Làm sống lại những lời kinh từ chính kim khẩu của Đức Phật và thực tập nếp sống tỉnh thức, từ bi nhà Phật, ngày 05/7/2020 (nhằm ngày 15/5 năm Canh Tý), chùa Pháp Tạng (Lê Đình Chi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức khóa tu Thiền tập Phật giáo Vipassana thường kỳ mỗi tháng, phát động lễ ra quân trồng cây làm đẹp đường phố và bảo vệ môi trường.
Từ sáng sớm, các hành giả đã trở về ghi danh, dùng điểm tâm nơi khuôn viên chùa.
Như thường lệ, bắt đầu ngày tu học là thời khóa tụng kinh, lễ Phật và phát nguyện tu thiền tập một ngày.
Thực hành thiền là trở về với bản tánh tự nhiên của vũ trụ, thấy rõ những gì xảy ra trên thân và tâm mình một cách rõ ràng. Rồi từ đó chúng ta thanh lọc những ác pháp và phát huy những thiện pháp, làm lợi ích cho chính mình và cuộc đời. Để làm được việc ấy, ngoài nếp sống tỉnh giác hàng ngày, hành giả cần thực hành định tâm qua Tứ thiền – Ngũ định. Khi đó, tâm sẽ qua các tầng thiền của Sắc giới và Vô Sắc giới. Đây cũng là đề tài được Đại đức Giảng sư Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Pháp Tạng chia sẻ đến đại chúng.
Trong cuộc sống thế gian khổ não này, thường tình, chúng ta có thói quen tầm cầu hạnh phúc từ năm trần vật chất, mà không biết rằng có một thứ hạnh phúc vĩnh hằng có sẵn nơi tự thân mình. Mỗi khi hướng tâm ra sáu trần, vì vô minh và ái dục che lấp tâm trí, chúng ta đã tạo ra vô số hành nghiệp của thân – khẩu – ý mà không hề hay biết. Chính nghiệp đó dẫn ta đi muôn kiếp luân hồi đến nay.
Xưa kia, Bồ tát trước khi chứng quả Chánh đẳng Chánh giác cũng đi tầm cầu chân lý và cách giải thoát ràng buộc khổ đau. Ngài đã chứng nhập các tầng thiền của sắc và vô sắc giới, Ngài đã trải nghiệm sự an tịnh của nội tâm trong các trạng thái thiền đó. Nhưng với trí tuệ cao siêu của Ngài, Bồ tát thấy rằng niềm vui đó không tồn tại mãi, bởi cái gốc của sự đau khổ chưa được đoạn tận. Đây là điểm khác biệt của Thiền Phật giáo với các thiền khác, là nhập xuất các tầng thiền là giúp dễ sử dụng được tâm, rồi tìm và đoạn lậu hoặc đang ẩn nấu nơi ngũ uẩn tự thân.
Thiền là phương pháp giúp tâm hành giả trở về trạng thái tĩnh lặng, chuyển tâm bắt cảnh sáu trần – quay về chiếu soi lại tự thân để kiểm soát dòng nghiệp chính mình. Đồng thời, trong môi trường của Giới, khi nhập xuất các tầng thiền định, chúng ta có thể “an trụ tâm – hàn phục tâm”. Khi đã hiểu luân hồi là khổ, tất thảy các pháp thế gian đều là sanh – diệt, là vô thường nên ta sanh tâm nhàm chán cảnh trần và trở về tìm nguồn an lạc nơi tự thân bằng thực hành thiền. Một vị nhập xuất được các tầng thiền định sẽ làm chủ tâm, sử dụng tâm theo cách vị ấy muốn, từ đó mà thần thông cũng phát sanh. Làm chủ được tâm là làm chủ được dòng nghiệp, ngăn chặn và cắt đứt hết những sợi dây trói buộc ta với thế gian. Khi cắt được hoàn toàn 10 cọng dây kiết sử và 5 triền cái che tâm, vị ấy đã đạt đến chân hạnh phúc và giải thoát hoàn toàn, không còn bất kỳ sự ràng buộc nào nữa.
Nên bất kỳ ai muốn tầm cầu hạnh phúc, hãy thực hành thiền trong mỗi phút giây cuộc sống. Đây chính là phương pháp tối hậu làm suy yếu, mài mòn và đoạn diệt phiền não mà chính Đức Phật đã đi qua rồi chỉ dạy để tất thảy chúng sanh đều giác ngộ như Ngài.
Bài pháp thoại về Thiền Sắc giới và Thiền Vô Sắc giới dường như đã gỡ rối cho nhiều người chưa hiểu về Thiền, chỉ rõ cho những người mới bắt đầu tìm hiểu đạo Phật, tăng thêm sự tín tâm với Đức Phật. Nhờ hạnh nguyện to lớn và trí tuệ siêu việt của Ngài mà ngày nay chúng ta có tam tạng kinh điển, có con đường để đạt đến Thánh đạo nhiệm mầu…
Sau thời khóa thuyết giảng, các hành giả thọ thực trong chánh niệm. Tiếp đến là thời thiền buông thư và thiền hành.
Các hành giả được sự hướng dẫn thực tập sống trọn vẹn một ngày trong từng bước chân tỉnh giác, hòa mình vào thiên nhiên tươi mát ở chốn vườn thiền. Cùng ngẫm lại khi xưa, Đức Phật và các vị Tỳ kheo đã sống, thiền định dưới gốc cây như thế nào. Suốt cuộc đời, các vị ấy sống giản dị thiểu dục tri túc, hài hòa thiên nhiên và tránh xa chốn phồn vinh, xem núi rừng là nhà: “Nhất bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý du, Kỳ vị sanh tử sự, Giáo hóa độ xuân thu.” (Bình bát cơm nhà nhà, Thân đi muôn dặm xa. Vì vấn đề sanh tử, Giáo hóa độ ngày qua).
Đại đức Giảng sư và chư Tôn đức đã hướng dẫn các hành giả thực hành quán Tứ Niệm Xứ qua bài kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm, kỹ năng quán chiếu ngũ uẩn.
Những phút giây tĩnh lặng nội tâm thật đáng quý biết bao, dường như ai nấy cũng cảm nhận được sự hỷ lạc trên tự thân khi buông bỏ phiền não tuy chỉ trong giây lát.
Tinh thần và thể chất hỗ tương qua lại, nên như thường kỳ, sau thời thực tập tọa thiền, Đại đức Giảng sư chỉ dạy cho quý hành giả về các động tác hỗ trợ sức khỏe thiền trong không khí vui tươi, ấm tình đạo vị.
Trong ngày tu hôm nay, đông đảo thiện nam tín nữ ở các tỉnh thành lân cận đã trở về tham dự và phát tâm quy y Tam bảo trở thành người con Phật. Kết thúc chương trình tu học thiền là lễ ra quân phát động trồng cây làm đẹp đường phố.
Khi đức Phật còn tại thế, xã hội chưa phát triển thì việc bảo vệ môi trường chưa phải là vấn đề lớn, thế nhưng với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, Ngài đã là bậc vĩ nhân hướng dẫn chúng ta thực hành nếp sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi sinh là bảo vệ sự sống con người và muôn loại. Thể theo lời dạy của Ngài, quý Phật tử chùa Pháp Tạng đã kết hợp cùng dân quân tự vệ xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) thực hiện trồng cây xanh làm đẹp đường phố dọc tuyến đường Lê Đình Chi.
Đạo Phật tán dương nếp sống hài hòa với thiên nhiên, tán thán lòng từ bi, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch.
Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại. Bởi một tâm không chất chứa những tham sân si sẽ giúp chúng ta tự chủ và thoát ly mọi sự chi phối của dục, đạt đến giác ngộ, giải thoát trong tương lai gần.
Dân quân Tự vệ xã đã gửi lời tri ân đến sự hỗ trợ của bổn tự cũng như quý Phật tử chùa Pháp Tạng đã tích cực trong công tác làm đẹp đường phốChơn Niệm Nguyệt - Nguồn: Phật Sự Online
|
|