Dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán khiến cả thế giới bàng hoàng, tạo sự phân hóa và kỳ thị gay gắt...
Đêm giao thừa Canh Tý, tôi ngồi yên trong một góc chùa, lướt từng trang báo mạng để đọc những thông tin gây chấn động đầu năm: Dịch viêm phổi đang hoành hành tại Vũ Hán, với cái tên rất lạ - nCoV (tên mới là Covid-19). Bất chợt trong tôi có chút gì đó như vụn vỡ, tự trách. Những ngày giáp Tết nhiều việc, hầu như tôi không lên mạng để đọc tin tức. Mãi đến giao thừa, phút giây đáng lẽ được mong chờ nhất, tôi định nhắn lời chúc xuân đến giáo sư hướng dẫn của mình trên WeChat, chợt nhìn thấy dòng tâm trạng của thầy: “Vũ Hán ơi! Trở về không được nữa rồi!”.
Và cũng như rất nhiều người, đến khi Vũ Hán bị phong tỏa, tôi mới vỡ lẽ rằng có một dịch bệnh xuất phát từ thành phố này. Giáo sư hướng dẫn của tôi - thầy Dương Hoa - đã đi châu Âu từ hôm 18-1 để thăm con trai đang du học ở đó, cũng không thể về lại quê hương, để kịp thời khắc đón giao thừa tại Vũ Hán.
Khó diễn tả được tâm trạng của tôi lúc ấy. Lặng người trong câu kinh, nghe lòng nghèn nghẹn, cay cay... Tại sao lại là Vũ Hán? Nơi mà tôi đã lưu lại hơn bốn năm để hoàn thành chương trình học ngôn ngữ và chương trình thạc sĩ...
Tác giả trước cổng trường Quốc lập Vũ Hán - Ảnh do tác giả cung cấp
Năm 2006, tôi mang hết tâm huyết lên đường du học. Thời điểm đó, hiếm có Tăng Ni du học tại Vũ Hán. Đa phần các sinh viên khóa V của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM lựa chọn du học Ấn Độ, chỉ có vài người như tôi lên kế hoạch sang Trung Quốc. Đại học Vũ Hán, lúc đó, bao gồm những trường đại học trọng điểm nổi tiếng của Trung Quốc. Và chúng tôi - một số sinh viên Học viện khóa V - đã từng rất tự hào khi mình là sinh viên nghiên cứu của đại học này.
Vũ Hán, hay còn gọi Đại Vũ Hán, là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Thành phố này còn được biết đến với một cái tên khác nữa là Giang Thành. Sách cổ ghi lại rằng Giang Thành có bề dày lịch sử trên dưới 1.300 năm, đặc biệt gắn liền với thi tiên Lý Bạch thời Đường, qua bài thơ: “Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa, tây vọng Trường An bất kiến gia, Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc địch, Giang Thành ngũ nguyệt Lạc Mai Hoa” (một lần làm khách đi đày về Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), ngóng về phía Tây là Trường An (nay là thành phố Tây An) không nhìn thấy nhà đâu, nghe tiếng sáo thổi trong lầu Hoàng Hạc, tháng năm ở Giang Thành nghe khúc hát “Lạc Mai Hoa”).
Người ta quen gọi “Giang Thành Vũ Hán” cũng bởi nơi này có nhiều dòng sông lớn chảy ngang: sông Dương Tử (Trường Giang), sông Hán Tử (Hán Giang), và rất nhiều hồ: Đông Hồ, Nguyệt Hồ, Kim Ngân Hồ… Vũ Hán lại là thành phố trung tâm, trục giao thông nối liền Nam Bắc của Trung Quốc. Chiếc cầu lớn Trường Giang hay cầu dây Trường Giang luôn lưu lại trong lòng du khách một cảm giác rộng lớn, kỳ vĩ khi nhìn ngắm.
Là trung tâm giáo dục của Trung Quốc, thành phố Vũ Hán tập trung rất nhiều trường đại học: Đại học Vũ Hán, Đại học Vật lý, Đại học Hóa học, Đại học Địa chất, Đại học Nông nghiệp, Đại học Sư phạm Hoa Trung…, tổng số sinh viên thường lên đến con số 150.000. Mỗi năm vào kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, khi sinh viên phần lớn về quê thăm nhà, Giang Thành Vũ Hán trở nên vắng vẻ lạ thường.
Tam quan Bảo Thông thiền tự - Ảnh do tác giả cung cấp
Chùa Bảo Thông ở khu Vũ Xương là ngôi cổ tự có từ thời Nam Triều, cách đây khoảng 1.600 năm. Ngôi hoàng gia tự viện này có phong cách kiến trúc tương tự như Cố cung tại Bắc Kinh. Những năm đầu thế kỷ XX, Đại sư Thái Hư từng trú tại chùa Bảo Thông để phát động phong trào Chấn hưng Phật giáo. Được biết thời ấy, chùa Bảo Thông có đến 700 Tăng sĩ tu học và là nơi thành lập Viện Phật học Vũ Xương. Đại sư Thái Hư cũng từng đến thăm Đại học Vũ Hán và lưu lại bài thơ trên trụ đá bên bờ Đông Hồ. Ngọn núi mà Trường Đại học Vũ Hán tọa lạc có tên Lạc Già (Lạc Già là âm dịch của Phật Đà, Phổ Đà), như phần nào minh chứng cho việc thành phố Vũ Hán đã có truyền thống tu tập theo Phật giáo từ ngàn năm trước. Về sau này, khi hệ thống tàu điện ngầm được kiến tạo, trạm chùa Bảo Thông được xếp vào trạm metro số 2.
Xa Vũ Hán mười năm, hình ảnh những con đường, góc phố hay những trạm xe buýt của Vũ Hán vẫn chưa phai nhạt trong tôi, nhất là trạm xe Cổ Cầm Đài, Chung Gia Trang… Đứng trên lầu Hoàng Hạc, tôi không cần tưởng tượng, chỉ cần phóng tầm mắt là có thể thấy bãi Oanh Vũ, thấy Bạch Vân các, thấy Hán Dương, thấy cầu Tình Xuyên (những địa danh trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu)…
Nhưng có lẽ nỗi nhớ thương sâu lắng nhất của tôi cũng như chư huynh đệ là ở nơi người dân Vũ Hán: trực tính nhưng lương thiện; đặc biệt là những Phật tử Vũ Hán: tinh tấn, hiền lành và đầy đạo tình. Có thể ai đó vẫn có sự hoài nghi về lối sống Phật giáo ở Trung Quốc, nhưng sự thật, điều mà tôi từng được trải nghiệm lại rất khác: xen lẫn trong khu thương mại Hán Khẩu, chính là những ngôi nhà được trương tấm bảng “Già-lam”, đó là nơi để Phật tử cùng nhau tu tập ngày Chủ nhật, không có thầy dạy cố định, chủ yếu học Phật pháp online. Cuối tuần, họ lại tập hợp tới Đông Hồ, phía sau Đại học Vũ Hán để phóng sinh, nhân tiện ghé qua ký túc xá của quý Tăng Ni du học sinh Việt Nam thỉnh vấn Phật pháp.
Năm 2010, chúng tôi phải dời lên Thượng Hải để học tiếp chương trình tiến sĩ, đành phải chia tay Vũ Hán, chia tay bạn bè thầy cô, chia tay quý Phật tử. Nhưng ở thời đại công nghệ thông tin, chúng tôi vẫn luôn giữ liên lạc, đặc biệt duy trì nhóm chia sẻ Phật pháp qua mạng một cách dễ dàng.
Mùng 2 Tết, chúng tôi liền liên lạc với nhóm Phật tử tại Vũ Hán. Người Trung Quốc vốn có truyền thống vui thì báo, buồn thì thôi, nên để hỏi được họ việc tai ương đầu năm cũng không phải là chuyện dễ dàng. May mắn là những người trong nhóm Phật tử chúng tôi quen biết đều bình yên. Phật tử Tâm Huệ (Ma-Ling), cô chủ của 6 ki-ốt tại chợ Hán Khẩu, năm 2015, vì tình hình kinh tế khó khăn đã rời Vũ Hán về lại quê nhà Chu Hải - Quảng Đông. Trước Tết, nhóm bạn Vũ Hán đến nhà cô ăn Tết, không ngờ Vũ Hán bị phong tỏa, họ ở lại nhà cô để tránh dịch bệnh luôn. Để bảo vệ mọi người và chính mình, Ma-Ling phải đảm nhiệm việc nấu ăn cho nhóm bạn Vũ Hán. Người thân thích ở Chu Hải khuyên cô nên cách ly họ, nhưng cô bảo mình là Phật tử, làm vậy không đành, cũng may khi kiểm tra thì tất cả bạn bè người Vũ Hán của Ma-Ling đều âm tính với Covid-19, lúc đó cô mới thở phào nhẹ nhõm: “Ơn Phật Tổ, ở hiền gặp lành!”.
Nhóm Phật tử tại Vũ Hán đã biến nhà mình thành ngôi "già-lam", cùng nhau tu tập, để có được sự bình an trong tâm bão dịch bệnh - Ảnh do các Phật tử Vũ Hán cung cấp
Phật tử Tâm Giác - Yanchun, Giám đốc Chi nhánh bảo hiểm nhân thọ tại Vũ Hán, không may bị nhiễm bệnh, nhưng cô đã tự cách ly tại nhà vì bệnh viện quá tải. Khi mới nhiễm bệnh, cô giấu hết bạn đạo, nghe theo lời chỉ dẫn của một vị thầy, tụng kinh, niệm Phật, trì chú. Hàng ngày cô có chồng đưa cơm nước, đến nay đang trong giai đoạn hồi phục, cô nói vui: “Cách ly thế này có khác gì nhập thất đâu, có ông chồng hộ thất”. Chúng tôi hỏi cô có cần giúp đỡ gì không? Tâm Giác nói quý “Sư phụ” chỉ cần tu tập gieo rải lòng từ cho người Vũ Hán bình yên là được rồi. Các vị còn cho biết chờ khi hết dịch bệnh, “nhóm Phật tử sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh để viếng thăm chùa chiền, thăm quý ‘Sư phụ’ Việt Nam”.
Phật tử Tâm Thông, trong khi tu tập có nhiều câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nhưng rất vững lòng tin Phật pháp. Khi dịch bệnh xảy ra, cô ở suốt trong nhà. Cô vốn là giáo viên thanh nhạc, nhưng trong cái ảm đạm vì dịch bệnh của Vũ Hán, không thể đàn hát, cô tĩnh tâm niệm Phật, tụng kinh Kim cang. Cô bảo, nếu như không phải là Phật tử, chắc cô đã “phát khùng vì những tin tức tiêu cực trên mạng”.
Phật tử Tâm Chứng kể cho chúng tôi câu chuyện đã cùng những bạn bè Vũ Hán du lịch vào dịp Tết. Họ lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi lịch đi trước khi lệnh phong tỏa, họ cũng không biết tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng; vừa đến Vân Nam, thì du khách Vũ Hán đều bị “tẩy chay”, “xa lánh”; các khách sạn, nhà nghỉ nghe đến người Vũ Hán đều không cho trú lại, thậm chí đến nhà ăn cũng không tiếp, họ phải lên diễn đàn cứu trợ kêu cứu mới được chính quyền tại Vân Nam cho tập trung lại một chỗ, chẳng khác gì trại tập trung. “Nếu biết trước dịch bệnh lây lan như vậy, chúng con sẽ không bao giờ rời nhà mình để đi, có chết cũng chết tại Vũ Hán” - Tâm Chứng phân trần với tôi. Tôi an ủi Tâm Chứng rằng người dân thiếu kiến thức về y tế, không biết cách bảo hộ mình khỏi dịch bệnh nên mới thế thôi, nếu họ biết cách phòng bệnh khoa học, họ sẽ không bao giờ có cách đối xử như vậy.
Xin gửi năng lượng thiện lành đến người Vũ Hán là thông điệp của những người Phật tử nơi tâm bão dịch bệnh này - Ảnh do các Phật tử Vũ Hán cung cấp
Rốt cuộc virus viêm phổi lạ hay virus… người Vũ Hán? Một câu hỏi đau xé lòng “không lời đáp”, khiến rất nhiều người Vũ Hán đành phải chịu vất va vất vưởng trong mùa xuân đoàn tụ. Còn nhiều lắm những trường hợp như thế tại Vũ Hán. Dân Vũ Hán bất bình trước cách đối xử của nhà chức trách trước việc thông báo trễ dịch bệnh, nhưng ngồi oán trách cũng không ích lợi gì. Những người mà tôi liên lạc được, là Phật tử, họ thấu hiểu, nhìn sâu nhân quả, để định hướng phương pháp tu tập trong tương lai.
Nếu không có dịch bệnh, Vũ Hán vẫn luôn là một thành phố đáng sống nhất tại Trung Quốc, vì nơi đó hội đủ nhiều điều kiện, phong cảnh hiền hòa dễ thương, pha trộn giữa cổ kính và hiện đại, nơi từng được ví là Chicago của Trung Quốc. Nếu không có dịch bệnh, chúng tôi cũng không lỗi hẹn với Vũ Hán thêm lần nữa. Mùa hoa anh đào tháng 3 năm nay tại Đại học Vũ Hán sẽ như thế nào? Sẽ còn có người chen chân để lưu lại góc ảnh “Anh đào rơi như tuyết” nữa không? Đàn hải âu trên Đông Hồ có còn tự do bay lượn? Phố đi bộ có còn đông đảo nam thanh nữ tú?...
Nói như Phật tử Tâm Giác - Yanchun, mong mỗi người chúng ta hãy tinh tấn tu tập và hồi hướng năng lượng thiện lành đến người dân Vũ Hán, cùng cầu nguyện tất cả sớm vượt qua cơn khổ nạn này!
Thánh Tâm - Nguồn: Giác Ngộ