Theo nhiều nguồn tin, Trái đất của chúng ta dường như đã xanh trở lại. Chỉ số môi trường được cải thiện trên toàn thế giới sau hơn hai tháng xảy ra dịch bệnh Covid-19. Các đô thị lớn đã giảm hẳn các chỉ số ô nhiễm không khí. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Á, Âu, Mỹ... bầu không khí dường như đã trong hơn, trái đất dường như đã xanh trở lại, vạn vật sinh sôi nẩy nở như giữa mùa xuân. Tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, rùa biển, cá heo từng đàn xuất hiện, tung tăng bơi lội sát bờ biển. Lỗ hổng tầng ozone phía trên Nam cực đang có dấu hiệu tự chữa lành sau những năm bị con người làm tổn hại nghiêm trọng. Rõ ràng thiên nhiên đang hồi sinh khi con người thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác tài nguyên, xả khí thải... tạm dừng đã góp phần làm nên điều kỳ diệu này.
Những điều xảy ra như thế cho thấy rằng con người đã phá hoại thiên nhiên, bao gồm cả khoáng chất, động vật và thực vật, khủng khiếp như thế nào. Khi khoa học, công nghệ chưa phát triển, con người chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên ở mức độ vừa phải và chỉ để phục vụ nhu cầu sinh tồn. Khi khoa học, công nghệ phát triển cao, con người khai thác ngày càng nhiều và không chỉ để phục vụ cho những nhu cầu căn bản mà còn cho những nhu cầu không cần thiết cũng như những tham vọng điên cuồng. Nếu chỉ để cung cấp thực phẩm cho con người, thiên nhiên có thể đáp ứng một cách nhẹ nhàng. Nhưng con người đâu bằng lòng với những điều đơn giản vậy. Con người muốn chinh phục tự nhiên và xã hội, muốn thống trị thế giới. Họ tạo ra rất nhiều loại máy móc và vũ khí tối tân. Những thứ này cũng đều từ tài nguyên thiên nhiên mà ra. Một chiến đấu cơ, một chiếc hàng không mẫu hạm hao tổn bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên? Và khi chúng vận hành, chúng sẽ tiêu thụ bao nhiêu nguyên liệu cũng như sẽ xả vào tự nhiên bao nhiêu thứ độc hại?
Con người ngày nay tự cho rằng mình là những người rất dân chủ, văn minh nhưng không hiểu sao họ lại hành xử một cách quá thô lỗ với thiên nhiên. Thiên nhiên cho họ tất cả, họ lại trả ơn thiên nhiên bằng cách tàn phá không thương xót. Ta hãy hình dung xem, dưới sự hoạt động của con người, thiên nhiên luôn trong tình trạng mệt mỏi đến kiệt sức. Khi những vết thương cũ chưa kịp phục hồi đã bị con người gây thêm những vết thương mới, oằn oại, đau thương. Và ta hãy hình dung, trong những ngày con người tạm ngừng mọi hoạt động vì dịch bệnh, các loài động vật, thực vật và khoáng vật được nghỉ ngơi và thư giãn biết bao. Nhưng những ngày ấy không kéo dài. Sau khi bệnh dịch qua đi, con người hoạt động trở lại và lại tiếp tục làm khổ thiên nhiên.
Những gì đang xảy ra trên thế giới làm ta liên tưởng đến ví dụ nhà lửa trong kinh Pháp hoa. Thế giới hiện nay cũng vậy, và nếu mọi người không cùng nhau dập lửa thì sớm muộn gì tất cả đều sẽ bị lửa thiêu chết hết, cả kẻ thắng lẫn người thua. Hưởng thụ mà không chú ý đến môi trường sống là hành động của người ngồi trên ngọn để chặt cây. Cây ngã thì người cũng té. Ta chợt nhớ Đức Phật thật trí huệ và trân trọng thiên nhiên biết bao khi Ngài không đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Còn Thiền sư Nhất Hạnh thì dạy ta phải tử tế và yêu thương mẹ mặt đất:
“Hãy đi những bước chân như hôn vào mặt đất/ Hãy đi những bước chân như vỗ về Trái đất”.
Hữu Huệ - Nguồn: Giác Ngộ