Cập nhật lúc 01:29:12 19-03-2021 (GMT+7)

"Bố già" và những vấn đề muôn thuở

Khi xúc chạm việc đời, kể cả xem phim, tôi cũng dùng đôi mắt của người học Phật để nhìn về, quán chiếu. Với "Bố già" - một bộ phim do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạo diễn - tối qua tôi mới xem cũng thế.

"Bố già" và những vấn đề muôn thuở


Ở đó, câu chuyện gia đình với những con người trong giềng mối huyết thống, tình yêu thương tương tác với nhau. Có đầy đủ hỷ nộ ái ố, chuyện nhỏ trong mái nhà ông Ba Sang và cả họ hàng bà Hai Giàu, với hẻm nhỏ ngập nước của Sài Gòn thực ra cũng là bức tranh cả xã hội.

Khi mà, những khoảng cách thế hệ được lấp đầy bằng đối thoại thẳng thắn (cần thiết), những yêu thương bộc lộ theo cách riêng dẫn tới mâu thuẫn, để rồi có khi qua đó họ nhận ra đâu là chân tình.

Đôi khi con người ta biết rõ những mối quan hệ đó không thật tròn chữ tình, đầy tính toán (rất người) nhưng họ không thể dứt ra được vì giềng mối duyên-nghiệp dày sâu. Thấm thía câu: không ai có thể chọn hoàn cảnh sinh ra vì phải tuân theo nghiệp lực thúc đẩy. Những ơn-nghĩa, trả-vay tiếp nối.

Tính thiện trong mỗi con người có đó nhưng đôi khi nó không đủ lớn, và bị lấn át. Nhưng rồi đâu đó, lấp lánh trong họ vẫn là tình thương, chia sẻ trong lúc ngặt nghèo. Chi tiết người em tên Quý của ông "bố già" Ba Sang hiến thận cho anh mình vì cảm nhận cái tình của người anh đã nói lên điều đó. "Trong cái nhà này chỉ có anh xem tui là con người", Quý nói.

"Bố già" và những vấn đề muôn thuở ảnh 1

Trấn Thành vai "bố già" Ba Sang

Nhưng, có khi làm người tốt cũng không phải dễ được khi trước đó ta đã sống xấu quá nhiều. Ông Quý chỉ còn một ngày nữa là có thể trả ơn anh mình cũng không được, ước vọng làm lại cuộc đời không thành sau cú đâm chí mạng của những tên xã hội đen mà ông đã quan hệ trước đó.

Sâu thẳm hơn là tình cha con, gia đình và dòng tộc... Woắn - con trai ông Ba Sang - cũng là nhân vật chính của phim này đã chuyển tải những bức xúc thế hệ (tự do), những thông điệp cần được thức tỉnh nơi xã hội vẫn còn trọng hình thức, ưa nhìn người khác để sống; sự khác nhau trong cách nghĩ đã cản ngăn hạnh phúc lẽ nên mỗi người xứng đáng được hưởng trong kiếp người ngắn ngủi này.

Đó chính là khái niệm gia đình, là nơi chứa đầy yêu thương, chứ không phải là những sợi dây chỉ mang tính huyết thống đơn thuần mà thiếu vắng sẻ chia. "Đó chỉ là họ hàng thôi, ba hiểu hông?".

Và ai cũng có cuộc đời riêng của người đó, đừng xắn tay vào sắp đặt, ngay cả khi ta nghĩ là tốt. Nhưng đâu phải cái tốt nào cũng luôn tốt? Trong dòng chảy của tục đế, đôi khi lúc này là tốt, mai mốt xấu và ngược lại. Woắn bảo, ba đừng cái gì cũng lo tất cho con như vậy, nếu con ba sai hãy để nó chịu trách nhiệm, hãy để cuộc đời tát nó vài cái cho nó tỉnh ra.

Ở một góc nào đó, bố già Ba Sang không chỉ dành tất cả yêu thương cho con cháu mình mà cả sự chia sẻ với người khác. Khi thì miếng thịt cho ông lão nghèo, lúc ít gạo gửi cúng chùa, luôn nghĩ cho người khác, ngay cả trong tình yêu. Thực ra, nghĩ cho người khác, nghĩ thay người khác cũng tốt nhưng không phải bao giờ cũng tốt. Với bà Lệ, chỉ vì ông sợ bà phải hi sinh nhưng theo bà nếu ông chấp nhận tình cảm bà sớm hơn đó lại là hạnh phúc. Và bà đã không để ông phải "chịu thiệt" với chị em, dòng họ mình như vậy rồi.

"Bố già" và những vấn đề muôn thuở ảnh 2

Một cảnh trong phim "Bố già"

Những lỡ nhịp yêu thương chỉ vì trù trừ. Nói thương, nói xin lỗi mà... với người thân thương phải chăng là câu nói khó nhất? Hay chỉ vì chúng ta nghĩ rằng họ luôn ở đó, ta không cần phải "chăm sóc" thêm mối quan hệ mặc nhiên ấy?

Đã bao lâu rồi bạn không chụp hình chung với người mình thương yêu nhất? Câu hỏi của Woắn nghẹn ngào người xem, có lẽ "đồng bệnh tương lân". Bộ phim nhắc khán giả hãy trân trọng tình cảm người mình thương nhất vì vô thường sẽ biểu hiện bất cứ lúc nào. Cũng là nhắc, sự yêu thương của mỗi người có khác nhau, cần phải lắng nghe nhiều hơn để hiểu và thương sâu sắc hơn.

Trong cuộc đời, thực sự, chúng ta chưa kịp làm một người con tốt đúng nghĩa đã vội làm cha. Để rồi, trong "thực hành" làm cha ta lại loay hoay, có khi cả đời vẫn không giỏi khi những thế hệ cứ lớn lên và thay đổi quá nhanh mà ta chưa thích ứng kịp...

Chi tiết ông Ba Sang tìm về mái chùa náu nương trong lúc khốn cùng nhất cũng là hình ảnh đẹp về chốn tâm linh. Luôn vậy, ngôi chùa là nơi con người nương tựa trong những lúc khổ đau nhất để từ đó họ tìm ra một hướng sáng đời mình...

Lưu Đình Long - Nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu


Các tin khác