Cập nhật lúc 14:04:25 09-04-2020 (GMT+7)

Trong khó khăn của đại dịch, tình người tỏa sáng

Các ca nhiễm Covid-19 toàn cầu hiện vẫn tăng theo cấp số nhanh; thậm chí ở các nước được xem là có y tế phát triển thuộc top đầu thế giới đang phải đối diện với thách thức vô cùng to lớn. Nước Ý rơi vào khủng hoảng, khi có ngày gần 1.000 người dân tử vong, Thủ tướng nước này bật khóc trong bế tắc.

Tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát, cho tới thời điểm hiện tại, chưa một ca nào tử vong. Thành quả đó không có sẵn, mà là cả quá trình chiến đấu, hành động chung tay trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị với sự hợp tác của toàn dân.

Những ngày cuối tháng 3-2020, trong chuyến tác nghiệp thực tế tại các khu cách ly, nhóm phóng viên báo Giác Ngộ đã có dịp chứng kiến, lắng nghe và góp nhặt những câu chuyện ấm áp tình người. Bên cạnh niềm hạnh phúc của người dân khi được về với quê hương, được chăm sóc tận tình, đằng sau đó còn những câu chuyện cảm động của những cán bộ, chiến sĩ - những người tận hiến cho sự an lành của cuộc sống.

PP3_7340 copy.jpg
Bệnh viện được lập để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV

Không ai bị bỏ lại phía sau

Tại khu cách ly ký túc xá (KTX) Đại học quốc gia TP.HCM, ĐĐ.Thích Đồng Hạnh, nghiên cứu sinh và đồng thời là trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Phật học Quốc tế (IBSC, thuộc Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya) trở về từ Thái Lan cho biết, 9g30 sáng, ngày 20-3-2020, thầy cùng một số du học sinh Việt Nam tại Thái Lan về tới sân bay Tân Sơn Nhất, bên kiểm dịch của TP.HCM đã có mặt và kiểm tra sức khỏe, đưa đi cách ly.

ĐĐ.Thích Đồng Hạnh hoan hỷ cho biết: “Với Tăng Ni, các anh cán bộ ưu tiên cho chọn phòng, chọn người ở chung - một phòng có 3, 4 người. Phòng tôi ở có 4 anh em là chư Tăng du học sinh từ Thái Lan về ở chung với nhau. Hàng ngày chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt đời sống tâm linh, vẫn chép lại những suy nghĩ của mình ra vở, trì chú, thiền hành và ngồi thiền”.

ĐĐ.Thích Đồng Hạnh chia sẻ thêm về điều kiện tại đây: Các phòng đều bố trí gọn gàng sạch sẽ, những thiết bị về vệ sinh được chu cấp rất đầy đủ, từ túi đựng rác, nước rửa tay, khẩu trang, xà phòng, dầu gội đầu, nước uống. Mỗi ngày được y bác sĩ theo dõi y tế 2 lần cho tất cả người đang cách ly. Buổi sáng đo thân nhiệt lúc 7g và buổi chiều 16g, và hỏi thăm tình hình sức khỏe có những biểu hiện của bệnh không như đau họng, sốt, ho… hay không. Rồi mỗi ngày ba bữa là sáng, trưa, chiều có suất cơm chay cho tu sĩ, cơm rất ngon, bổ dưỡng, có đầy đủ các món canh, mặn, xào. Có thêm phần tráng miệng, đôi khi là trái cây. Buổi sáng có thể là bún xào, bánh bao, các món bún; riêng trưa và chiều là suất cơm chay, có canh...

Chính sự tận tâm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác chăm sóc người cách ly quá chu đáo, nhiều tình cảm chân chất, yêu thương nên sắp đến ngày hết hạn, chuẩn bị rời khỏi đây, ai cũng bùi ngùi, cảm kích. Thầy Đồng Hạnh đã chia sẻ trong niềm xúc động: “Thông điệp ‘không ai bị bỏ lại phía sau’ là điều tôi cảm nhận rõ nét khi về quê hương, đặc biệt là trong thời gian cách ly tại KTX Đại học Quốc gia thành phố”.

“Lúc chưa tiếp xúc, tôi tưởng rằng quân nhân thì khô khan khó khăn, rập khuôn và máy móc, nhưng các anh ở đây rất gần gũi. Các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ tham gia thể dục thể thao cùng với người cách ly; nhắc nhở chúng tôi giữ khoảng cách một cách nhẹ nhàng, chứ không phải cấm đoán, tỏ thái độ gay gắt. Dễ thương nhất là khi các anh sợ chúng tôi đói, cứ cầm loa thông báo nhắc ai chưa có cơm xuống liên hệ cán bộ nhận cơm. Khi trở về, chắc chắn tôi sẽ không quên những kỷ niệm, những khoảnh khắc ấm áp tình người thế này”.

IMG_20200330_080444.jpg
Một vị Ni du học về được cách ly, tham gia quét rác, phụ dọn dẹp trong khu cách ly tại trường Quân sự TP.Đà Nẵng

Ý nghĩa lắm hai từ quê hương

Đó là câu nói đầu tiên mà SC.Thích nữ Hạnh Tánh, du học tại Thái Lan, chia sẻ với chúng tôi về những ngày sống tại khu cách ly Trường Quân sự TP.Đà Nẵng. Sư cô xúc động: “Đến giờ tôi vẫn chưa quên được khoảnh khắc máy bay đáp xuống phi trường, chân tiếp đất, rồi về đến khu cách ly, cảm xúc trong tôi duy nhất là mừng rỡ, lâng lâng hạnh phúc, vui sướng, vì mình đã về đến Việt Nam. Mặc dù hiện đang ở khu cách ly nhưng tôi cảm giác như đang ở nhà. Mình đang ở quê hương mình, có người thân, người thương, đồng bào mình, Tổ quốc mình, và các vị lãnh đạo của mình đang nỗ lực hết sức để lo cho dân, chống dịch. Với chất liệu yêu thương đó, điểm tựa vững vàng, mình không phải lo sợ gì hết”.

“Ngày 19-3, khi từ Thái Lan về tới sân bay Đà Nẵng, sau khi khai báo, kiểm sức khỏe, chúng tôi được đưa về nơi đây (nơi cách ly). Nhóm tu sĩ chúng tôi có 7 người, tất cả huynh đệ chúng tôi xúc động vì tình cảm đồng bào mình dành cho nhau”, Sư cô Hạnh Tánh nói.

Ở khu cách ly, tất cả mọi thứ điều miễn phí, kem đánh răng, xà bông giặt, xà bông rửa chén, cần gì là được đáp ứng, giấy vệ sinh, chăn, mùng, gối… Trong dòng cảm xúc, Sư cô Hạnh Tánh tiếp lời: “Các cán bộ, chiến sĩ rất dễ thương. Ngoài việc theo dõi, đo nhiệt độ đúng giờ, thì mỗi sáng và xế chiều các chú kêu dậy tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Chúng tôi chọn quét sân, nhổ cỏ, vận động cơ thể. Tu sĩ chúng tôi ví von nói với nhau ‘hành điệu thời Covid-19’. Ở nơi cách ly, chúng tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt quy củ, vẫn trì chú, niệm Phật, tự vệ sinh nơi mình ở như nếp sống mà chúng tôi vẫn làm ở chùa. Từng ngày trôi qua thật bình yên”.

Sư cô cũng trải lòng: “Lúc chưa về Việt Nam, đọc thông tin trên mạng xã hội, có người đang cách ly chê nơi ở không tươm tất, thức ăn không đáp ứng yêu cầu, tôi không nghĩ nhiều, chỉ có một ý niệm: về được với quê hương là mãn nguyện rồi. Nhưng khi về đây, thì ấm áp vô cùng. Các cán bộ, các anh bộ đội nhận nhiệm vụ chăm sóc những người cách ly quá tận tình. Ngày nào cũng được hỏi ngủ có ngon không, có nóng không, có không thoải mái không... Nghe ấm lòng lắm,  và điều đó chỉ tìm thấy ở người dân mình mà thôi”.

Thấu hiểu sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đang căng mình ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, vì vậy mà từ ngày 7 vị Tăng Ni tham gia cách ly tại đây, nhằm san sẻ với Ban Quản lý, để các anh bộ đội đỡ vất vả nấu cơm chay cho Tăng Ni, TT.Thích Chúc Tín, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã phát tâm lo cơm chay cho các vị tu sĩ.

Một ngày, mỗi người cách ly được Nhà nước hỗ trợ 57 ngàn đồng, số tiền đó, quý vị Tăng Ni xin gửi lại Nhà nước để còn lo cho nhiều người tiếp theo. TT.Thích Chúc Tín cảm động chia sẻ: “Nhà nước chăm lo cho người dân mình quá chu đáo; các cán bộ chiến sĩ cũng rất chu đáo, mọi người chấp nhận vất vả, tất cả vì người dân mình, đồng bào mình. Cho nên, chung tay được việc gì, trong khả năng của tôi, tôi đều phát tâm thực hiện”. Hành động từ trái tim, đến với trái tim, bàn tay nắm lấy bàn tay, tiếp thêm năng lượng cho nhau, trong lúc dịch bệnh đang hoành hành, thật đáng trân trọng, quý biết bao.

