Chư Tôn đức Tăng, Ni đã tham dự khóa tập huấn đã được nghe phần trình bày của Luật sư Trương Thị Hòa về nghệ thuật làm thế nào để thành công trong khi diễn thuyết. Theo Luật sư Trương Thị Hòa thì việc diễn thuyết thành công trước đám đông là điều mà người diễn thuyết luôn mong muốn. Người Tu sỹ Phật giáo, hoặc người trao đổi các vấn đề về giáo lý Phật đà với đại chúng cần nắm vững một số nguyên lý, kỹ năng để từ đó việc truyền trao giáo lý đạt được kết quả cao nhất. Chính vì lẽ đó, trong chương trình bồi dưỡng kỹ năng dẫn chương trình do ban Văn hóa TƯ tổ chức đã mời Ths. LS Trương Thị Hòa, Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh trình bày về đề tài này cho học viên tham dự.
Trong buổi trình bày đề tài Luật sư đã nhấn mạnh: “Khi diễn thuyết điều quan trọng phải nắm vững là khả năng nhận thức của người nghe. Khả năng nhận thức của con người đi từ thấp đến cao có nhiều mức độ theo nhiều cách phân loại khác nhau. Tuy nhiên với bài diễn thuyết đại trà chúng ta chú trọng vào các mức độ đơn giản: Biết – Hiểu – Vận dụng. Như cơn mưa tưới đều, tùy mức độ mà cây cối sẽ nhận được lượng nước khác nhau như đức Phật đã thí dụ trong Phẩm Dược Thảo dụ – Kinh Pháp Hoa. Cũng vậy với nội dung diễn thuyết, tùy căn cơ mà những người tham dự sẽ nắm bắt không như nhau. Để thành công, người diễn thuyết ban đầu cần biết rõ đối tượng tham dự, từ đó xác định mức độ cần truyền đạt. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài mục tiêu về nội dung, mục tiêu về thái độ, về kỹ năng cũng khá cần thiết. Thiếu đi các yếu tố trên buổi diễn thuyết cũng không thể gọi là thành công”.
Việc trình bày khái niệm chung về nghệ thuật, phong cách, phương pháp truyền đạt và các kỹ năng được diễn giả chú ý. Bởi lẽ học viên lớp tập huấn không có được mặt bằng chung. Chính vì vậy diễn giả đã chọn cách thức cơ bản nhất là truyền đạt từ thấp đến cao. Ghi nhận của chúng tôi có khá nhiều học viên ghi chú thêm trong sườn bài được BTC cung cấp đến mọi người.
Để thành công trong diễn thuyết, LS Trương Thị Hòa đã phân tích khá kỹ cho học viên về điều kiện khách quan của buổi diễn thuyết. Bởi lẽ điều kiện chủ quan tùy thuộc vào diễn giả. Nói như vậy, không có nghĩa điều kiện này bị xem nhẹ, mà chính diễn giả phải tự đào luyện, nâng cao cho bản thân mình.
Không gian diễn thuyết cũng là một trong những yếu tố góp phần cho sự thành công của buổi truyền trao kiến thức. Việc chọn lựa không gian phù hợp nội dung, bố trí chỗ ngồi hợp lý sao cho mọi người đều thấy rõ diễn giả không những làm người nghe thoải mái mà còn góp phần nâng nội dung bài nói chuyện lên một tầng cao.
Cũng vậy, phong thái người diễn thuyết theo nội dung bài nói chuyện khá quan trọng. Không thể thành công khi những bài nói chuyện nghiêm túc lại được diễn thuyết theo phong cách “hài hước” và ngược lại.
Việc phân chia thời gian, bố trí trình tự cho những tiêu đề con phù hợp, khoa học và có thể thay đổi tùy bối cảnh không thể xem nhẹ. Hình ảnh, video hay những “đạo cụ” minh họa nếu có, sẽ nâng tầm bài diễn thuyết, khi thống kê cho thấy phần “nhìn” chiếm ưu thế khi khắc sâu vào nhận thức hơn phần “nghe”. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta sa lầy vào vấn nạn “hình ảnh hóa công tác truyền thông Phật giáo”, mà phải xác định hình ảnh chỉ để minh họa, không phải nội dung trọng tâm. Sáng nay, sau phiên khai mạc BTC đã công chiếu một đoạn video ngắn. Đoạn video này minh họa cho bài trình bày của TT.Thích Thọ Lạc Trưởng ban Văn hóa TƯ khi trình bày đề tài của mình.
Kết thúc bài nói chuyện, LS Trương Thị Hòa đã đúc kết các điều kiện cần và đủ để buổi diễn thuyết được thành công. Trong đó diễn giả nhấn mạnh về tư duy tích cực, tư duy sáng tạo và luôn động não về tương lai. Có như vậy, người diễn thuyết sẽ thành công hơn trên con đường “Hoằng dương chánh pháp”.
Tin, ảnh: Quảng Chuyên, Anh Quốc - Nguồn: Phật Sự Online
|
|