Hình ảnh lắng đọng trong mùa Phật đản PL.2564
Mọi năm, từ đầu tháng Tư, không khí đón mừng lễ lớn này của Phật giáo đồ khắp nơi trở nên rộn ràng: lồng đèn Phật đản, cờ hoa, trang trí vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh) được tiến hành trong niềm vui.
Năm nay, mùa Phật đản diễn ra giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không chỉ trên quê hương Việt Nam, mà toàn cầu.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh do nCoV gây ra, trên 4,5 triệu người nhiễm và hơn 300.000 người đã tử vong (ngày 15-5-2020). Bệnh dịch trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân toàn thế giới, nhất là khi các nhà khoa học dự báo về Covid-19, sẽ còn kéo dài khá lâu.
Giữa mùa dịch, cũng là thời điểm Đại lễ Phật đản diễn ra, người con Phật uyển chuyển, thực tập lời dạy của Đức Phật theo cách thời sự nhất. Vẫn hướng về ngày Đản sinh, nhưng trong tinh thần phòng dịch, giãn cách để tránh lây lan.
Trước đó, khi dịch bùng phát trong tháng 3-2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu Tăng Ni, Phật tử cấm túc, ở yên và kiến tạo năng lượng tích cực bằng tụng kinh, hành thiền, xem đó là đóng góp thiết thực cho bình an thế giới. Giáo hội cũng vận động Tăng Ni, Phật tử đóng góp trong khả năng, chung tay cùng chính quyền mua vật tư y tế, tham gia công tác chống dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Trung ương Giáo hội đã tặng 5 phòng áp lực âm, sẵn sàng hỗ trợ nơi cách ly. Hệ thống Giáo hội các cấp cũng đã trao tiền quyên góp tới Mặt trận địa phương mình, chung tay chống dịch.
Xúc động nhất là
Thông điệp Phật đản năm nay của Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Hòa thượng nhắc nhở: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bùng phát và lây nhiễm, tất cả chúng ta cùng chiêm nghiệm lời dạy của Đức Phật trong kinh Tăng chi bộ, phẩm Chuẩn đoán: “Đức Phật đưa ra bốn biện pháp khi giúp đỡ một bệnh nhân, một vị lương y phải làm: Thứ nhất, phát hiện ra nguồn gốc của căn bệnh; Thứ hai, đạt được sự hiểu biết thấu đáo về căn bệnh; Thứ ba, quy định loại thuốc thích hợp để chữa trị căn bệnh; Thứ tư, hoàn toàn chữa khỏi, không cho bệnh tái phát”. Ngoài bốn tiêu chuẩn thông thạo này, Đức Phật dạy chúng ta: “Phải thể hiện một tâm hồn bao dung, độ lượng, phải xem bệnh nhân như những người bạn thân yêu nhất của mình”.
Một hình ảnh đáng kính phục là về những bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Với cái nhìn của Phật giáo, trong lúc các thầy thuốc dấn thân vào tuyến đầu cũng là lúc họ biểu hiện tâm Bồ-tát cứu khổ giữa cuộc đời. Mỗi người đều có tâm thiện, có khả năng giúp đời, giúp người và cũng là giúp chính mình nếu được tưới tắm, phát huy mỗi ngày.
Về cái khổ của bệnh cũng đã được Đức Phật nhắc đến trong bài giảng đầu tiên sau khi chứng đạo. Theo đó, ở bốn sự thật liên hệ đến khổ, Đức Phật nhấn mạnh, sinh ra là người, có thân này, ai cũng sẽ chịu cái khổ của bệnh, ít hoặc nhiều. Con người khi có bệnh thì phải chữa trị, tuân thủ các nguyên tắc và phác đồ của vị thầy thuốc. Lời dạy về chữa bệnh và giúp đỡ người bệnh, vùng bệnh dịch… chính vì thế trở nên nhân văn, sống động trong mùa Phật đản năm nay.
Giới Phật tử đã chung tay mua sắm trang thiết bị y tế tại các địa phương, còn dùng năng lượng tu tập thiền định của mình để hướng về những người bệnh, vùng dịch, đó được xem là một thiện tâm, giúp nuôi dưỡng lòng từ.
“Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân”
(bài
Quy nguyện, theo Làng Mai)
Mỗi người trong mùa Phật đản có thể hướng Phật và làm giàu thêm hạt giống lành trong mình bằng những việc làm thiết thực. Góp sức chống dịch, chung tay mua sắm máy ATM gạo, cứu tế người khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19… để sen nở trong lòng mình, thơm ngát hương tâm và cảm nhận “sen nở Bụt hiện thân”, và thấy “Pháp giới thành thanh tịnh/ Chúng sinh lắng nghiệp trần”…
Chánh Quán - Nguồn: Giác Ngộ