng khắc chữ Hán nói về lịch sử chùa cùng một khánh đồng to đời Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772), một chuông đồng to thời Tây Sơn (Cảnh Trịnh thứ 9 – 1801), hai tấm gỗ tứ thiết sơn son thếp vàng có chạm hai bài thơ của vua Lê Hy Tông (1680 – 1705) và vua Lê Dụ Tông (1705 – 1719). Đây là những tài liệu quý về lịch sử mà các học viên được tìm hiểu thực tế.
Theo TT.TS Thích Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS, Phó ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học, Chánh văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM trưởng đoàn hành hương.
Hành hương là một quá trình di chuyển trong không gian, thời gian và ngay cả trong tâm thức của hành giả tham gia. Trong một khía cạnh nào đó còn là sự chuyển biến độc đáo làm cho cuộc sống trần tục trở nên tươi đẹp hơn, hữu ích hơn và ý nghĩa hơn với sự kết nối tâm linh, những gì thiêng liêng, cao cả mà các giá trị lịch sử, văn hóa Phật giáo kết tụ lại. Trên cùng một con đường với những khoảnh khắc đặc biệt, các hành giả cũng được kết nối với những con người có cùng lý tưởng, niềm tin về một giá trị đạo đức.
Hành hương Phật giáo hay hành trình tâm linh đến với những miền địa linh được thu nạp được những năng lượng tốt từ thiên nhiên, từ đó giúp con người có sức khỏe thân thâm được bình an từ đó trở nên hoàn thiện hơn, mang đến những tri thức hữu ích cho cuộc sống, hiểu biết nhiều hơn về những giá trị đạo đức, văn hóa của đạo Phật về lòng hướng thiện, an lạc có những triết lý sống.
Hành trình chiêm bái các thắng tích Phật giáo lớn tại miền Bắc của khoa Đào tạo từ xa HVPGVN tại TP.HCM, trong 4 ngày, được sự gia hộ của mười phương chư Phật, trong thời tiết đẹp, an toàn tuyệt đối. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của ban tổ chức, nên đã gặt hái được những kết quả rất tốt đẹp.
Trong quá trình tới thăm viếng, chiêm bái và giao lưu. Các học viên có điều kiện tiếp cận một cách thực tế nhất các công trình kiến trúc hàng ngàn năm tuổi, trong đó là kho tư liệu vô tận về lịch sử, về văn hóa nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Tiếp cận với các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội, giao lưu thảo luận với nhiều giới, các thiện hữu tri thức tại các vùng miền khác nhau. Từ đó tăng thêm kiến thức hiểu biết, tăng trưởng về nhận thức, có nhiều cơ hội cho việc học và nghiên cứu trong quá trình học tập tu tập.
Hành trình chiêm bái các thắng tích Phật giáo lớn tại miền Bắc của khoa Đào tạo từ xa HVPGVN tại TP.HCM đã thành công trong niềm hoan hỷ của mười phương chư Phật chư Tôn đức và toàn thể đại chúng.
Toàn thể Đại chúng có một ngày hành hương chiêm bái và tu học đầy ý nghĩa.
PV: Tronghaitb
|
|