Hôm nay ngày 15.11.2019 Ban truyền thông tiếp tục cập nhật thông tin từ đại Giới Đàn Diệu Tâm, từ sáng sớm vãn tiếp tục phần nghi thức thọ giới cho các giới tử Tỳ Kheo tăng và Tỳ kheo ni cho tới buổi chiều.
17h 00’ là phần nghi thức truyền Bồ Tát Giới – Đạo Tục Thông Hành Giới: Cho Bồ tát xuất gia và bồ tát tại gia.
Giới Bồ tát được hiểu trong tinh thần Phật giáo là: Đại thừa Bồ Tát giới là gồm Thất Chúng giới ,như gồm Tam Quy giới, Ngũ giới, Bát giới, Thập Thiện giới, Tỳ Kheo giới và Tỳ Kheo Ni giới (theo ngũ bộ đại luật). Nội dung của Bồ Tát giới dựa vào các kinh “Anh Lạc kinh”, “Phạm Võng Bồ Tát kinh”, “Địa Trì kinh”, “Du Già Sư địa luận”, “Bồ Tát Giới kinh”. Các vị tổ sư đã trích thành văn mà kết thành Bồ Tát giới bổn. Cơ bản của Bồ Tát giới là gồm Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới. Tam Tụ Tịnh giới là:
1. Nhiếp luật nghi giới: Bồ Tát giới là thâu nhiếp tất cả giới luật, tức bao gồm giới tại gia và xuất gia như: Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập Thiện giới và Cụ Túc giới.
2. Nhiếp thiện pháp giới: Bồ Tát giới lấy tất cả các điều lành làm giới.
3. Nhiêu ích hữu tình giới: Bồ Tát lấy mục đích làm lợi ích cho tất cả chúng sanh làm giới, không xả bỏ tất cả chúng sanh mà cứu độ chúng sanh làm mục đích tu tập và cầu giác ngộ.
Thọ Bồ Tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh chìm nổi trong sanh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chánh nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy bồ đề tâm dẫn đạo, thực hiện lý tưởng Đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.
Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới là nội dung cơ bản của Bồ Tát giới. Nhiều kinh luận đề cập tầm quan trọng của Thập Thiện giới, xem đó là cái nhân lành tu phước báu nhân thiên. Tuy vậy, ngay cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát xem Thập Thiện giới là pháp tu học thực tiễn. Luận Đại Trí Độ có dạy: “Thập thiện đạo tắc nhiếp nhất thiết giới”. Tức là Thập Thiện giới thâu nhiếp tất cả các giới. Đối với Phật tử tại gia phát tâm thọ trì Thập Thiện và Bồ Tát giới đó là nhân duyên hiếm có trên cuộc đời. Tuy cuộc sống thế tục còn bị ràng buộc gia đình, công việc làm ăn và giao tế xã hội, v.v.. , cũng nên nhận thức cuộc đời là huyễn mộng, phát Bồ Đề tâm thọ giới pháp của Phật để cầu giải thoát khổ đau cho mình và mọi người. Từ đó gặt hái được giá trị thiết thực của Pháp vị, để thăng hoa đời sống con người. Vấn đề khi Phật tử đã thọ giới rồi, điều quan trọng là trì giới thanh tịnh mới đắc giới, tức là thành tựu Giới-Định-Tuệ và giải thoát và giải thoát tri kiến; đó là mục đích và ý nghĩa của việc thọ giới .
20h 30’ là nghi thức Tấn Hương.
Tấn hương còn gọi là đốt liều, là sự phát nguyện đốt thân cúng dường Tam bảo trong các đại giới đàn trao truyền giới pháp cho Tăng Ni và các Phật tử phát tâm thọ trì giới Bồ tát. Thường thì người phát tâm tấn hương tự nguyện đốt từ một liều hoặc ba liều hoặc nhiều hơn trên đỉnh đầu. Sau khi tấn hương xong, liều hương sẽ cháy thủng một phần da đầu, về sau để lại những vết sẹo hình chấm tròn trên đỉnh đầu rất ấn tượng.
Tấn hương có căn nguyên từ tinh thần phát tâm Đại thừa, thực hành Bồ tát đạo trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Vì mục tiêu thành Phật, cứu độ chúng sanh nên vị Bồ tát quyết không tiếc thân mạng, xả thân vì đạo. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: "Thấy người sau mới học Bồ tát giới, có người từ xa hàng trăm ngàn dặm, lại cầu kinh luật Đại thừa, nên như pháp nói hết thảy các hạnh tu khổ hạnh, hoặc thiêu thân, thiêu tay, thiêu ngón tay, nếu như không thiêu thân, tay, ngón tay cúng dường chư Phật, thì không phải là người xuất gia tu hạnh Bồ tát" (Khinh cấu giới-16). Kinh Pháp Hoa tán thán hạnh đốt thân cúng dường Phật của Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến v.v...
Khi tấn hương, tất nhiên người phát nguyện đốt thân phải trải qua cảm giác rất đau đớn vì da thịt bị đốt cháy liên tục trong hơn nửa giờ. Nhưng vì đó là một đại nguyện, một dấu ấn quan trọng trong đời tu, quyết xả bỏ thân mạng để "thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh" nên các giới tử kham nhẫn chịu đựng và vượt qua.
Tấn hương - đốt liều là sự tự giác, phát nguyện đốt thân cúng dường của giới tử nên không bắt buộc. Tuy vậy, trong không khí trang nghiêm của giới đàn cùng với hùng lực sung mãn của sơ tâm nên có rất nhiều giới tử phát tâm tấn hương - đốt liều sau đàn giới Bồ tát.
Ban TTTT Phật Giáo Đồng Nai