Cập nhật lúc 09:22:26 22-05-2018 (GMT+7)

Biên Hòa: Tu viện Trúc Lâm Viên Nghiêm Đón Mừng Phật Đản

Vào ngày 21 tháng 5 nằm 2018 tức là ngày 7 tháng 4 năm Mậu Tuất. Tu viện Trúc Lâm Viên Nghiêm -  phường Long Bình long trọng hân hoan diễn ra buổi lễ tắm Phật mừng Đức Phật Đản sanh PL 2562, thị hiện ta bà cứu giúp chúng sanh. Chư tôn đức đã thành kính cử hành nghi thức tắm Phật theo truyền thống.

 

Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của Hòa Thượng thượng Giải hạ Trường chứng minh chùa Viên Giác, Đại Đức Thích Thiện Mỹ , Đại Đức Thích Pháp Huyền phó trụ trì tu viện Trúc Lâm Viên Nghiêm - Chùa Viên Giác kiêm Trưởng Ban Nghi Lễ. Đại Đức Thích Minh Hiếu phó trụ trì chùa Viên Giác. Đại Đức Thích Chơn Thịnh phó trụ trì chùa Viên Giác, Đại Đức Thích Nhuận Đạo quản tự tu viện Trúc Lâm Viên Nghiêm kiêm PBĐH gia đình thiếu nhi, chư tôn đức tăng ni chùa Viên Giác, cùng đông đảo Phật tử các đạo tràng về tham dự.

 

Theo quan niệm truyền thống, lễ Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm từ hoa tươi tinh khiết lên tôn tượng Đức Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Đức Phật đản sanh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý của người con Phật. 

 

Ý NGHĨA TẮM PHẬT

Thực chất thì lễ tắm Phật không chỉ đơn thuần là thực hiện nghi lễ tắm với một tượng Phật đản sanh, với những chậu nước đã chuẩn bị sẵn. Phật bên ngoài chỉ là xi măng, đất, đồng hay một chất liệu nào đó mà thôi; nước bên ngoài chỉ tẩy rửa được những cáu bẩn bên ngoài. Cái cốt yếu là Phật ở nơi tự thân của chúng ta, “tắm Phật” ở đây là “tắm” vị Phật ở nơi mình.

Chúng ta “tắm” vị Phật bên trong của chúng ta là chúng ta rũ sạch mọi phiền não của tâm, mọi tham lam, giận hờn, đố kỵ, bực dọc, hơn thua, ganh ghét,...của chính chúng ta bằng nước của sự tu tập, của sự bố thí, của lòng từ, của trí tuệ.

Chúng ta phải “tắm” cho thân, miệng và ý nghĩ của mình được thanh tịnh, tránh đem đến nỗi khổ niềm đau cho chính mình và mọi người.
“Tắm Phật” bên ngoài để nhắc nhở rằng bên trong vẫn có Phật,
“Tắm Phật” bên ngoài một lần nhưng “tắm Phật” bên trong phải thường xuyên. Phải tắm từng ngày, từng giờ, từng phút thậm chí là từng mỗi sát-na.
Ở chùa, mỗi năm chỉ tổ chức một lần “tắm Phật” vào ngày kỉ niệm Phật đản sanh, nhưng ở nhà chúng ta có nhiều cơ hội để “tắm rửa” vị Phật nơi chính mình hằng ngày. Mọi phiền não cấu uế giận hờn hãy để cho dòng nước của sự buông bỏ, của từ bi, của trí tuệ cuốn trôi ra khỏi tâm thức cũng như nước cuốn trôi đi những chất bẩn bên ngoài cơ thể. 
Thực tập hằng ngày, tức là lúc nào Phật cũng đản sanh, lúc nào chúng ta cũng được “tắm Phật”.
“Tắm” mà được nói ở đây là chúng ta phải tắm trong mọi lúc mọi nơi; “tắm” ở những nơi đông người, “tắm” ở những nơi nghịch cảnh, “tắm” những lúc vui hay là “tắm” những khi buồn và thậm chí là “tắm” ngay cả những khi chúng ta thành công rực rỡ nữa.

“Tắm” ở đây là chúng ta phải giữ tâm mình bình thản trước những biến động của thế sự, của cuộc đời. Có khi đó là hạnh phúc, là niềm vui, là sự sung sướng; nhưng cũng có lúc đó là mất mát, là nỗi khổ, là niềm đau đớn tột cùng. 
Các pháp đều vô thường nhưng nếu chúng ta bình tâm và hiểu sâu sắc về nó thì chúng ta thật sự là đang “tắm Phật” hằng ngày đấy.

Vậy các bạn đã “tắm Phật” của mình chưa?

Với tâm niệm tẩy rửa mọi phiền não nơi thân tâm của chính mình.

 

Một số hình ảnh tại buổi lễ tắm Phật chùa Viên Nghiêm:

 

- Cung thỉnh chư tôn đức quang lâm bảo điện:

Hai hàng Phật tử chắp tay cúng kính cung nghênh chư tôn đức quang lâm.

 


Ca nhạc chào mừng nhân mùa Phật Đản sanh.

 

Nghi thức quan trọng nhất mở đầu cho tuần lễ Phật Đản là nghi thức tắm Phật:

Nghi thức Tắm Phật được diễn ra trang nghiêm, thành kính.

Phật tử xếp hàng trang nghiêm thanh tịnh trước khi gội rữa những cấu bẩn trong tâm tư của mình dưới sự chứng minh của Đức Phật.

Chư tôn đức ngồi chứng minh cũng như hộ niệm danh hiệu bổn sư để cho quý Phật tử tắm Phật, tắm sạch mọi tâm cấu bẩn của mình.

 

Nam Mô Lâm Tỳ Ni Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

Ban TTTT tỉnh Đồng Nai

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu