Nửa buổi sáng của những ngày đầu tháng 4, trên đường đi làm quen thuộc, lần đầu tiên tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), phía bên kia không một bóng người. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lúc nào không đông, vậy mà…
Người dân đã ý thức với việc thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19, có lẽ vì đã thấy những mối nguy, cũng như những bài học từ các nước như Ý, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha… Tuân thủ khuyến cáo phòng dịch, chỉ thị của Thủ tướng để chung sức chống dịch với cả nước cũng chính là bảo vệ bản thân mình. Ý nghĩa của một việc làm định danh là “thiện” chính là lợi mình, lợi người, lợi cho số đông. Sài Gòn vắng vì thế mang một ý nghĩa đáng biểu dương của ý thức công dân giữa mùa chống dịch.
Phía trước còn khó khăn, nhưng nếu đồng lòng sẽ chiến thắng. Đó là niềm tin vào mọi nỗ lực cần thiết sẽ mang lại kết quả như mong muốn.
TP.HCM vắng, chỉ có thể là những ngày Tết, khi người nhập cư đã rời khỏi phố về quê! Sài Gòn khi đó mang một hương vị khác. Còn Sài Gòn vắng những ngày này, khi cư dân mạng gọi tên là “mùng bảy mươi mấy” - một kiểu đếm “Tết” giữa mùa Covid, tự dưng lại thấy nhớ về những rộn ràng trước đó, khi phố đầy người.
“Bây giờ, mình nhớ những tiếng rao, nhớ những góc phố có người bán hàng rong, nhớ cà-phê bệt ở công viên…”, những dòng chia sẻ với nội dung tương tự đã được truyền đi. Nhớ Sài Gòn của những ngày đầy người, dù chật chội nhưng không hằn những nỗi lo!
NT.Thích nữ Từ Nhẫn chuẩn bị quà cho người khó khăn, cứ để đó, ai thực sự cần thì nhận - Ảnh: Thu Phong
Cũng may, giữa những lo lắng dịch bệnh, người lao động khó khăn do gián đoạn việc làm, người bán vé số tạm dừng cuộc mưu sinh để đồng lòng chống dịch… thì thành phố lại tiếp tục những cuộc sẻ chia. “Thưa chú, thưa cô, cho con gửi…”, và món quà là phần gạo, ít mì, chai nước tương… để cùng dắt nhau qua một khoảng thời gian khó khăn này.
Đâu đó, ở trước cổng chùa hay góc phố, thông điệp lan tỏa yêu thương như “Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn đã ổn, hãy nhường lại cho người khác” cũng đã được phát huy. Dù có thể sau đó phải tạm dừng vì giãn cách xã hội không phép. Dù vậy, Sài Gòn cũng đẹp quá bởi những người góp bàn tay và trái tim ấm, chia sẻ với người khó khăn hơn. Sài Gòn sẽ càng đẹp nếu chính những người khó khăn cũng biết nhường nhau phần quà khi tự giác nhường nhịn cho người khác vì thấy mình chưa thật khó.
Cuộc sống sẽ đong đầy biết bao nếu ở góc nào của TP.HCM cũng phát huy được sự sẻ chia và ý thức tự giác để sống đẹp hơn, tử tế hơn. Mong!
Ngay khi khó khăn, tình người lại tỏa sáng. Có thể thật nhỏ như món quà tự nhận, ý thức nhường nhau… nhưng cũng có thể lớn hơn bằng những góp sức của những người nổi tiếng, các nghệ sĩ đứng ra tặng những dụng cụ y tế, phòng ốc chống dịch, vận động chia sẻ với người miền Tây hạn mặn. Hoặc một chiếc máy “ATM gạo” ra đời của một thanh niên 35 tuổi ở Tân Phú, đủ lan tỏa những giá trị tích cực về tình người.
Mùa khó chung của đất nước với đại dịch hoành hành, hạn mặn ở vựa lúa lớn nhất nước trở thành mùa vun bồi tâm hồn để mỗi người được bình yên hơn, cả người trao lẫn người nhận.
Đi giữa thành phố quen vắng, có buồn nhớ cũng thấy lòng mình được an ủi vì chính những điều giản dị, bình yên như vậy!
Bình Minh-Nguồn: Giác Ngộ