Tất cả chúng ta là một

Cuộc chiến chống Covid-19 chưa bao giờ là dễ dàng. Bác sĩ Lê Văn Phương, Phó Giám đốc khu cách ly tập trung KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đã kể cho chúng tôi nghe: “Hầu hết những người đi cách ly khi xuống sân bay thì hợp tác, có một số người phản ứng vì hành lý họ mang từ nước ngoài về bị Ban Quản lý cho cách ly. Họ muốn đem hành lý về nhà nhưng chúng tôi quyết tâm không cho, phải sau thời gian ít nhất 14 ngày cách ly thì mới được. Một số người ban đầu khi vào khu cách ly cũng than phiền về phòng ốc, toilet hư nghẹt...”.

Nghe bác sĩ Lê Văn Phương tâm tình mà thương vô cùng: “Bản thân tôi cũng nói anh em đây là công việc lần đầu tiên làm, nên cố gắng tự xoay xở có điều gì khó khăn thì trao đổi để giải quyết liền để tìm hướng đi. Tất cả vì một một mục tiêu chung làm sao bảo đảm cho ‘hành khách’ tốt nhất có thể, giúp họ khỏe vui vẻ, tạo những tiện nghi tối thiểu để họ hợp tác với mình hoàn thành nhiệm vụ cách ly 14 ngày”. Cứ vậy mà, với những trường hợp như trên, cán bộ, chiến sĩ phải kiên nhẫn, đi đến từng người tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu, đây là tình huống bất đắc dĩ, các vị cố gắng hợp tác, vì sức khỏe chung của người Việt Nam.

“Cho đến thời điểm hiện tại, mọi người hợp tác tốt, hơn 6.000 người cách ly ở đây không có gì lớn xảy ra”, bác sĩ Lê Văn Phương thông tin.

Đến các khu cách ly trên địa bàn TP.HCM, hình ảnh xuyên suốt chúng tôi bắt gặp là hầu như các chiến sĩ, y bác sĩ phục vụ tại đây làm việc không ngơi tay. Các chiến sĩ vừa phục vụ mảng bảo vệ khu vực, điều hành lực lượng tổng dọn vệ sinh, chăm sóc, đưa đón và chuyển phần cơm nước đến những người cách ly, vừa điều phối xe để chuyển những người từ sân bay về khu cách ly. Y tá, bác sĩ hết đi đo thân nhiệt, thì theo dõi hồ sơ của từng người. Thậm chí, những bữa cơm cũng là ăn vội, ăn cho có sức để tác chiến. Cơm ngon đã không còn có trong khái niệm của họ.

NGUOI NUOC NGOAI O PHONG CACH LY TAI DAI HOC KTX.TP.HCM.jpg
Khu cách ly dành cho người nước ngoài ở KTX Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Thế Phong

“Cán bộ phục vụ trong khu cách ly hầu hết ở lại 24/24 không được về nhà”, Thượng tá Nguyễn Văn Phòng, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết. Điều đó có nghĩa, khi đã tham gia vào công tác này, họ chỉ có thể kết nối với gia đình qua chiếc điện thoại. Mà có lẽ thời gian để trò chuyện, nhìn mặt người thân cũng chẳng nhiều, vì công việc ở khu cách ly hiếm khi cho phép họ ngơi nghỉ.

Điều đó đã khiến cho chúng tôi cảm kích, xúc động vô cùng. Thử nghĩ xem, ai đã là cha mẹ, chỉ cần xa con một ngày thôi đã nhớ. Nhưng họ - những cán bộ, chiến sĩ - để con ở nhà và đến đây phục vụ, phải xa con trong khoảng thời gian dài, để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của một người ở tuyến đầu. Phải có tinh thần trách nhiệm, ý niệm mạnh mẽ thì họ mới có thể miệt mài cống hiến như thế. Họ nỗ lực ngày đêm, chỉ biết cho, mà không đòi hỏi hay nhận gì về cho riêng mình. Nhưng những nỗi niềm đó, không phải ai cũng nhận ra, và chia sẻ với họ.

Điều làm chúng tôi cảm phục hơn ở họ là tinh thần cống hiến miệt mài. Dù có thế nào, họ đều hướng đến mục tiêu duy nhất là: phục vụ nhân dân. Vừa sắp xếp lại giấy tờ liên quan đến cách ly, Trung tá Nguyễn Quốc Trung, Trưởng ban Dân vận - Bộ Tư lệnh TP.HCM cười hiền trải lòng: “Tại khu cách ly, nói chung khó khăn cũng rất nhiều, nhưng chưa thấy bao giờ anh em kêu ca. Quân đội mà, khó khăn nào mình cũng vượt qua”.

Khi hỏi về động lực nào đã giúp mọi người mạnh mẽ như thế, Trung tá Nguyễn Quốc Trung bảo: “Chúng tôi đặt tinh thần sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lên trên hết. Như có những trường hợp tiếp xúc trực tiếp, ngay cả những ngày đầu tiên đón những người cách ly về, các chiến sĩ phải vào phòng để vệ sinh  diệt khuẩn hàng ngày, cùng với đội ngũ y bác sĩ phục vụ. Chúng tôi chưa bao giờ sợ bệnh dịch mà xao lãng trách nhiệm”.

Có vậy mới thấy, trong cuộc chiến sinh tử này, khi tất cả chúng ta có cùng một nỗi lo chung, cùng một tình thương và hy vọng, dường như không còn sự phân biệt giữa giàu nghèo, giữa người bệnh và người chữa bệnh, giữa quân nhân và nhân dân... mọi ranh giới hoàn toàn bị phá bỏ và chúng ta hóa làm một, cùng nhau dìu dắt để vượt qua hiểm nghèo.

***
Có mặt tại các nơi cách ly, lắng nghe chia sẻ của người cách ly và tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ lao động, tận hiến phục vụ cho người dân mình mới cảm nhận được tình người trong nghịch cảnh... Những hình ảnh ấy như ánh sáng mãnh liệt, tràn ngập năng lượng, chiếu sáng vào các ngõ ngách cuộc sống, góp phần xua đi bóng đen Covid-19 đang bao phủ lên khắp toàn cầu, đang là nỗi kinh hoàng của thế kỷ.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, thiết nghĩ hơn lúc nào hết, những người ở tuyến đầu luôn cần được tiếp sức bằng những yêu thương, bằng sự hợp tác của tất cả mọi người - có lẽ đó là sự tiếp sức tích cực nhất, ý nghĩa nhất. Đẩy lùi bệnh dịch, nếu chỉ có chính sách tốt, cán bộ, chiến sĩ cần mẫn cống hiến thôi là chưa đủ, mà cần hơn hết là sự chung tay của tất cả người dân, cộng đồng. Như lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”. Khi cả cộng đồng trên dưới một lòng, đồng thuận cùng nhau chung tay, tin rằng, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng, đẩy lùi đại dịch.

Dịch bệnh Covid-19 có mạnh, nhưng chắc chắn sẽ không thể mạnh bằng tình người, trong đó có tình đồng bào của dân tộc Việt Nam.

Những hình ảnh ấy rất sinh động, tuy nhiên ở các trung tâm cách ly được sử dụng các căn cứ quân sự, do vậy, theo quy định chung chúng tôi đã không ghi lại hình ảnh, nhưng dòng ký ức trong nhóm phóng viên chúng tôi vẫn xanh, tươi mới đong đầy cảm xúc, tỏa sáng tình người, tình đồng bào ruột thịt...
“Lo chuyện ăn, chỗ ngủ chu đáo cho từng người cách ly, vậy mà cán bộ, chiến sĩ lúc nào gặp cũng hỏi mình cần gì nữa không. Hai tuần tham gia cách ly ở đây, tôi thấy mọi người đều lo chu toàn cho người đang được cách ly, mà lại không lo gì cho bản thân. Mỗi buổi sáng dậy sớm, thấy các anh ngủ ngoài bậc thềm, ngoài hành lang, thấy rất thương, rất xúc động. Vì phục vụ người cách ly mà các anh không ngại khó khăn gian khổ; vì người dân mình, đồng bào mình, mỗi ngày họ không ngừng cố gắng, gác lại những hạnh phúc cá nhân. Nếu nói lời 'cảm ơn' với những 'chiến binh' nơi đây, có lẽ nói mãi cũng không đủ”.

ĐĐ.Thích Đồng Hạnh
Nghiên cứu sinh Việt Nam tại Thái Lan, khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM

“Những ngày ở khu cách ly, bản thân tôi thấy mình đang quá may mắn khi sống trong vòng tay nghĩa tình. Thương lắm từng người đang thực hiện công tác ở khu cách ly, ban ngày thì phục vụ người cách ly, rồi thức khuya đón từng đợt người về. Mặc dù mọi người đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng có những ngày, tôi cảm nhận được sự vất vả, mệt mỏi trong họ. Tất cả những điều đó, họ đều bỏ lại phía sau, dành toàn tâm, toàn lực để thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của mình”.

SC.Thích nữ Hạnh Tánh,

Du học sinh tại Thái Lan, khu cách ly Trường Quân sự TP.Đà Nẵng

“Thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, khó khăn dẫu nhiều, nhưng chưa có một cán bộ nào phàn nàn, chúng tôi đều nỗ lực, cống hiến. Có nhiều lúc để đảm bảo phục vụ chu đáo, kịp thời cho cùng lúc nhiều người đến cách ly, chiến sĩ phải cố làm việc gấp đôi, gấp ba, tận lực. Tất cả vì người dân của mình”.

Trung tá Nguyễn Quốc Trung,
Trưởng ban Dân vận Bộ Tư lệnh TP.HCM

Phóng sự của Như Danh - Hạnh Ý
Nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu