Cập nhật lúc 06:53:28 08-10-2017 (GMT+7)

BÀI HỌC TỪ TỔ SƯ PHÁP LOA

BÀI HỌC TỪ TỔ SƯ PHÁP LOA

 

  1. MỘT VỊ THIỀN SƯ, CHÚNG TA HỌC HỎI NHƯ THẾ NÀO?

Nếu dòng Thiền Tào Khê ra đời từ Lục tổ Huệ Năng vốn là một vị tiều phu không chữ, mạch nguồn này được phát huy khiến cho nhiều người biết đến dưới thời một đệ tử tài ba linh lợi là Thần Hội đại sư; thì Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam do một vị Vua anh minh, xuất gia tu hành giác ngộ sáng lập nên, rồi được củng cố, hoàn bị và phát triển mạnh mẽ dưới thời một đệ tử nối pháp là Thiền sư Pháp Loa, vốn xuất thân từ một thanh niên dân dã, ít học. Đây là điểm đặc biệt, hàm chứa một ý nghĩa vô cùng độc đáo và sâu sắc của thiền phong. Vì tâm mình còn chút tình mê, chưa rời tình thức; còn kẹt hai bên, chưa suốt thông đại đạo, chưa tỏ ngộ tự tâm thì khó bề thấu tột. Nếu đã suốt thông thì không còn nói đến việc học. Còn chưa thông suốt thì học cũng không thể đến được chỗ tột cùng này. Vậy phải học hỏi Tổ sư Pháp Loa như thế nào? Không thể tìm hiểu nghĩa lý trên ngôn ngữ hay hành động mà cho là đã học được. Nhưng nếu khéo học, cũng ngay một câu, một chữ hay bất kỳ hành động nào cũng có thể bất ngờ nhận ra. Mới hay, mười phương chư Phật, nhiều đời Tổ sư chưa rời trước mắt. Thật cảm kích và sống động khi học về một Thiền sư!

 

    II- BÀI HỌC TỪ TỔ SƯ PHÁP LOA

1- Không thích ăn thịt cá, không nói lời ác:

Nếu là người từng ăn chay, khi còn ăn cá thịt thì việc cắt cổ nhổ lông súc vật cảm thấy cũng thường. Nhưng người ăn chay được thời gian rồi, thình lình thấy ai cắt cổ gà vịt thì trong lòng cảm thấy rợn người, khó chịu. Đó là những dấu hiệu cho thấy thiện pháp đã phát sinh trong người ăn chay, khi thấy pháp ác thì không chấp nhận được. Tổ Pháp Loa khi mới sinh ra thiên tư đã đĩnh ngộ, không thích ăn cá thịt, không nói lời ác. Mới thấy được căn lành của ngài thật sâu dày do nhiều kiếp đã được huân tu. Chúng ta muốn có được căn lành như Tổ thì ngay từ bây giờ phải sống tốt, siêng năng tu hành các thiện pháp, thiền định chuyên tâm. Nhiều kiếp hay một đời đều do chính mình tự làm, tự tu tạo, không ai làm thế cho mình được. Nếu kiếp trước chưa làm thì đời này chúng ta bắt đầu làm.

 

2- Tích cực làm nhiều Phật sự:

Năm hai mươi bốn tuổi ngài đã ngộ đạo, được truyền y bát và tâm kệ, kế thế Tổ vị thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến năm hai mươi lăm tuổi ngài lãnh đạo Giáo hội, làm chủ sơn môn Yên Tử. Trong khoảng hai mươi năm, ngài đã làm được rất nhiều Phật sự. Độ tăng ni hơn 15.000 người. Phật tử được độ thì không thể đếm hết. Khắc bản, in Đại Tạng Kinh, xây chùa, đắp tượng,… Với chân lý siêu việt của thiền thì ngài đã ngộ được. Với công việc hiện đời thì ngài đã tùy duyên làm nên nhiều Phật sự vĩ đại. Lý sự viên dung. Không dính mắc nhưng không phải ở không. Làm rất nhiều mà không phải dính mắc. Điều này chúng ta thấy rõ qua công hạnh tu khổ hạnh của ngài. Nhà vua tặng thuyền để đi lại mà ngài không nhận. Số tịnh tài tịnh vật quyên cúng quá nhiều thì ngài giảm bớt. Học đòi cạn cợt theo bên ngoài thì dù nhiều hay ít, ai cũng có phần. Nhưng để học đến được chỗ cốt tủy của ngài thì không phải dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Thử hỏi, tổ Pháp Loa có tâm mà làm hay không tâm để làm các Phật sự? Nếu có tâm thì còn tạo tác, rơi vào sanh diệt, không được gọi là Tổ. Nếu không tâm, tâm không sanh khởi thì lấy gì để làm? Hiện nay, ai là người thấy được? Cần chín chắn ngẫm nghĩ cho thật kỹ. Coi chừng lầm!

 

3- Tính kế thừa và phát triển:

Nhắc đến Thiền sư Pháp Loa là nhớ đến công hạnh kế thừa, làm cho Tổ đạo được hưng thạnh. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dưới thời tổ Pháp Loa được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cụ thể Tổ đã biên tập và giảng giải Ngữ lục, khắc bản Kinh tạng, định chức và lập sổ bộ cho Tăng đồ, độ nhiều người xuất gia và tại gia,… làm cho dòng thiền Việt Nam lúc bấy giờ phát triển tột đỉnh. Như vậy, chúng ta học hỏi tinh thần kế thừa và phát triển của Thiền sư Pháp Loa như thế nào? Nếu làm theo giống như những gì Tổ đã làm như vừa kể trên thì chỉ mới đi theo, chưa biết cách học cho nên không thể học được đúng với những gì Tổ sư đã làm.

 

Ở thế gian, nếu chúng ta học theo đuôi một vấn đề gì thì chỉ được gọi là bắt chước, học lóm, không nắm hết vấn đề, không thể sáng tạo. Cách học này không mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu người biết cách rèn trí thì sẽ khác. Mọi thứ trên đời đều từ trí tuệ con người mà hình thành, có ra. Căn cứ trên trí tuệ làm căn bản, những gì đã có chúng ta kế thừa, phát huy và làm tốt hơn, đó là tái tạo; những gì chưa có, nhờ vào trí tuệ chúng ta sẽ làm mới, đó là sáng tạo. Tái tạo và sáng tạo là dựa trên nền tảng của trí tuệ để phát huy chứ không phải học theo, nô lệ kiến thức. Đó là người biết cách học, biết kế thừa và phát huy. Tính kế thừa và phát huy ở Tổ Pháp Loa cũng tương tự. Chúng ta phải nhận ra rằng, tất cả những việc làm Phật sự của ngài đều dựa trên trí giác Tổ đã đạt được. Trên cơ sở đó, Tổ tùy thuận vào những gì hiện tại cần làm để đưa mọi người trở về nhận ra và sống được bằng trí giác, để được hết khổ, an vui. Đó là tính kế thừa và phát huy Tổ đạo của Thiền sư Pháp Loa.

 

4- Từ cách quy tịch của Tổ:

Đến năm Khai Hựu thứ 2 (1330), Tổ trở bệnh. Ngài Huyền Quang thưa hỏi, mỗi mỗi Tổ đều khai thông. Đến phút lâm chung, chúng ta càng thấy rõ hơn sức sống của ngài. Không chỉ thế, đệ tử đòi để lại kệ, Tổ bảo đem giấy bút ra và ban kệ cho. Viết xong, ngài ném bút và an nhiên thị tịch.

 

Thông thường khi nghe bàn đến một vị Tổ sư, chúng ta thường nghĩ đến cách ra đi của quý ngài như thế nào mới được tự tại. Đức Phật nằm nghiêng bên phải an nhiên vào Niết-bàn. Có nhiều vị Thiền sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Ngài Chỉ Y Đạo Giả thì khoanh tay đứng tịch. Thiền sư Giới ở núi Ngũ Tổ chống gậy đứng mà tịch. Ngài Đặng Ẩn Phong nghe thế liền làm lạ hơn, tịch theo tư thế trồng chuối ngược… Vậy chúng ta nên chọn cách quy tịch nào thì mới được tự tại? Tổ Quy Sơn Linh Hựu khi sắp thị tịch bảo sẽ làm con trâu dưới núi, bên hông có ghi năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Thế thì nên gọi Quy Sơn là phải hay gọi con trâu là phải? Nếu còn mê mờ, kẹt tâm chấp tướng thì không thể thấu tột được chỗ này. Tại sao lại nhằm trên hình tướng để tìm thấy Phật Tổ?

Đức Phật dạy:

 

Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta.
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.

 

 Nghĩa là nếu nương vào, nhìn theo âm thanh sắc tướng để tìm thấy bậc giác ngộ thì đã bị sai lệch, không thể thấy được quý ngài. Cuối cùng, tổ Pháp Loa viên tịch có được tự tại hay không, phải thị tịch trong tư thế nào mới được tự tại? Khó hiểu quá! Phải sống và tinh tấn tu hành như quý ngài thì mới thấu suốt được.

 

5- Lời khai thị vô vàn quý báu:

Một hôm mở hội thuyết pháp, Tổ lên tòa và nói, nếu nhắm thẳng vào chỗ cứu cánh chân thật thì chỗ này không thể nói, mở miệng liền sai, làm gì có quán, có xét! Nếu khéo vận dụng để nói thì cũng không thể nói tột đến chỗ chân thật kia được. Nói xong, Tổ nhìn hai bên mà không có ai trình được chỗ ngài muốn chỉ, buộc phải hỏi tiếp: “Trong đây có người nào đầy đủ con mắt lớn chăng? Nếu có, hai cặp chân mày chẳng cần vén lên.” Nếu có người trình được con mắt lớn đại đạo thì ngài sẽ xuống tòa, không cần phải vén chân mày (lập bày phương tiện) để nói thêm nữa. Vì không ai trình cho nên Tổ nói: “Bằng không, bần đạo chẳng khỏi miệng nói ba hoa, đề ra những điều hủ mục, đáp những lời tạp nhạp. Chỉ vì các ông nhồi thành một khối hỗn độn. Lắng nghe! Lắng nghe!”

 

Như vậy, chỗ cốt lõi chính yếu mà Tổ muốn chỉ là Đệ nhất nghĩa đế, là con mắt lớn đại đạo, là chỗ cứu cánh rốt ráo của Phật pháp, là Phật tánh, chân tâm,… chứ không phải chỉ có những lời giảng nói và đối đáp sau này. Thấy được thì ngay đây liền thấy, không đợi Tổ thăng tòa. Do trong chúng không có người trình lên cho nên Tổ phải bất đắc dĩ nói ra những điều hủ mục, tạp nhạp, nhồi lại hỗn độn. Bởi những lời ấy sẽ thật sự là hủ mục, tạp nhạp và hỗn độn đến vô ích nếu chúng ta không nhận ra cốt tủy mà Tổ muốn chỉ cho tất cả mọi người. Ngay đây nếu khéo hay ra, sẽ thấy Tổ đang hiện diện mỉm cười rất hài lòng và mãn nguyện cho một đệ tử khéo học hỏi ngài như thế!

          III- KẾT LUẬN:

Học hỏi Tổ sư Pháp Loa, chúng ta phải biết ứng dụng lời Tổ chỉ dạy để thực hành, tỏ ngộ chỗ cốt tủy mà Tổ muốn chỉ, sẽ phá tung những điều còn uẩn áo trong này. Nếu chỉ nghiên tầm, kê cứu thì chỉ là đọc học và hiểu được những gì trong sách sử đã in ấn và tìm trên những di sản còn sót lại mà thôi.       

Thích Tâm Hạnh - Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu