Cập nhật lúc 05:21:46 22-11-2020 (GMT+7)

Từ bi thôi thúc chân đi tới

Tôi lớn tuổi rồi! Năm, ba, năm nữa thì cũng “thất thập cổ lai hy”, nhưng có điều lạ là rất thích xê dịch đó đây.

Hạ tuần tháng 10 năm 2020, Ban Trị sự Phật giáo Gia Lai tổ chức cứu trợ các tỉnh miền trung, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, thấy tôi mến mộ chuyện xê dịch nên đề cử tôi làm trưởng đoàn cho chuyến từ thiện. Tăng sai biểu, tôi nhận lời.

Đi là một cách trải nghiệm, đi là đi thực tế để có vốn sống mà viết, thói quen nghề nghiệp đến đâu nơi nào tôi cũng quan sát, ghi nhớ. Ghi nhớ từng con người khi giao tiếp gặp gỡ, cảnh quan thiên nhiên và luôn đặt câu hỏi tại sao lại xảy ra cớ sự?

lu-lu-mien-trung 1

Chuyến đi mấy ngày, thương mảnh đất miền Trung, thương bà con ở nơi đây quanh năm lam lũ ruộng đồng, quanh năm đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Khi ở chùa, quanh quẩn trong bốn bức tường, quanh quẩn trong thôn làng ta không thấy hết nỗi thống khổ của mọi người, của chư Tăng Ni làm đạo ở miền trung trong mùa bão lũ.

Năm 2013 tôi có đến Quảng Trị làm lễ cầu siêu tại dòng sông Thạch Hãn, có hỏi thăm về tình hình Phật giáo Quảng Trị, được biết Tăng Ni rất ít, con số đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng đến năm 2020 số lượng Tăng Ni trẻ làm đạo tại quê nhà Quảng Trị đã tăng lên đáng kể. Phân ban đặc trách Ni giới tại Quảng Trị đã thành lập được dưới sự lãnh đạo của Sư Bà Thích Nữ Thông Mẫn, người đã hết lòng trùng tu xây dựng ngôi chùa Long Hưng ở Hải Lăng Quảng Trị thành điểm an cư cho Ni giới Quảng Trị trong mùa an cư (Chư Ni tại tỉnh Quảng Trị đã gần số 100).

Một lần gặp gỡ với Thầy Nguyên Mãn, một vị Tăng trẻ người Quảng Trị đang ở tại Tổ đình Tịnh Quang, đã thực sự dấn thân trong mùa bão lũ, đã đứng ở đầu sóng ngọn gió cứu trợ đồng bào lúc hiểm nguy nhất, tấm lòng ngay thật của thầy đã động tâm bao trái tim xa gần, trong nước cũng như ở nước ngoài.

lu-lu-mien-trung 2

Một lần gặp gỡ Thầy Thiền Bình, người gốc Huế ra làm đạo tại Quảng Bình, một thân một mình xây dựng nên chùa Kim Nại hoành tráng, trang nghiêm. Trong mùa lũ cao điểm Thầy và các Phật tử cộng sự chèo thuyền đưa cơm tới từng nhà cho bà con vì đường xá ngập hết, lòng thật thà của Thầy đã lay động nhiều trái tim trong và ngoài nước nhờ Thầy giúp đỡ cho bà con.

Một lần gặp gỡ Thầy Mãn Toàn tròn 30 tuổi, gốc người Huế ra Quảng Trị làm đạo, ăn nói nhỏ nhẹ tôn kính bậc trưởng lão, nhu thuận với chính quyền và với Phật tử nên Thầy đã làm bao nhiêu việc cho chùa Trường Khánh ở Bồ Bản, huyện Triệu Phong.

Một lần gặp Sư Cô trụ trì chùa Xuân Lâm, Hải Lăng Quảng Trị, luôn ấn tượng cách nhỏ nhẹ mủi lòng trước sự đau khổ của cộng đồng (chùa Xuân Lâm có Ni Cô nhỏ ôm cột nhà khi lũ dâng lên chờ thuyền cứu nạn, hình ảnh đã đăng nhiều trên Internet).

Qua mấy ngày đi cứu trợ miền trung, điều mà chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất và luôn tâm sự với các Thầy các Sư Cô trẻ trong đoàn rằng: “Vai trò của Tăng bảo vô cùng quan trọng, nếu Tăng Ni không còn thì đạo Phật sẽ bị hủy diệt ngay. Đoàn mình nên quan tâm cúng dường các chùa, cho các Thầy các Sư Cô đỡ được phần nào lương thực trong mùa bão lũ”.


Trong chuyến cứu trợ miền trung bão lũ, chúng tôi thấy được hết giá trị của những chuyến đi phát xuất từ con tim yêu thương.

“Xin để lại đời những chuyến đi

Vụt qua chớp mắt tuổi xuân thì

Trên trán nếp nhăn dần hiển hiện

Không phí hoài nếp sống từ bi

Cứ vậy mà đi giữa cuộc đời

Tấm thân nhỏ bé giữa trùng khơi

Từ bi thôi thúc chân đi tới

Mong ước cõi này nỗi khổ vơi”

(Trích: Mắt thương nhìn đời – Thơ Giác Tâm)

Thích Giác Tâm - Nguồn: Phatgiao.org

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu